Trong đó, có các bệnh thường gặp sau:
Viêm âm hộ, âm đạo
Bệnh thường dẫn đến tình trạng tiết dịch, bị ngứa và đau ở vùng kín. Nguyên nhân là do sự thay đổi môi trường âm đạo khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập. Ngoài ra, viêm âm đạo cũng có thể do nồng độ estrogen giảm (sau mãn kinh) và một số rối loạn về da.
Các bệnh thường gặp: Viêm âm đạo do Trichomoniasis (là bệnh lây nhiễm qua đường tình dục), viêm âm đạo do vi khuẩn, nhiễm trùng nấm men.
Bệnh dễ nhận biết, ban đầu bệnh nhân cảm thấy ngứa rát khu vực âm hộ hoặc âm đạo, có thể bắt đầu thấy chảy nhiều dịch khí hư ra quần lót, có thể lẫn máu hoặc có mùi khó chịu, có thể sờ thấy khối bất thường hoặc những mụn nhỏ tại khu vực âm hộ.
Các bệnh lý tại khu vực âm hộ, âm đạo thường lành tính, dễ điều trị nếu được thăm khám sớm và dùng đúng phác đồ điều trị. Tuy nhiên, cần khám sớm và điều trị sớm tại các cơ sở chuyên khoa uy tín vì các bệnh lý viêm âm đạo, âm hộ có thể lây lan lên phần phụ khác gây hậu quả nguy hiểm cho sức khỏe sinh sản sau này.
U xơ cổ tử cung
Triệu chứng thường thấy là táo bón, chảy nhiều máu hơn vào kỳ kinh nguyệt, thường xuyên đi tiểu, đau lưng hoặc đau chân, kinh nguyệt kéo dài hơn 1 tuần.
Bệnh nhân bị đau cấp tính khi khối u mất nguồn cung máu và bắt đầu chết đi. U xơ cổ tử cung tuy là khối u lành tính và không ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe sinh sản (nguy cơ gây vô sinh, hiếm muộn).
Viêm lộ tuyến cổ tử cung
Viêm lộ tuyến tử cung được gây ra bởi các kích thích, nhiễm trùng, tổn thương tế bào lót cổ tử cung. Những mô bị kích thích hoặc nhiễm bệnh sẽ sưng đỏ, chảy nước nhày và mủ thậm chí là chảy máu khi chạm vào. Nguyên nhân chính gây ra tình trạng này: Bệnh lậu, Herpes sinh dục, mất cân bằng vi khuẩn hay hormone, kích ứng với băng vệ sinh hoặc bao cao su...
Bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung ít khi gây ra những triệu chứng rõ ràng, chỉ phát hiện bệnh sau khi thăm khám.
Viêm lộ tuyến cổ tử cung thường xuất hiện khí hư màu vàng hoặc xám nhạt, sốt, đau bụng, đau đớn khi quan hệ tình dục, âm đạo bị xuất huyết bất thường sau quan hệ tình dục, giữa các kỳ kinh…
Nên quan hệ chung thuỷ, một vợ - một chồng để tránh mắc các bệnh phụ khoa. (Ảnh minh hoạ) |
Rối loạn kinh nguyệt
Rối loạn kinh nguyệt là hiện tượng chu kỳ kinh nguyệt có sự thay đổi về vòng kinh, lượng máu và số ngày hành kinh. Rối loạn kinh nguyệt thường xuất hiện khi có sự thay đổi trong phương pháp tránh thai, mất cân bằng nội tiết tố, thay đổi nội tiết tố và thời kỳ mãn kinh...
Rối loạn kinh nguyệt khi chu kỳ kinh kéo dài hơn 35 ngày hoặc thay đổi không đồng nhất. Lượng máu bị thay đổi hoặc thường xuyên xuất hiện những cục máu đông có đường kính trên 2,5 cm cũng là một trong những biểu hiện của rối loạn kinh nguyệt.
Polyp cổ tử cung
Polyp cổ tử cung là những khối u nhỏ, mọc kéo dài trên cổ tử cung. Bệnh thường hay gặp ở những phụ nữ từ 40 – 50 tuổi và phụ nữ mang thai. Bệnh lành tính, không phải và không phát triển thành ung thư. Tuy nhiên, nếu âm đạo tiết dịch bất thường (màu trắng hoặc vàng) hoặc những kỳ kinh nguyệt chảy nhiều máu và kéo dài cần khám ngay để được xử lý kịp thời.
Ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung được hình thành khi tế bào ở niêm mạc cổ tử cung bắt đầu phát triển bất thường và khó kiểm soát, tập hợp thành một khối u lớn. U lành tính thường không lan rộng hoặc không có hại. Tuy nhiên, các khối u ác tính sẽ lây lan nhanh và phát triển thành bệnh ung thư đe dọa đến tính mạng người bệnh. Ở giai đoạn đầu, bệnh không gây ra nhiều đau đớn, không có các triệu chứng thông thường như các bệnh phụ khoa khác.
Ung thư cổ tử cung có thể nhận biết qua một số dấu hiệu: Đau khi quan hệ tình dục; xuất huyết âm đạo bất thường giữa các kỳ kinh nguyệt, sau khi quan hệ tình dục, sau khi mãn kinh...; đau vùng xương chậu; huyết trắng có mùi; kỳ kinh nguyệt kéo dài hoặc nặng hơn bình thường; đi tiểu khó, đau hoặc chảy máu; buồn nôn, nôn; táo bón; giảm cân, thèm ăn, mệt mỏi...
U nang buồng trứng
U nang buồng trứng là những túi chứa chất lỏng phát triển bất thường trên buồng trứng. Khi u nang phát triển đến kích thước nhất định sẽ có triệu chứng: Đau bụng dữ dội vào những ngày kinh nguyệt, chu kỳ kinh không đều, lượng kinh nhiều hơn bình thường, rong kinh, đau lưng, đau ngực, buồn nôn và nôn, đầy hoặc sưng bụng, đau ruột khi hoạt động, đau khi quan hệ, tiểu nhiều…
Mối nguy với sức khỏe và phòng tránh?
Bệnh phụ khoa nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ảnh hưởng dến cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày, ảnh hưởng đến đời sống vợ chồng, tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng, gây cản trở quá trình thụ thai, tăng nguy cơ vô sinh, hiếm muộn, nguy hiểm hơn là gây ung thư tử cung ảnh hưởng đến tính mạng.
Phụ nữ mang thai bị viêm nhiễm phụ khoa nếu không được chữa trị có thể gây ảnh hưởng đến nước ối, tăng nguy cơ nhiễm trùng ối, rỉ ối dẫn tới sẩy thai, thai lưu, sinh non...
Để phòng tránh bệnh phụ khoa hiệu quả, cần lưu ý:
Không quan hệ tình dục khi bị mắc bệnh phụ khoa, quan hệ chung thủy, nên sử dụng các biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục.
Vệ sinh sạch sẽ, đúng cách, thường xuyên thay băng vệ sinh trong kỳ kinh nguyệt, không mặc quần chật.
Thực hiện chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, không sử dụng các chất kích thích, bổ sung nhiều thực phẩm tốt cho cơ thể.
Tập luyện thể dục thể thao để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Cần tuyệt đối tuân thủ theo đúng pháp đồ điều trị của bác sĩ, không bỏ dở hay ngắt quãng khi đang điều trị.