“Tắm” từ đầu trở xuống
Theo đồng chí Phạm Quang Nghị, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 26/12/1997. Đó là thời kỳ mà đất nước đòi hỏi phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa, toàn diện hơn nữa công cuộc đổi mới. Xu thế đổi mới là tất yếu khách quan, nhưng đan xen vẫn có nhiều trở lực bên trong, bên ngoài. Tư duy đổi mới trong Đảng, trong xã hội chưa phải mọi việc đều dễ dàng đồng thuận, nên vai trò của người lãnh đạo đứng đầu rất quan trọng.
Có thể nói, đồng chí Lê Khả Phiêu đã hoàn thành trọng trách lịch sử trên cương vị Tổng Bí thư của mình; trực tiếp góp phần thúc đẩy đổi mới đất nước về mọi mặt. Trong đó, nổi bật là về kinh tế, đồng chí đã góp phần chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; khuyến khích phát huy các nguồn lực xã hội, trước hết là bên trong đất nước bằng tư duy cởi mở.
Về chính trị, đồng chí Lê Khả Phiêu góp phần tiếp tục mở rộng dân chủ trong đời sống xã hội nói chung và trong sinh hoạt Đảng nói riêng, qua đó tạo bầu không khí trao đổi, thảo luận, thu hút sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân vào công việc của đất nước ngày càng sâu rộng. Cá nhân đồng chí Lê Khả Phiêu là người thực hành tinh thần dân chủ ấy rất rõ. Trong trí nhớ của đồng chí, đồng bào, hình ảnh Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là một nhà lãnh đạo lăn lộn trong thực tiễn, vào Nam, ra Bắc, lúc bình thường cũng như lúc thiên tai; thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ các ngành, các giới. Là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, nhưng lúc nào đồng chí Lê Khả Phiêu cũng gần gũi, thân thiết với cán bộ, nhân dân; luôn tha thiết muốn lắng nghe, muốn biết cuộc sống thực tiễn qua tai, mắt của người dân.
Trong lĩnh vực đối ngoại, đồng chí Lê Khả Phiêu cũng có nhiều đóng góp quan trọng. Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí đã góp phần lãnh đạo, chỉ đạo mở rộng quan hệ đối ngoại, khẳng định Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới. Với tinh thần “khép lại quá khứ hướng tới tương lai”, Việt Nam đã đẩy mạnh bình thường hóa quan hệ, ký Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (13/7/2000). Với nước láng giềng Trung Quốc, đồng chí Lê Khả Phiêu đã góp phần tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị, trong đó có hai sự kiện quan trọng là ký hiệp định phân định biên giới trên bộ và ký hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ, tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng phát triển đất nước.
Một dấu ấn sâu sắc mà nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu để lại là những đóng góp đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Dành trọn tâm huyết, trí tuệ cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương xây dựng và thông qua Nghị quyết số 10-NQ/TƯ ngày 2/2/1999 của Hội nghị Trung ương sáu (lần 2 - khóa VIII) về “Một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”, đồng chí Lê Khả Phiêu thể hiện sự quan tâm chung đặc biệt đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trước những nguy cơ lớn đến từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, từ sự thiếu tu dưỡng, rèn luyện của một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, tầm mức của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được nâng lên, được thực hiện đồng bộ, quyết liệt, toàn diện từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới; xác định rõ không có vùng cấm, không phải chỉ “tắm” từ thắt lưng hay từ vai xuống, mà phải là “tắm” từ đầu trở xuống. Ở thời kỳ nào, Đảng ta cũng coi trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhưng giai đoạn đồng chí Lê Khả Phiêu giữ chức Tổng Bí thư đã để lại dấu ấn đậm nét và tinh thần ấy giờ đang được tiếp nối hết sức mạnh mẽ, quyết liệt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Phong cách giản dị, gần gũi mà sâu sắc
Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, đồng chí Lê Khả Phiêu để lại trong lòng đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ấn tượng nổi bật về một nhà lãnh đạo rất bình dị, gần gũi, cởi mở và cầu thị. Phong cách gần gũi của đồng chí Lê Khả Phiêu khiến người tiếp xúc với đồng chí đôi khi quên đi là đang đứng trước người lãnh đạo đứng đầu của Đảng, nên không cảm thấy có khoảng cách, dễ dàng nói ra những điều mình muốn. Đồng chí ăn mặc cũng rất giản dị, thường xuyên mặc những bộ quần áo như bao cán bộ, công chức bình thường khác. Những bữa ăn cũng đạm bạc, cơm canh bình dị. Đồng chí hầu như không dùng rượu, bia. Lúc nào, đồng chí cũng quan tâm tới mọi người một cách rất thân tình, chân thành và thẳng thắn.
Cũng theo đồng chí Phạm Quang Nghị, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu luôn trăn trở, đau đáu và mong muốn được đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, cho sự phát triển đi lên của đất nước, của dân tộc. Khi đã nghỉ hưu, đồng chí vẫn luôn quan tâm, bằng nhiều hình thức khác nhau như viết thư, gọi điện, trả lời phỏng vấn, viết bài cho báo chí để trao đổi, góp ý cho các cấp, các ngành. Đồng chí đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ, nhất là việc lựa chọn cán bộ đảm nhận các trọng trách cao của Đảng và Nhà nước.
Hà Nội phải thật sự là hình ảnh tiêu biểu của cả nước
Theo nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, với Thủ đô Hà Nội, đồng chí Lê Khả Phiêu luôn dành trọn tình cảm thân thương nhất, sự quan tâm thường xuyên và trách nhiệm cao. Đồng chí mong muốn, Hà Nội phải xây dựng và phát triển để thực sự xứng đáng là Thủ đô, trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về các lĩnh vực như văn hóa, kinh tế, khoa học - công nghệ, giáo dục, đối ngoại... Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Hà Nội cũng phải nỗ lực để duy trì sự phát triển mạnh về kinh tế, ổn định về chính trị, xã hội để làm đầu tàu cho cả nước. Hà Nội phải trở thành hình ảnh thật sự tiêu biểu và niềm tự hào của nhân dân cả nước. Không chỉ chủ động quan tâm, chỉ đạo, đóng góp vào sự phát triển chung của Hà Nội, đúng với phong cách gần gũi, giản dị và sâu sắc của mình, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thông qua các mối quan hệ thân tình, gần gũi cá nhân với các đồng chí lãnh đạo Thủ đô, luôn có những góp ý thẳng thắn, trí tuệ giúp giải quyết những vấn đề trọng tâm, cấp bách đang đặt ra.
Đáp lại sự quan tâm ấy, cán bộ lãnh đạo của Hà Nội qua các thời kỳ và nhân dân Thủ đô đều dành cho đồng chí Lê Khả Phiêu những tình cảm trân trọng, quý mến sâu sắc. Những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô nỗ lực phấn đấu đạt được từ thời kỳ đồng chí Lê Khả Phiêu làm Tổng Bí thư hay những giai đoạn sau này chính là sự nỗ lực, phấn đấu đáp lại sự quan tâm đó. Những dịp lãnh đạo thành phố đến thăm hỏi, gặp gỡ, chúc sức khỏe, đồng chí Lê Khả Phiêu đều bày tỏ sự vui mừng, có những nhận xét, đánh giá cao sự phát triển đi lên của Hà Nội. Tình cảm, sự quan tâm mà đồng chí Lê Khả Phiêu cũng như các đồng chí lãnh đạo khác của Đảng, Nhà nước sẽ mãi mãi là nguồn cổ vũ, động viên, thôi thúc và tiếp thêm sức mạnh cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô vươn lên.
Với cá nhân, đồng chí Phạm Quang Nghị có những ấn tượng và kỷ niệm vô cùng sâu sắc và học hỏi được rất nhiều từ nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, một tấm gương lớn về sự tự học tập, tự rèn luyện trong thực tế không ngừng nghỉ; một người cộng sản kiên trung, bất khuất, hết lòng vì nước, vì dân; một vị tướng quân đội tài ba với những phẩm chất sáng ngời của Bộ đội Cụ Hồ. Đồng chí là một nhà lãnh đạo của Đảng có tư duy sắc bén, tầm nhìn sâu rộng.
Đồng chí Lê Khả Phiêu mất đi nhưng tinh thần, ý chí và tấm gương của đồng chí sẽ còn sống mãi.