Người đàn bà mang H đi qua ba lần đò
Đã qua 2 lần đò, ở với hai người chồng, nhưng chị Hải vẫn chẳng cập được bến hạnh phúc. Hai đời chồng qua đi trong cay đắng, tủi nhục. Lận đận hơn, chị bị nhiễm HIV từ người chồng thứ hai. Đau đớn hơn, đứa con trai thứ hai cũng nhiễm HIV theo bố mẹ.
Chị thấy cuộc đời chị tối đen hơn cả cuộc đời chị Dậu. Niềm tin, nghi lực, khát vọng và ánh sáng vụt tắt. Mãi đến lần đò thứ ba, người xe ôm lành lặn, khỏe mạnh Nguyễn Văn Viên mới cho chị thấy hết tình yêu là gì, hạnh phúc là như thế nào.
Anh Viên không mang H nhưng cũng đã qua một lần đò. Anh “sa chân” vào ma túy, khi đi theo các bạn chơi bời từ khi còn là thanh niên trai tráng. Vui bạn vui bè, rồi thành đua đòi, lầm lạc, Viên chẳng biết mình nghiện lúc nào. Thương mẹ, thương vợ con, anh đã nhiều lần quyết tâm cai, nhưng cơn “thèm thuốc” khiến anh trở nên mụ mị, cứ cai rồi lại chích, như một vòng luẩn quẩn, chơi 1, 2 tuần xong lại dứt ra đi làm. Anh kể, hồi đó không hiểu biết gì về ma túy, cứ hút rồi chẳng nghĩ sẽ có ngày đoạn tuyệt nữa. Người vợ đầu không đủ can đảm để gắn chặt cuộc đời bên người chồng nghiện nghập đã đi tìm hạnh phúc mới. Anh Viên càng thêm suy sụp. Năm 2003, anh cai nghiện thành công và chọn xe ôm làm nghề kiếm tiền mưu sinh.
Chị Nguyễn Thị Hải kể lại câu chuyện đời mình |
Một ngày, đang chạy xe ôm trên khu vực Thanh Xuân, anh Viên quen một cô gái thường xuyên thuê Viên chở đi tham dự các cuộc hội thảo liên quan đến bệnh HIV. Cô ấy tuổi ngoài 30, còn rất trẻ, nhưng khuôn mặt luôn ẩn sâu nỗi buồn. Cô ấy rụt rè, ít nói, sống khép mình. Rồi dần dần, khi đã quen biết, cô gái ấy cởi mở hơn, kể cho anh nghe câu chuyện cuộc đời đầy biến động và sóng gió của mình. Từ đó, mỗi lần không có xe máy từ nhà đến các cơ sở, cô gái ấy lại thuê xe ôm của anh Viên. Như tri kỷ gặp nhau, anh dần thấy quý và thương cô hơn.
Một lần hai người bất hạnh đi uống rượu với nhau. Trong cơn say, cô chia sẻ những điều thầm kín của cuộc đời mình, về quá khứ quá nhiều đau khổ, về đứa con nhỏ mang H, lo lắng cho tương lai của hai mẹ con không biết đi đâu, về đâu. “Không hiểu sao, lúc đó trong tôi dấy lên một tình thương vô bờ bên với Hải. Về nhà, tôi chợt giật mình vì hình như đã có một thứ tình cảm gọi là tình yêu với cô ấy”, anh Viên kể.
Đến một ngày, khi anh chính thức ngỏ lời yêu và muốn đến với chị, chị nói thật, chị mang trong mình HIV. “Anh yêu em là anh chấp nhận tất cả. HIV không làm anh xa em”, anh nói đầy tin tưởng.
Biết chị bị căn bệnh thế kỷ, anh Viên càng lui tới nhà chị nhiều hơn, nhất là khi anh biết, con trai mà chị đang nuôi cũng bị nhiễm căn bệnh thế kỷ. Hai người yêu nhau bất chấp tất cả…
Hạnh phúc là cả hành trình
“Giờ tôi cũng không biết làm thế nào tôi có thể vượt qua được tất cả những chuyện đó, chắc là nhờ anh Viên, và các con…” – Hải trầm ngâm.
Ngày biết tin có H, chị rụng rời chân tay, không tin vào kết quả dương tính với HIV mà bác sỹ vừa thông báo. Nghĩ đến chồng, nghĩ đến mình, chị hi vọng đứa con trai bụ bẫm, xinh đẹp đừng có “dính”. “Cầm trên tay kết quả xét nghiệm cho con mà tôi không khóc nổi nhưng nước mắt thì cứ lăn dài. Tôi đi về trong vô định không biết xung quanh đang diễn ra điều gì. Về ôm con vào lòng mà tôi không thốt được thành lời. Tôi nghĩ vậy là hết, là chết thôi. Đó là những ngày tôi sống trong nỗi sợ hãi tột cùng”...
Sau bao nhiêu sóng gió, hai người đã tìm thấy bến bờ hạnh phúc... |
Chị hận cuộc đời tại sao lại quá bất công với mình như thế. Nhưng chị không cho phép mình gục ngã. Nhìn đứa con mới hai tuổi tuổi xinh đẹp như một thiên thần, chị như tiếp thêm niềm tin, hy vọng để sống tốt những gì cho cuối cuộc đời. Nhưng chỉ ít lâu sau, chồng chị cũng bị bắt về tội buôn bán trái phép chất ma túy.
Chồng đi tù, chị thuê một căn nhà nhỏ trong khu phố Hạ Đình bán nước và tự chăm sóc đứa con trai bé nhỏ. Có lúc, trong nhà không có một đồng, chị phải đi xen cơm cho con, còn mình nhịn đói. Có hôm, hai mẹ con phải ngủ đầu đường xó chợ… “Thế mà, cuối cùng cũng vượt qua được” – chị Hải thở dài. Khi đã ổn định, chị bán nước và kiêm luôn công việc của một tình nguyện viên, chuyên đi tư vấn tâm lý, sức khỏe cho những người có HIV.
Căn nhà của chị nằm trong khu của những lao động nghèo, đường vào ngõ toàn ổ voi ổ gà. Đến bây giờ, mỗi khi nhắc đến chuyện tình yêu của mình, chị Hải đều mỉm cười vì đã cho chị gặp anh Viên không nhiễm H. Hai mẹ con có H dựa vào anh như dựa vào một trụ cột vững chắc nhất sau bao giông bão. Hạnh phúc hơn, nhờ sự hỗ trợ thuốc, hai vợ chông cũng hạ sinh được một bé gái xinh xắn mà không bị nhiễm bệnh.
Quyết định cưới anh, chị đã phải vượt qua những mặc cảm về tinh thần, nhất là khi đã tuyệt vọng với hai đời chồng không hạnh phúc. Không tổ chức lễ cưới, hai vợ chồng làm mâm cơm nho nhỏ để ra mắt hai bên gia đình. “Phải đến lần thứ ba, tôi mới cảm nhận hạnh phúc thực sự” – chị nói. Trong mắt chị Hải, anh Viên là người chồng có trách nhiệm và yêu thương vợ con. Kể cả con riêng của chị, anh vẫn yêu chiều cháu hơn vợ. Anh luôn bảo: “So với bạn bè, con đã thiệt thòi hơn. Mình đối xử tệ, thì tội nghiệp cháu lắm”. .
Tôi hỏi, có bao giờ anh sợ mình cũng bị nhiễm HIV từ vợ? Anh cười lớn: “Khi quyết định cưới cô ấy, tôi đã tìm hiểu về cách phòng ngừa và sống chung với người có H. Cô ấy cũng chủ động bảo vệ cho tôi. Nhưng nói thật, giờ tôi có nhiễm HIV từ vợ, tôi cũng không lo sợ”. Hai vợ chồng tham gia CLB Bồ Câu – CLB dành cho những người có H để cùng giúp đỡ những người có hoàn cảnh như mình tìm lại niềm hi vọng tiếp tục sống. Anh Viên không ngần ngại đứng trước hội trường lớn để chia sẻ về câu chuyện tình yêu và cuôc sống của mình. “Chúng tôi chia sẻ với nhau cuộc sống, cùng mọi người tham gia tư vấn những chương trình phòng chống AIDS cho cộng đồng. Và hơn nữa, đến cuối cùng chúng tôi nhận ra rằng, tình yêu, sự lãng mạn sẽ tồn tại và vươn lên bất chấp những trở ngại, bất chấp người lành hay người bệnh. Vì những người bình thường, cuộc sống cũng đâu kém phần phức tạp vì những đòi hỏi của vật chất. Bởi yêu nhau, chúng tôi cũng xác định rằng, dù ngắn ngủi, hãy có trách nhiệm với nhau. Và còn được bên nhau ngày nào, thì ngày đó chính là hạnh phúc…” – Anh Viên nói.
Với tôi, tình yêu không biên giới
Đến với nhau khi cả hai đang ở ngưỡng gần 40, nhưng với anh Viên, đó là “những cảm xúc chân thành xuất phát từ trái tim” và “sự đồng cảm, chia sẻ”. Anh vẫn luôn nhắc đến cuộc hôn nhân của mình là “tình yêu đích thực”, bởi “nhờ có cô ấy, tôi có mục đích sống”.
Quyết định đến với chị - một người nhiễm HIV trong khi bản thân hoàn toàn khỏe mạnh, anh có chịu nhiều áp lực không?
Có chứ. Áp lực đầu tiên là từ phía gia đình và bạn bè. Họ thương và lo lắng cho tôi nên hết sức ngăn cản, phản đối. Họ bảo, “người lành không lấy, sao lấy người bệnh”, nhất là khi cô ấy còn bị nhiễm HIV/AIDS. Hồi đó, sự kỳ thị với người nhiễm HIV còn rất nhiều. Có người biết tôi yêu cô ấy, đã thay đổi thái độ, không muốn trò chuyện hay đứng gần gũi với cô ấy nữa.
Nói thực là lúc đầu, biết tin cô ấy nhiễm HIV, tôi cũng lo lắng và thương cô ấy nhiều hơn. Một người phụ nữ có nét đẹp mặn mà, lại thông minh, năng động, hay giúp đỡ người khác nhưng cuộc đời thật trớ trêu. Tôi tìm hiểu và nghiên cứu về căn bệnh này nhiều hơn, phát hiện ra có thể sống chung với nhau nhưng vẫn bảo vệ cho nhau được. Thời gian ấy, vợ tôi cũng bảo tôi không nên cưới vì không biết sau này sẽ thế nào. Nhưng bây giờ, tôi có nhiễm HIV từ vợ cũng không sao cả. (cười).
Gia đình anh đối xử với chị như thế nào?
Biết cô ấy mắc bệnh, mới đầu, gia đình tôi cũng có khoảng cách. Nhưng cô ấy là người phụ nữ biết chiều chồng, đối nội đối ngoại tốt. Cô ấy dần dần chiếm được cảm tình của mọi người. Nhất là khi, tôi đã cho mọi người hiểu về cơ chế lây nhiễm và kiến thức về HIV để có những ứng xử hợp lý nhất.
Quyết định sinh con của anh lieu có phải là một sự đánh cược với số phận?
Đúng thế. Phải suy nghĩ nhiều lắm, hai vợ chồng mới quyết định sinh con có hỗ trợ chống phơi nhiễm. Chúng tôi tham khảo ý kiến tư vấn của nhiều bà mẹ nhiễm HIV đã sinh con và con hoàn toàn khỏe mạnh. 9 tháng 10 ngày cô ấy mang thai là ngần ấy ngày hai vợ chồng mất ăn mất ngủ, Cho đến khi con chào đời, hai tháng sau khi xét nghiệm, bác sỹ bảo cháu âm tính với HIV, nút thắt đeo đẳng suốt 1 năm trời mới được mở. Cả hai vợ chồng ôm con khóc tại bệnh viện vì quá hạnh phúc và sung sướng.
Có con chung rồi, anh có bao giờ lạnh nhạt với con trai riêng của vợ?
Tôi nghĩ, đã là con thì con chung hay con riêng cũng là con tôi hết. Tuấn (con riêng của chị Hải) đã sống với tôi từ năm cháu vừa 3 tuổi. Thằng bé ngoan ngoãn, tự học, tự chơi, tự giác uống thuốc đúng giờ, ít khi bị nhắc nhở vì nghịch ngợm hay lười học. Việc đưa đón cháu đi học đều do tôi làm. Có thêm con gái, hai anh em gần gũi, vui chơi với nhau. Đôi khi, tôi cũng sợ vì trẻ con nghịch ngợm mà có thể chảy máu, có thể lây nhiễm bệnh, nhưng thực tế thì Tuấn rất ý thức bảo vệ em gái. Chúng đều ngoan ngoãn, yêu thương nhau như thế, làm sao tôi ghét được đứa nào? Cuộc sống còn khó khăn, nhưng tôi hài lòng với hạnh phúc hiện tại. Bởi tôi có một gia tài lớn hơn là tình yêu của vợ và các con yêu dấu.