Sắp đến Tết Nguyên đán, hầu hết mọi người đều tất bật chuẩn bị đón Tết thì anh Hoàng Nguyên (Nam Định) lại phải vào nằm ở khoa Tiêu Hóa, Bệnh viện Quân y 354, Hà Nội để điều trị căn bệnh xơ gan.
Bác sĩ cho biết, anh Nguyên nhập viện trong tình trạng ăn không tiêu, đầy bụng, trướng hơi, mắt vàng, da xanh xao, toàn thân mệt mỏi... Sau khi khám và làm đầy đủ các xét nghiệm, bác sĩ kết luận anh bị xơ gan.
Điều tra tiểu sử bệnh và thói quen sinh hoạt của anh Nguyên, các bác sĩ được biết anh này thường xuyên sử dụng bia rượu dẫn đến nghiện nặng lúc nào không hay.
Nhiều năm trở lại đây, ngày nào anh cũng uống bia hoặc rượu, thường xuyên rơi vào tình trạng say khướt. Ngày nào không có giọt rượu nào vào người, anh cảm thấy toàn thân bải hoải, không còn sức sống.
Đầu óc anh cũng rơi vào tình trạng lơ mơ, có biểu hiện suy giảm trí nhớ.
Theo chỉ định của bác sĩ, anh Nguyên được làm phẫu thuật cắt bệnh phẩm đi làm xét nghiệm mô bệnh phẩm. Khi phẫu thuật, các bác sĩ giật mình vì gan của anh đã bị xơ hóa đến mức cứng lại như cục đá.
Khi phẫu thuật, các bác sĩ giật mình vì gan của anh đã bị xơ hóa đến mức cứng lại như cục đá. (Ảnh minh họa).
Trường hợp này, bác sĩ cho biết cần phải ghép gan mới đem lại cơ hội sống cho bệnh nhân.
Theo PGS.TS Nguyễn Thúy Vinh, Giám đốc BV E Hà Nội, bệnh nhân bị xơ gan do rượu ngày càng có xu hướng gia tăng và trẻ hóa. Theo số liệu thống kê tại Khoa Gan mật BV E, số bệnh nhân viêm, xơ gan do rượu luôn chiếm quá nửa tổng số bệnh nhân nằm viện.
Bác sĩ Đặng Thế Căn – Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện K trung ương cũng cho biết, trong nhiều năm gắn bó với ngành giải phẫu bệnh học, ông cũng gặp rất nhiều trường hợp gan bệnh nhân bị hủy hoại ghê gớm do rượu.
Rượu gây hại cho gan như thế nào?
Rượu là một loại chất độc đối với cơ thể. Trong rượu có chất ethanol (còn gọi là cồn), khi uống vào cơ thể chất này theo máu đến gan và biến đổi thành Acetaldehyde. Đây là một chất rất độc cho gan, có thể làm viêm và tiêu tế bào gan.
Nếu uống ít rượu bia, gan tự sản xuất ra một số chất để bảo vệ chính nó, đồng thời loại bỏ hết độc tố ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, nếu uống quá nhiều và uống thường xuyên, gan không đủ sức chống lại tác hại của Acetaldehyde sẽ bị tổn thương.
Nếu bệnh nhân vẫn tiếp tục uống, gan sẽ bị ngộ độc rồi chuyển sang viêm gan mạn tính, dẫn tới gây hủy hoại nhu mô gan và phát triển tổ chức xơ trong gan.
Sau nhiều năm uống rượu, gan bị xơ sẽ teo cứng, bề mặt lổn nhổn như đầu đinh, gan mất dần các khả năng hoạt động, sẽ gây ra các biến chứng như xơ gan cổ trướng (tích tụ nước trong bụng), ói ra máu, hôn mê, suy thận và có thể chuyển sang ung thư gan…
P.V