Những bầy sư tử hoang dã cuối cùng của Ethiopia

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Đứng trong một khu rừng ẩm ướt, một tay cầm một đám rêu, tay săn ảnh Siraj Hussein đang làm những thao tác cuối cùng để chế tạo một chiếc bẫy ảnh. “Cho đến nay, tôi vẫn chưa chụp được một con sư tử nào, nhưng tôi rất lạc quan", Siraj nói về quá trình săn ảnh loài thú ăn thịt biểu tượng của châu Phi.
Những bầy sư tử hoang dã cuối cùng của Ethiopia

Siraj hiện đang thu thập dữ liệu về hành vi của loài sư tử trong khu dự trữ sinh quyển Kafa – một trong những khu rừng tự nhiên cuối cùng của Ethiopia.

Các nhà nghiên cứu tin rằng có khoảng 25 con sư tử trong khu vực này, nhưng hành tung của chúng hết sức bí ẩn. Không rõ chúng cư trú quanh năm hay chỉ tạm thời di cư tới đây. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn: số lượng của sư tử tại Kafa đang giảm dần.

Asaye Alemayehu, người điều hành dự án bảo tồn thuộc thuộc Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng Sinh học (Nabu), cho biết cách đây hai thập kỷ, không khó để bắt gặp cảnh tượng sư tử nằm giữa đường xe chạy tại Ethiopia. "Còn giờ rất khó để thấy điều tương tự", Alemayehu nói.

Sư tử Ethiopia nổi tiếng với chiếc bờm đen đặc biệt. Loài vật này chiếm một vị trí nổi bật trong văn hóa quốc gia: sư tử xuất hiện trên tiền tệ, trong khi Haile Selassie, vị hoàng đế cuối cùng của Ethiopia, tự gọi mình là “sư tử của Judah”.

Tuy nhiên, giống như các loài động vật hoang dã khác của Ethiopia, sư tử đã bị đẩy đến bờ vực tuyệt chủng bởi nhiều thập kỷ bị săn bắt và môi trường sống bị hủy hoại, phần lớn là do dân số loài người đang gia tăng nhanh chóng.

Ethiopia có dân số lớn thứ hai ở châu Phi (sau Nigeria) với hơn 120 triệu người. Rừng từng bao phủ 40% diện tích quốc gia Đông Phi này. Ngày nay, rừng chỉ chiếm khoảng 15%, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới.

“Không chỉ những con sư tử chịu áp lực từ con người, mà còn là sự đa dạng sinh học nói chung", Alemayehu cho biết.

Theo một nghiên cứu được công bố vào năm 2021, có khoảng 1.100 con sư tử đang bám trụ trong những vùng đất hoang dã cuối cùng còn sót lại của Ethiopia. Chúng thường đụng độ với những người nông dân chăn thả gia súc.

Hans Bauer, nhà động vật học tại Đại học Oxford (Vương quốc Anh) và là đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết xung đột giữa con người và động vật hoang dã là yếu tố chính dẫn đến quá trình tuyệt chủng.

Hoạt động bảo tồn động vật hoang dã bị cản trở do thiếu kinh phí. Ethiopia là một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Phi thành lập các công viên quốc gia, nhưng hầu hết đều ở trong tình trạng nghèo nàn, không có đường xá tốt hoặc cơ sở hạ tầng khác. Thiếu phương tiện và nhiên liệu cần thiết cho các cuộc tuần tra thường xuyên, lực lượng kiểm lâm do chính phủ thuê phải đấu tranh để ngăn chặn những người chăn gia súc nổ súng vào các loài săn mồi.

Ông Bauer so sánh sự khác biệt éo le giữa quần thể sư tử Ethiopia và nước láng giềng Kenya, nơi sư tử đóng vai trò chính trong hoạt động khai thác du lịch động vật hoang dã béo bở. Số lượng sư tử Kenya đã tăng từ 2.000 cá thể vào năm 2010 lên gần 2.500 con vào năm 2021. Nhận biết giá trị kinh tế của sư tử và động vật hoang dã, Kenya đã đầu tư rất nhiều vào các công viên quốc gia của mình.

Ở Kenya, “sư tử có không gian, chúng được bảo vệ và sống với mật độ cao với tiềm năng sinh thái”, ông Bauer nói. “Điều này không có ở Ethiopia, nơi con người hiện diện khắp mọi nơi".

Khu bảo tồn Kafa được quản lý tốt hơn so với hầu hết các công viên quốc gia của Ethiopia, phần lớn nhờ vào sự hỗ trợ từ Nabu. Nhưng ngay cả ở đây, môi trường sống tự nhiên đang bị đe dọa.

Các trang trại xây dựng trên các khu vực rừng được bảo vệ và trong những năm gần đây, những vùng đất rộng lớn đã bị chặt phá để nhường chỗ cho các đồn điền cà phê và chè.

Trên một sườn đồi ở Kafa, một nhóm nông dân phàn nàn rằng sư tử thường xuyên ăn thịt gia súc của họ. Mỗi con bò có giá bằng cả năm lương, nhưng chính phủ không đền bù cho nông dân. Một người đàn ông để lộ những vết sẹo trên lưng do bị sư tử tấn công vài năm trước.

Nhiều nông dân muốn đàn sư tử được di dời khỏi trang trại của họ. Busho Woldesaki, người đã mất 3 con gia súc vì sư tử tấn công trong hai năm qua, nói: “Nếu không có sư tử thì tốt hơn. Gia súc của chúng tôi không thể chăn thả tự do vì sư tử".

Rất hiếm khi người ta giết sư tử ở Kafa, nơi chúng được tôn trọng. Tuy nhiên, ở các vùng khác của Ethiopia, những người chăn gia súc thường săn lùng sư tử để trả đũa các cuộc tấn công.

Fikirte Gebresenbet, một chuyên gia về sư tử tại Đại học New Hampshire (Vương quốc Anh), nhấn mạnh sự cần thiết của số liệu và nghiên cứu chuyên sâu nhằm ngăn chặn các cuộc đụng độ giữa người và thú.

“Sư tử đang bị đe dọa nghiêm trọng, nhưng chúng tôi thực sự không có dữ liệu về sự phân bố của chúng và nếu không có dữ liệu, chúng tôi không thể thực hiện bất kỳ công việc bảo tồn nào. Ở Kenya, có rất nhiều nhà sinh thái học nghiên cứu về sư tử. Nơi từng con đều được đặt tên. Còn ở Ethiopia, chúng tôi không có điều đó".

Hiện tại, dự án bảo tồn ở Kafa tập trung vào việc xây dựng một bức tranh rõ ràng hơn về quần thể sư tử tại nơi này.

Thợ săn ảnh Siraj và các nhân viên kiểm lâm khác thu thập thông tin về việc nhìn thấy sư tử từ những người nông dân.

Chuyên gia Bauer cho biết, bất chấp những lời bàn tán từ chính phủ về việc phát triển du lịch, bảo tồn động vật hoang dã kiểu Kenya “không phải là một lựa chọn nghiêm túc” ở Ethiopia.

“Áp lực lên đất đai quá cao. Các phương án có thể được thực hiện để giảm thiểu xung đột với con người, chẳng hạn như bổ sung quần thể con mồi cho sư tử và bồi thường thiệt hại cho nông dân", ông Bauer nói.

Theo The Guardian
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) -Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?