Đụng đâu cũng thấy sai phạm
Là đơn vị chuyên khoa về mắt tại TPHCM, mỗi năm Bệnh viện Mắt TPHCM tham gia phẫu thuật Phaco và Lasik cho hơn 80 nghìn bệnh nhân.
Nhiều bác sĩ có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm từ dịch vụ mở này nhưng không kê khai đầy đủ theo quy định. Đơn cử như ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc bệnh viện trong năm 2015 thu nhập thực tế hơn 6,1 tỷ đồng nhưng kê khai chỉ 2,6 tỷ đồng. Năm 2016, ông Tuấn thu nhập thực tế 8 tỷ đồng nhưng chỉ kê khai 4 tỷ...
Không trung thực trong kê khai đã đành, các phát hiện chỉ ra trong năm 2016 đối chiếu với ngày nghỉ phép, tham gia hội nghị và công tác ở nước ngoài 3 vị đứng đầu bệnh viện (Giám đốc Tuấn, Phó giám đốc Tiến và Phó giám đốc Võ Thị Chinh Nga) vẫn được “chấm công” để nhận thù lao.
Dẫn chứng là khi kiểm tra 38 hồ sơ bệnh án phẫu thuật Phaco được ký tên, bác sĩ Tuấn có 38 hồ sơ phẫu thuật Phaco được ký tên; bác sĩ Phí Duy Tiến có 9 hồ sơ phẫu thuật và bác sĩ Chinh Nga có 5 hồ sơ.
Làm ngược quy trình
Qua kiểm tra một số bệnh án tại bệnh viện, cơ quan chức năng phát hiện những sai sót chưa từng ghi nhận tại các bệnh viện công. Đó là bác sĩ Trần Anh Tuấn không trực tiếp ký hồ sơ mà nhân viên bệnh viện sử dụng “mộc chữ ký” của ông Tuấn đóng dấu trên các phần chỉ định mổ, phần kỹ thuật viên, phần chủ tọa trong hồ sơ bệnh án. Bác sĩ Phí Duy Tiến, Phó giám đốc cũng được nhân viên dùng “mộc chữ ký” từ đầu năm 2017 để ký đóng dấu trên danh sách bệnh nhân duyệt mổ, giấy ra viện, giấy xác nhận tham dự các chương trình tại Bệnh viện Mắt…
Ngoài ra, trên một số hồ sơ bệnh án còn ghi nhận có sự tẩy xóa tại vị trí chữ ký người phẫu thuật. Đơn cử như chữ ký của bác sĩ Trần Anh Tuấn chuyển sang tên các bác sĩ khác. Thậm chí, trên một số hồ sơ bệnh án ở phần trích biên bản hội chẩn và phiếu tường trình phẫu thuật là 2 phẫu thuật viên khác nhau.
Từng có chuyện “giơ cao đánh khẽ”
Những bê bối của Ban giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM mới được Sở Y tế TPHCM chỉ ra mới đây và đang được Thanh tra TPHCM kiểm tra chỉ là giọt nước tràn ly. Trước đó, hàng loạt sai phạm trong việc đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, hoạt động trong xã hội hóa y tế và thu tiền kiểu “ăn gian” của người bệnh… trong các năm 2013-2014 đã được lãnh đạo TPHCM yêu cầu kiểm điểm nhưng đến nay các bác sĩ trên cũng không bị xử lý nghiêm khắc.
Theo nguồn tin mà Tiền Phong có được trong hai năm 2013-2014, tổng giá trị vật tư, y dụng cụ, hóa chất được bệnh viện mua khoảng 240 tỷ đồng. Qua kiểm tra hồ sơ dự thầu, trúng thầu xác định được nhiều đơn vị không có hợp đồng mặt hàng tương tự mặt hàng dự thầu, song vẫn được chọn và cho trúng thầu. Ngoài ra, từ tháng 10/2013, Bệnh viện Mắt TPHCM được 6 công ty đặt máy, hỗ trợ nhiều trang thiết bị phục vụ cho việc chẩn đoán, mổ mắt trị giá hàng chục tỷ đồng. Đổi lại các công ty này được bệnh viện ưu tiên các sản phẩm sử dụng trong mổ mắt.
Chưa hết, năm 2013 ngân sách để Bệnh viện Mắt TPHCM đấu thầu thuốc là 47,5 tỷ đồng nhưng đơn vị này đã mua 12 mặt hàng thuốc khác số lượng nhiều hơn so với kế hoạch được duyệt với tổng số tiền hơn 2,3 tỷ đồng. Lãnh đạo bệnh viện này còn được cho là đã không làm hết trách nhiệm khi cơ quan thanh tra kiểm tra 66 mã hàng của 3 nhà thầu tham dự đối với gói thầu mua thuốc theo kết quả trúng thầu cho thấy, một số nhà thầu yếu về năng lực kinh nghiệm và cả kỹ thuật nhưng vẫn trúng thầu.
Bên cạnh sai phạm trong đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế…, cơ quan chức năng ở TPHCM còn phát hiện Bệnh viện Mắt TPHCM từng đã “ăn gian” của bệnh nhân với số tiền gần 11 tỷ đồng. Đây là số tiền mà bệnh viện này đã thu sai khi tính luôn phí tái khám vào ca mổ của bệnh nhân nhưng hàng nghìn trường hợp đã không đến khám lại.