Phê duyệt rồi lại thẩm định?
Hiện tại, vắc xin được coi là giải pháp bền vững trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh nên dư luận đặc biệt quan tâm về lô vắc xin Vero Cell do Sinopharm (Trung Quốc) sản xuất vừa được nhập về TP.HCM ngày 31/7.
Rất nhiều câu hỏi được đặt ra xoay quanh mức độ an toàn và tính hiệu quả của vắc xin Sinopharm, giá mua của đơn vị nhập khẩu hay những câu chuyện liên đến việc thẩm định, đối tượng được tiêm chủng..., bởi thông tin hiện tại vẫn chưa đầy đủ như các loại vắc xin khác là AstraZeneca (Anh), Pfizer hay Moderna (Mỹ).
Đến sáng 3/8, một thông tin quan trọng vừa được TP.HCM công bố trong buổi họp báo về tình hình phòng chống Covid-19. Theo đó, trong đợt tiêm thứ 6 bắt đầu diễn ra cùng ngày, vắc xin Sinopharm không đưa vào tiêm vì đang trong quá trình được Bộ Y tế kiểm định độ an toàn. Nếu kiểm định an toàn, sẽ tiến hành tiêm chủng trên tinh thần tự nguyện của người dân.
Đây là thông tin hết sức bất ngờ bởi Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện loại vắc xin này và đầu tháng 7 vừa qua Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cũng đã có công văn số 7929/QLD-KD cho phép Công ty Dược Sài Gòn nhập khẩu lô vắc xin Vero Cell của Sinopharm, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách cho phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, lô 5 triệu liều vắc xin Vero Cell của nhà sản xuất BeijingInstitute of Biological Products Co., Ltd - Trung Quốc, thuộc đơn hàng số 272/ĐH-SPC-XNK đề ngày 1/7/2021. Sapharco chịu trách nhiệm về nguồn gốc, chất lượng vắc xin nhập khẩu, bảo đảm việc bảo quản vắc xin tại các cơ sở bảo quản theo đúng quy định, tránh ảnh hưởng đến chất lượng vắc xin nhập khẩu; đồng thời bảo đảm việc sử dụng vắc xin phục vụ nhu cầu tiêm chủng theo chỉ đạo của UBND TP.
Trung Quốc có tất cả 4 vắc xin trong nước được phê duyệt là Sinovac, Sinopharm Bắc Kinh, Sinopharm Vũ Hán và Casino. Trong đó, Việt Nam đã phê duyệt có điều kiện vắc xin Sinopharm Bắc Kinh (còn được biết với tên vắc xin Vero Cell) được sản xuất bởi BeijingInstitute of Biological Products Co., Ltd - Trung Quốc. Theo Bộ Y tế, TP.HCM nhận cùng loại vắc xin này.
Được biết, Vero Cell của Sinopharm có hiệu quả là 78,1%, được cấp phép sử dụng tại 64 quốc gia, vùng lãnh thổ, đã được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp, trong đó có các quốc gia Đông Nam Á như: Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore và Thái Lan.
Thông tin về “Lễ tiếp nhận 5 triệu liều vắc xin Covid-19 (Vero Cell) do Công ty Cổ phần Bảo trợ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tài trợ cho TP.HCM. |
Một liều Sinopharm giá bao nhiêu?
Lô một triệu trong tổng số năm triệu liều vắc xin Covid-19 Vero Cell của Sinopharm do Sapharco đàm phán, thương thảo, ký kết hợp đồng mua và nhập khẩu dưới sự ủy quyền của UBND TP. Trao đổi với Ngày Nay, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết: “TP không mua vắc xin Sinopharm mà được nhà tài trợ tặng”.
Theo tìm hiểu, cùng thời điểm lô vắc xin này về đến TP.HCM, trên mạng xã hội bất ngờ xuất hiện một văn bản thông tin về “Lễ tiếp nhận 5 triệu liều vắc xin Covid-19 (Vero Cell) do Công ty Cổ phần Bảo trợ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tài trợ cho TP.HCM”, đề Uỷ ban MTTQVN TP.HCM ban hành ngày 30/7. Buổi lễ được dự kiến tổ chức tại Sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 31/7. Tuy nhiên sự kiện này sau đó dường như không diễn ra.
Nội dung văn bản còn thể hiện, tổng giá trị hợp đồng mua năm triệu liều vắc xin giữa Sapharco và Sinopharm là 45 triệu USD (hơn 1.000 tỷ đồng). Như vậy, mỗi liều vắc xin có giá 9 USD (hơn 205 nghìn đồng).
Hiện tại, dư luận đang đặt nhiều dấu chấm hỏi về tính xác thực của văn bản nói trên cũng như giá mua vắc xin mà Sapharco đàm phán, thương thảo, ký hợp đồng? Bởi nếu so với giá loại vắc xin đang được triển khai tiêm chủng rộng rãi cả nước là AstraZeneca (Anh) đã được đơn vị nhập khẩu công bố là 4,5 USD/liều thì vắc xin Trung Quốc có giá gấp đôi, trong khi độ an toàn thì vẫn “đang kiểm định”.
Theo kế hoạch, bốn triệu liều vắc xin còn lại sẽ được giao trong tháng 8/2021.
Hai văn bản của Bệnh viện Thống Nhất gửi cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát |
Những “mũi tiêm lạ”
Vấn đề tiêm vắc xin Trung Quốc tiếp tục nóng lên khi Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất Vũ Thành Toàn ngày 1/8 đã ký, đóng dấu gửi công văn tới Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thông báo sẽ sử dụng vắc xin của Sinopharm mà Vạn Thịnh Phát tài trợ cho TP.HCM để tiêm cho nhân viên tập đoàn.
Thông báo được đưa ra một cách hết sức bất ngờ khi mới đây, ngày 27/7, chính Bệnh viện Thống Nhất có văn bản mời cán bộ nhân viên Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đến tiêm vắc xin kể từ ngày 28/7 đến khi hoàn thành tiêm chủng cho công ty. Loại vắc xin được đề cập là AstraZeneca.
Trong một văn bản khác do Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược Nguyễn Hoàng Bắc ký ngày 27/7 cũng thể hiện, cán bộ nhân viên Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được mời đến bệnh viện thực hiện xét nghiệm kháng nguyên vào ngày 28/7, tiêm vắc xin ngày 29/7. Loại vắc xin vẫn là AstraZeneca.
Văn bản mời tiêm vắc xin của Bệnh viện Đại học Y dược. |
Việc này càng được đẩy lên cao khi trên mạng xã hội xuất hiện thêm một giấy chứng nhận đã tiêm vắc xin của Bệnh viện Thống Nhất, thể hiện nhân viên Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã được tiêm vắc xin Pfizer (Mỹ) từ ngày 23/7.
Thật khó hiểu khi lãnh đạo hai bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đóng trên địa bàn TP.HCM lại ưu ái vắc xin cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát khi mà đợt tiêm chủng lần thứ 5 ưu tiên người cao tuổi, người nghèo?
Và càng khó lý giải vì sao cán bộ nhân viên Tập đoàn bất động sản này được thông báo đi tiêm vắc xin AstraZeneca nhưng giấy chứng nhận lại là Pfizer?
Giấy chứng nhận đã tiêm vắc xin của nhân viên Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại Bệnh viện Thống Nhất. |
Câu chuyện này chỉ là một vụ việc trong hàng loạt những tranh cãi liên quan đến tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Nhiều chuyên gia khuyến cáo, việc tiêm phòng vắc xin sớm để tránh nguy cơ mắc Covid-19, giảm sự lây nhiễm cho những người dễ tổn thương và giảm đáng kể các triệu chứng bệnh nghiêm trọng. Tuy nhiên, để làm được điều này, TP cần có thông tin công khai rõ ràng đến người dân về tính an toàn và độ hiệu quả của vắc xin, đảm bảo minh bạch trong tiếp cận và an toàn trong tiêm chủng.