Trước chủ trương nới lỏng giãn cách xã hội, vừa chủ động trong phòng chống dịch COVID-19, vừa thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, các tỉnh, thành như: Lào Cai, Ninh Bình, Cao Bằng, Huế, Bắc Giang, Thanh Hóa, Phú Yên, Đà Lạt, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Kiên Giang ,… đã ra thông báo về việc cho phép tổ chức hoạt động trở lại các khu di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn.
Lào Cai:
UBND tỉnh Lào Cai vừa có văn bản về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Cụ thể, kể từ 0h00 ngày 28/4, các khu, điểm du lịch, danh thắng, các điểm du lịch cộng đồng, cơ sở kinh doanh lưu trú, homestay cùng các cơ sở, nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, cà phê, giải khát trên địa bàn tỉnh được phép hoạt động trở lại.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu gồm khu vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp, karaoke, mát-xa, quán bar, vũ trường, rạp chiếu phim, các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo tại đền, chùa, nhà thờ… các giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết cũng chưa được phép nối lại.
Mọi hoạt động đều phải có kiểm soát, đảm bảo thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, chỉ áp dụng đối với khách nội địa, việc đón khách nước ngoài vẫn bị tạm dừng đến khi có thông báo mới.
Cao Bằng:
UBND tỉnh Cao Bằng cũng đã ban hành văn bản về việc triển khai thực hiện một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Theo đó, cho mở cửa đón khách du lịch tại tất cả các điểm, khu du lịch trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động kinh doanh dịch vụ còn lại và các hoạt động khác hoạt động bình thường. Đối với các cửa hàng ăn uống được hoạt động cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, giữ khoảng cách hợp lí khi phục vụ khách tại chỗ.
Sơn La:
UBND tỉnh Sơn La đã ra văn bản số 834/QĐ-UBND về việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 đối với các hoạt động trên địa bàn tỉnh. Các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, quán nước giải khát, khách sạn, cơ sở lưu trú, khu di tích, danh lam thắng cảnh được phép hoạt động trở lại nhưng không tập trung quá 30 người và phải thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo đúng qui định.
Ngoài ra, các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết, các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như khu vui chơi, giải trí, thẩm mỹ, karaoke, mát-xa, quán bar, vũ trường... vẫn tạm dừng hoạt động.
Vĩnh Phúc:
Tại Vĩnh Phúc, các khu di tích, danh lam, thắng cảnh, khu, điểm du lịch trên địa bàn hoạt động trở lại vào 24/4. Trong đó, một số điểm đến gợi ý dành cho du khách là khu danh thắng Tây Thiên, khu nghỉ dưỡng Flamingo Đại Lải, khu du lịch Tam Đảo.
Ninh Bình:
Trên trang web chính thức của khu du lịch sinh thái Tràng An - Ninh Bình đã có thông báo sẽ mở cửa đón khách trở lại từ ngày 28/4. Đồng thời, yêu cầu bắt buộc du khách đến tham quan phải đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay trước khi vào cổng. Khu du lịch sẽ không phục vụ những du khách không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Thanh Hóa:
Từ ngày 29/4, tất cả các điểm, khu du lịch tại tỉnh Thanh Hóa sẽ được mở cửa trở lại để đón khách trong nước, tuy nhiên do lo ngại dịch bệnh COVID-19 vẫn còn tiềm ẩn, địa phương này vẫn chưa cho du khách tắm biển tại các bãi biển như Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa....
Theo quyết định này, tất cả các điểm, khu du lịch trên địa bàn toàn tỉnh sẽ mở cửa trở lại đón khách nội tỉnh và những tỉnh, thành phố có nguy cơ thấp đối với dịch COVID-19. Còn những tỉnh, thành phố có nguy cơ cao thì từ chối đón tiếp. Cho phép các khu di tích, danh lam, thắng cảnh, các khu du lịch biển ở Thanh Hóa được mở cửa trở lại đón khách nhưng không cho du khách được tắm biển tại các điểm tắm công cộng. Và sẽ không tổ chức Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn năm 2020, một hoạt động thường diễn ra vào cuối tháng 4 hàng năm ở đây.
Thừa Thiên Huế:
Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết: Sau một thời gian tạm đóng cửa để phòng, chống dịch Covid-19, từ 7 giờ ngày 30/4, Trung tâm sẽ mở cửa phục vụ đón khách tham quan trở lại tại các điểm di sản văn hóa thuộc quần thể di tích cố đô Huế.
Quảng Bình:
Ngày 24/4, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành văn bản số 687/UBND-KGVX, trong đó cho phép các khu di tích, danh lam thắng cảnh, các khu, điểm du lịch được hoạt động trở lại nhưng phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo qui định như trang bị phòng hộ cho nhân viên, bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở, đảm bảo giãn cách khi tiếp xúc, đảm bảo không quá 20 người trong 1 nhóm…
Trên trang Fanpage của trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết, động Phong Nha, động Tiên Sơn, suối Nước Moọc, sông Chày - hang Tối, hang Tám Cô cùng các dịch vụ vui chơi, giải trí đi kèm sẽ đón khách trở lại vào ngày 27/4.
Quảng Nam:
UBND tỉnh Quảng Nam đồng ý đề xuất cho mở cửa trở lại quán cà phê, nhà hàng, quán ăn (không bán rượu bia), yêu cầu phải đảm bảo các qui định về phòng dịch. Các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu được phép hoạt động song phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cho người mua hàng, yêu cầu khách hàng thực hiện giãn cách đúng qui định. Chủ cửa hàng phải chịu trách nhiệm về các biện pháp phòng chống dịch.
Đối với hoạt động du lịch, cho phép các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà khách, homestay được đón khách du lịch từ các địa phương thuộc nhóm nguy cơ thấp theo công bố của Ban chỉ đạo quốc gia, tổ chức các tour du lịch ngoài trời với số lượng không quá 10 người/tour.
Các hoạt động kinh doanh khác không thiết yếu như quán bar, vũ trường, internet công cộng, massage, rạp hát tiếp tục tạm dừng. Những sinh hoạt tập trung đông người phải đảm bảo không quá 20 người, giữ khoảng cách theo qui định. Các bãi tắm công cộng vẫn bị cấm hoạt động.
Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn (Quảng Nam) cho biết sẽ mở cửa bán vé tham quan Khu di tích Mỹ Sơn vào ngày 28/4. Ban Quản lý Di sản Văn hoá Mỹ Sơn cũng yêu cầu du khách phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tham quan.
Phú Yên:
Ngày 27/4, UBND tỉnh Phú Yên ra thông báo mở cửa lại các khu tập luyện thể thao, khu di tích, danh lam thắng cảnh. Các cơ sở sản xuất kinh doanh thương mại dịch vụ (bán buôn, bán lẻ, xổ số kiến thiết, khách sạn, cơ sở lưu trú, nhà hàng, quán ăn...) cũng được tiếp tục hoạt động. Người dân có thể tắm biển bình thường nhưng tránh tụ tập đông người và giữ khoảng cách đúng qui định.
Những điểm du lịch, cơ sở dịch vụ được mở lại phải thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, phòng chống dịch như trang bị phòng hộ cho nhân viên, đo thân nhiệt khách đến, bố trí đầy đủ đồ rửa tay, sát khuẩn và giữ khoảng cách tối thiếu 1 m khi tiếp xúc.
Đà Lạt:
Ngày 23/4, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt cho biết, hoạt động lưu trú du lịch trở lại bình thường và đảm bảo các qui định phòng dịch, khai báo y tế. Các khu điểm du lịch, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được phép hoạt động trở lại. Chợ đêm Đà Lạt hoạt động lại và phải đảm bảo các qui định phòng dịch.
Các hoạt động rèn luyện sức khỏe, thể dục thể thao như: Sân bóng đá mi ni, hồ bơi, phòng tập gym, phòng tập yoga, cơ sở thẩm mĩ, làm đẹp được phép hoạt động trở lại. Nhà hàng, quán ăn, uống, các loại hình kinh doanh dịch vụ thiết yếu và không thiết yếu được phục hồi hoạt động lại. Các dịch vụ vui chơi giải trí tiếp tục tạm dừng như vũ trường, quán bar, karaoke, massage, trò chơi điện tử, rạp chiếu phim, ca nhạc phòng trà. Các dịch vụ này trong toàn tỉnh dừng cho đến khi có thông báo mới.
Kiên Giang:
Ngày 25/4, Sở Du lịch Kiên Giang đã có văn bản số 153/SDL-QLDL cho phép các đơn vị lữ hành, các khu điểm du lịch được phép hoạt động trở lại nhưng chỉ được đón khách du lịch nội địa, người nước ngoài cư trú tại Việt Nam đến tham quan du lịch.
Theo đó, Sở Du lịch yêu cầu các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh khi đón và phục vụ khách du lịch tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo hướng dẫn của ngành y tế địa phương đối với khách du lịch, cán bộ công nhân viên, hướng dẫn viên du lịch, người lao động tại đơn vị. Chỉ được đón khách du lịch nội địa, khách là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam tham quan du lịch. Trong quá trình đón và phục vụ, yêu cầu du khách khai báo y tế (khai báo sức khỏe du lịch), đeo khẩu trang, rửa tay khi lên, xuống phương tiện vận chuyển, sử dụng các trò chơi, dịch vụ vui chơi giải trí.