Có một góc phố dậy sớm
Khi thành phố còn ngái ngủ thì nơi góc phố này, những người thợ đã bắt tay vào việc. Dù trời nắng hay mưa, mùa nóng hay mùa lạnh thì mỗi khi đến đây tôi đều thấy cảnh những người thợ đầm đìa mồ hôi bện cả vào lưng áo. Cơ thể họ bị mất nước. Có lẽ vậy, họ trang bị những ca nước to tướng và thỉnh thoảng tu ừng ực để dịu lại cơn khô khát.
Một trong những cư dân “xóm hấp cá” mà tôi tiếp xúc là bà Nguyễn Thị Chua, chủ một lò hấp có thâm niên nghề vào hàng lâu năm nhất của xóm, đã theo nghề từ khi còn là con gái mười tám đôi mươi. Dù đã giao cho con gái đảm nhận lò hấp nhiều năm nay nhưng như nhớ nghề, hàng ngày người phụ nữ ngoài lục tuần này vẫn lọ mọ đến lò, xăn tay áo lên cùng làm với các “đồng nghiệp”. Lò của bà không chỉ hấp cá để bán cho chợ cá Hải Cảng, các chợ đầu mối trong tỉnh mà còn bán nhiều nơi trên Tây Nguyên. Bà Chua nói: “Ngày xưa nhiều lò hấp hơn giờ. Nhất là vào dịp từ tháng Ba đến tháng Sáu Âm lịch, thời tiết thuận lợi, cá tôm nhiều, lò hấp ở đây làm không xuể. Có ngày hấp cả hơn tấn cá, lò hấp hoạt động từ sáng sớm đến chiều tối mới xong. Giờ thì các lò ít dần. Phần vì biển động, cá tôm ít. Phần vì người ta ướp đá chuyển trực tiếp. Và, một phần cũng bởi nghề này nhọc quá, ít ai tha thiết…”.
Cá nục bông được mang ra phơi ráo sau khi hấp. |
Thợ hấp cá có cả nam và nữ. Phụ nữ sơ chế: làm ruột, xắt lát, phân loại… Công đoạn này gọi là “dào” cá. Còn đàn ông thì chụm lò. Khâu nào cũng nhọc công cả. Dào cá, tùy theo loài cá mà sơ chế phù hợp. Ví như cá nục bông thì giữ nguyên con. Loại cá này sau khi xếp thẳng thớm vào rổ tre sẽ được trụn trong chảo nước nóng sôi sùng sục. Còn như loại cá lớn như cá chù thì phải xắt lát ra theo đầu, thân, mình mới mang đi hấp. Tôi nhìn chị Nguyễn Thị Thủy (ở xóm Tiêu, phường Quang Trung, TP. Quy Nhơn) đang làm ở lò hấp cá của bà Chua với những nhát dao điệu nghệ xắt cá ra từng khúc, cứ đều như máy cắt mà không khỏi thán phục.
Công đoạn chụm lò, cũng kỳ khu không kém. Trước hết, là độ dẻo dai chịu đựng. Cứ thử đứng gần lò lửa hừng hực, mùi cá xộc thẳng vô khoang mũi như len lỏi vào từng hóc não, mới thấy người chụm lò bền bỉ ra sao. Thỉnh thoảng, nước sôi trồi bọt phủ kín cả thành chảo, người chụm lò lại dùng tay vẩy nhẹ một ngụm nước vào chảo, rất điệu nghệ. Anh Trần Văn Thọ (ở Phước An, Tuy Phước) nói, đó là mình thêm nước để khỏi sôi tràn, lâu lâu lại thêm những gáo nước lớn bởi chảo nước bốc hơi rất nhanh, và bổ sung cả muối với lượng vừa phải để ướp quyện vào cá. Trong quá trình hấp phải được căn chỉnh thời gian sao cho hợp lý để cá chín tới vì mỗi loại cá không giống nhau nhằm đảm bảo thịt dai và giữ vị, cá không nát. Tôi nhìn quanh quẩn lò hấp cá của bà Chua, chỉ mỗi mình anh Thọ là đàn ông ở đây. Anh Thọ nói, không chỉ lò này mà mấy lò khác cũng vậy thôi. Trừ một, hai lò hấp đặc biệt.
Nhìn 5, 6 người trong lò hấp chưa đến 30 mét vuông mà hàng ngày hấp hàng ngàn ký cá, mực mới thấy cường độ lao động của họ đáng nể như thế nào. Để vơi bớt mệt nhọc, họ chia sẻ nhau những câu chuyện vui bằng những câu phương ngữ rặt, những từ nói lái, và cả ngôn ngữ thông tục, đồng ruộng vỉa hè… rồi cười khoái hoạt như thể khi ấy cái mùi tanh nồng hăng hắc đến ngộp thở cũng theo đó mà tan loãng đâu mất…
Trong không gian chưa đến 30 mét vuông mà hàng ngày hấp ra hàng ngàn ký cá, mực... |
Đời cá, đời người…
Thỉnh thoảng, những cái khẩu trang kín mít, những bàn tay đưa lên che mũi rồi mau chóng rời xóm hấp cá như làm lòng của những người thợ chùng xuống. Họ chóng vánh rời đi, cũng vì không thể “làm thân” được với mùi đặc trưng ở đây. Có người ví von gọi những người phụ nữ gắn bó với nghề này như đang “hấp” đời mình trong lò cá. Thế nhưng, nhiều phụ nữ lại can trường với nghề.
Chị Nguyễn Thị Hiền (53 tuổi ở Nhơn Phú, Quy Nhơn), gắn với nghề hơn ba mươi năm. Chị hóm hỉnh: “Tụi tui làm nghề này từ khi còn là thiếu nữ. Đến khi, trở thành “người đàn bà hai lưng” vẫn còn gắn bó”.
Một giờ sáng, chị đã có mặt ở xóm hấp cá. Chở cá, khuân bê, dào cá… Ai gọi gì chị cũng làm. Để rồi, hết thảy những góp nhặt, tiện tặn từ mồ hôi công sức ấy, chị dành tất cả cho con. Bằng nghề này, chị đã nuôi hai đứa con trai khôn lớn, trưởng thành. Một người đã làm giáo viên. Một người giờ đây theo chị làm ở cảng và lò hấp. Người con trai là giáo viên của Hiền, thỉnh thoảng không đi dạy vẫn đến đây để phụ mẹ, xốc vác làm không dè dặt gì. Cậu ấy hay nói, “Đây là nghề mưu sinh lương thiện, có gì đâu phải ái ngại”.
Đến Xóm, tôi bị ấn tượng với một lò hấp nằm cuối hông chợ cá. Đây chính là “lò hấp đặc biệt” mà anh Thọ từng nói đến… Đặc biệt, vì lò này không có một “mống” đàn ông nào. Bao năm nay, hai mẹ con bà Lê Thị Thanh (57 tuổi, ở Ngô Mây, Quy Nhơn) vừa là chủ vừa làm thợ. Bà Thanh được cư dân xóm hấp cá gọi với biệt danh thân mật là Thanh thỏ. Gọi vậy, bởi bà sở hữu hai cái răng cửa duyên dáng như đôi uyên ương cùng nắm tay nhau tiên phong bước khỏi hàng ngũ hai họ để chào quan khách... Cứ thỉnh thoảng bà ghé sang các lò hấp hàng xóm rôm rả trò chuyện, chưa biết chuyện chi mà người đối diện đã cười ngất ngứ.
Đi đến đâu, bà Thanh mang niềm vui đến đó. Nhưng cuộc đời bà cứ như rổ cá hấp duềnh doàng trồi sụt trong chảo nước. Bà là dân biển chính hiệu, cứ ngỡ cái cơ cực những tháng ngày tựa nương nơi làng treo mép sóng sẽ qua đi khi lấy chồng. Nhưng đâu đó được vài năm, cơn khó khổ lại đưa bà về cảng cá mà neo gửi vào nghề hấp cá này.
Đi đến đâu, bà Thanh mang niềm vui đến đó. Nhưng cuộc đời bà cứ như rổ cá hấp duềnh doàng trồi sụt trong chảo nước... |
Bà Thanh kể: “Ban đầu đến với nghề cũng vì miếng cơm manh áo thôi, nhưng làm riết cũng quen, không làm lại thấy nhớ. Cũng thầm cảm ơn nó vì cũng nhờ nghề này giúp tôi phụ chồng nuôi con. Hơn hai năm trước, ổng đi sau một cơn tai biến. Con cái cũng đã lớn. Tụi nó bảo tui nghỉ ở nhà hay chuyển sang làm việc nào đó khác. Nhưng tui không chịu. Quen nghề này rồi, nên cứ túc tắc mà làm vậy thôi”.
Hàng ngày, 1 giờ sáng bà Thanh đã tới lò để nhóm lửa. Bà bảo, làm cho kịp hàng chợ. Còn nhớ, có hôm 6 giờ sáng tôi mới đến lò của bà thì đã thấy bà tắt lò, chuẩn bị dọn rửa đi về. Tôi hẹn bà sáng hôm sau quay lại “đầu quân” kèm theo lời đề nghị để tôi qua chở bà đi làm. Bà lắc đầu. Nhiều năm nay, bà vẫn đi xe ôm xuống chợ cá Hải Cảng. Người xe ôm cứ đến một giờ kém là ghé qua đón bà. Bữa sau, một giờ sáng, mưa còn rả rích. Theo lời hẹn, tôi đến lò bà Thanh. Tới nơi, tôi thấy lò hấp đã được nhóm lên đỏ lửa. Các thao tác làm cá đang được thực hiện.
Ở lò hấp bà Thanh, có cả một người khác nữa đang phụ hai mẹ con. Đó là chị Lan, một “khách xịn” của lò. Chị Lan bưng những mẻ mực đã muối đông để rã đông. Những tảng mực hòa vào nước, rã ra thành từng con được chị đưa vào rổ. “Công đoạn tiếp theo là của chủ lò”. Nói rồi chị ngước ánh nhìn về phía bà Thanh. “Làm vầy, rồi tính công cho người hấp sao hè?”, tôi cười nửa trêu nửa thăm dò. “Vẫn đưa đủ chứ em. Một rổ năm ký, mỗi ký mười ngàn công hấp. Tại thấy lò có hai mẹ con loay hoay, nên mình phụ”. Sau này tôi biết, ở Xóm hấp cá này vốn vậy, nào đâu chỉ có những bán mua, trao đổi mà còn có cả cái tình neo giữ. Cái tình, từ những sẻ chia…
Những rổ rá dùng để hấp cá được vệ sinh kỹ càng |
Bếp lửa bập bùng tỏa lan làm ấm cả lò hấp bé nhỏ. Con gái bà Thanh gần ba mươi tuổi, bởi nhà khó khăn, chị không theo đến cùng được chuyện học. Thương mẹ một mình dãi dầm sớm tối, chị nhất quyết theo ra xóm hấp cá. Nghe hỏi chuyện chồng con. Chị trải lòng: “Em đang sợ ế đây. Cái nghề này, anh biết rồi…”.Nói đến lưng chừng rồi lặng im.
Ở Xóm hấp cá còn bao nỗi niềm, mỗi người một câu chuyện riêng, có thể buồn, có thể vui, lặng lẽ mưu sinh với công việc hấp cá, lấy nhọc nhằn làm vui.
Ngoài kia, mặt trời đã lên. Lửa đỏ bập bùng càng như cháy đượm hơn trên từng lò hấp…