Song song với cuộc chạy đua mở rộng thị phần của các cửa hàng bán lẻ điện máy, điện tử là những đợt thanh lọc vô cùng khốc liệt đối với các đơn vị yếu kém. Năm 2013, thị trường chia tay HomeOne, một thương hiệu phân phối điện máy đã từng hiện diện trong một trung tâm thương mại sang trọng bậc nhất tại TP Hồ Chí Minh. Ngoài HomeOne, một hệ thống siêu thị cũng khá có tiếng tại Hà Nội là Việt Long cũng phải rời cuộc chơi. Cũng trong năm này, Nguyễn Kim tung ra chuỗi cửa hàng Thế giới số 24h với mục tiêu tập trung vào bán điện thoại di động, máy tính bảng… nhưng nhanh chóng thất bại. Những ngày vừa qua, thông tin về hệ thống phân phối điện máy Topcare đóng cửa cũng không tạo ra quá nhiều bất ngờ. Có thể nói, cuộc đua trong ngành bán lẻ điện máy, điện tử trong khoảng ba năm qua đã có kết quả bước đầu, đó là sự phân hóa giữa các đơn vị lớn/nhỏ và khả năng tồn tại/không tồn tại. Và, trong nhóm tồn tại cũng có “hoàn cảnh” rất khác nhau, khi có đơn vị ngày càng lớn mạnh nhưng cũng có đơn vị đuối sức thấy rõ và nếu không được hỗ trợ, rót vốn thì việc rời khỏi cuộc chơi là điều dễ thấy.
Trong thời điểm hiện nay, để đánh giá được một hệ thống bán lẻ điện máy, điện tử hoạt động như thế nào là khá dễ dàng, không nhất thiết phải xem đến sổ sách hay báo cáo tài chính. Dễ nhất chính là việc đến trực tiếp một hệ thống để xem xét số lượng khách hàng, và quan trọng hơn cả là chất lượng phục vụ. Rất khó khi một hệ thống bán lẻ có chất lượng tồi lại có thể thu hút được thách hàng. Thực tế cho thấy, những nơi nào bán càng ế thì chất lượng phục vụ càng tệ. Điều này cũng dễ hiểu, nguồn thu hạn chế nên chi phí cho việc tuyển dụng, đào tạo nhân viên cũng ít, chưa kể việc không được phục vụ khách hàng thường xuyên cũng khiến cho nghiệp vụ của nhân viên không được nâng lên.
(Ảnh minh họa). |
Tiếp đến là các chương trình khuyến mãi, giảm giá có tương xứng với chất lượng sản phẩm hay không? Mặc dù đây là “chiêu” mà gần như hệ thống bán lẻ nào cũng sử dụng nhưng sự chênh lệch là khá rõ khi các thương hiệu lớn như Nguyễn Kim, Thế giới di động… liên tục khuyến mãi và các sản phẩm cũng tương đối chất lượng. Trong khi đó, những thương hiệu nhỏ hơn thường khuyến mãi những mặt hàng… không ai muốn mua và điều kiện cũng khá mập mờ. Kế đến là độ “phủ sóng” của các hệ thống, hiện không chỉ dừng ở các thành phố lớn, mà đã tiến ra tỉnh, thậm chí vùng nông thôn. Tuy nhiên, việc hệ thống trải rộng chưa hẳn đã tốt bởi còn phải xét đến chất lượng phục vụ, khả năng quản trị hệ thống và số lượng khách hàng.
Hiện tại, các hệ thống phân phối điện thoại di động, máy tính bảng vẫn liên tục gia tăng số lượng cửa hàng, nhưng cũng chỉ có số ít đơn vị là tăng được khách hàng tương ứng và kiểm soát được sự phát triển của mình. Trường hợp một hệ thống cũng khá có tiếng, thời gian gần đây đã tăng số cửa hàng lên hàng trăm, nhưng khách vẫn khá thưa, chất lượng phục vụ của nhân viên cũng chưa đồng đều là một rủi ro. Bởi mở càng lớn, càng nhiều sẽ gây áp lực chi phí rất lớn và nếu không có khách thì việc sa sút, “đứt hơi” là điều rất nhanh đến. Nói tóm lại, chỉ cần đánh giá số lượng khách hàng, chất lượng phục vụ, số lượng cửa hàng có tương ứng, đồng đều với nhau hay không cũng sẽ phần nào đoán định được số phận của một hệ thống bán lẻ.
>>> Xem thêm
Triển vọng thị trường bất động sản năm 2015
Hợp tác cùng Thời nay