Nguồn gốc của phong tục nhuộm răng
Nhuộm răng là tục cổ của dân tộc Việt, có từ thời Hùng Vương cùng với tục ăn trầu đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của bộ tộc người Việt để phân biệt với các sắc dân khác. Đại Việt Sử Ký toàn thư trang 133 chỉ ghi lại lời vua Hùng về tục xăm mình chứ tục nhuộm răng thì không thấy “... rồi vua bảo mọi người lấy mực vẽ hình thủy quái vào mình. Từ đấy không thấy thuồng luồng đến cắn hại nữa”.
Sứ thần của nước Văn Lang trả lời vua nhà Chu về tục ăn trầu “Chúng tôi có tục ăn trầu để khử mùi ô uế và nhuộm cho răng đen...”. Không chỉ người Việt mới có tục nhuộm răng mà các dân tộc khác như Mường, Thái, Si La... cũng có tục này nhưng mỗi nơi, mỗi dân tộc đều có cách nhuộm răng khác nhau về ý nghĩa, thời gian, cách nhuộm và chất liệu sử dụng.
Tục nhuộm răng đen trước hết là do quan điểm thẩm mỹ. Chính tục lệ ăn trầu là lý do trực tiếp của tục nhuộm răng, bởi nhai trầu thường làm ố đen răng, nên phải nhuộm đen, nhuộm thật đen để loại bỏ tác dụng trên, đồng thời tạo được vẻ thẩm mỹ duyên dáng cho hàm răng… “Da trắng, răng đen” tạo sự tương phản cao và đầy nghệ thuật đã thu hút bao hồn vía các chàng trai thời ấy! Các cô gái, cho dù không ăn trầu, vẫn cứ nhuộm răng đen. Thậm chí, việc nhuộm răng đen còn lan sang cả cánh đàn ông nhưng số lượng ít hơn. Việc nhuộm răng đen đã trở thành luật, phổ biến trong dân chúng, trừ những đức trẻ còn răng sữa, ngoài ra đều phải nhuộm đen, không ai có thể cưỡng lại qui luật trên. Và nếu đã sở hữu một hàm răng đen, buộc cứ khoảng gần một năm phải nhuộm lại, vì màu đen đã phai. Đặc biệt vào các dịp lễ tết hay những ngày vui trọng đại như lễ hỏi, lễ cưới, họ phải nhuộm răng lại cho đen mới để tham dự.
Tục nhuộm răng đen trước hết là do quan điểm thẩm mỹ. |
Tục nhuộm răng đen có từ thuở xa xưa, nhưng chỉ thông dụng ở miền Trung và miền Bắc. Kinh đô Huế được coi là nơi cực thịnh của nghệ thuật nhuộm răng, vì ở đó các ông hoàng bà chúa, các cung tần mỹ nữ, tầng lớp quan lại, nho sĩ, các cô chiêu, cậu ấm rất ưa chuộng việc nhuộm răng.
Nước ta ngày nay, chẳng ai nhuộm răng đen nữa, nhưng ngày xưa "bõ công trang điểm má hồng răng đen". Đến như Phan Kế Bính là một nhà trí thức tiến bộ đầu thế kỷ, chủ trương cải tạo phong tục còn có nhận xét: "Đàn ông răng trắng thì chẳng sao, chớ đàn bà nhà tử tế bây giờ mà răng trắng thì coi khí ngộ một đôi chút. Nhưng lâu dần cũng phải quen mắt, có lẽ quen mắt rồi thì trắng lại đẹp hơn đen nhiều".
Cách nhuộm răng đen
Thuốc nhuộm răng của người Việt xưa phải có một công thức pha chế riêng: Bột nhựa cánh kiến, Nước cốt chanh hay hạnh, Phèn đen, Nhựa của gáo dừa.
Việc nhuộm răng phải tuân theo từng giai đoạn làm sao cho răng đạt màu đen bóng. Để khởi đầu cho việc nhuộm răng thì miệng và răng phải được làm vệ sinh, phải chuẩn bị hàm răng cho thật sạch. Không được có bợn, bả răng trong các kẽ và chân răng, phải lấy hết cho đến khi lấy tay sờ vào thân răng phải trơn láng mới được.
Trong ba ngày đầu phải đánh răng, xỉa răng bằng vỏ cau khô với than bột trộn với muối sống hầm chín thành bột. Một ngày trước khi nhuộm phải nhai ngậm chanh hoặc hạnh, súc miệng bằng rượu trắng pha nước chanh. Tác dụng của nước cốt làm cho lớp men ngoài răng “mềm” đi, tính acid của chanh sẽ bào mòn tạo thành những vệt lõm sần sùi trên men răng. Thời gian này là thời gian đau đớn nhất cho người nhuộm răng, môi, lưỡi, lợi và niêm mạc trong vòm họng sưng tấy, hai hàm răng lung lay gần như muốn rụng.
Người Việt nhuộm răng đen bằng bột nhựa cánh kiến |
Thuốc nhuộm răng bằng nhựa cánh kiến được điều chế trước đó từ 7 đến 10 ngày theo đúng công thức với tỷ lệ bột nhựa cánh kiến và nước cốt chanh tùy theo mỗi người, chất sền sệt đó được trét lên một mảnh vải thô trắng hay lụa. Ở thôn quê, người ta trét lên lá dừa, cau hay lá ngái sau đó mới áp lên hai hàm răng.
Việc áp thuốc nhuộm răng được thực hiện vào sau buổi ăn chiều, đến giữa đêm sẽ được thay bằng một miếng áp mới. Đến sáng người ta sẽ gỡ ra thật nhẹ nhàng tránh bị bong tróc lớp nhựa sơn mới phủ lên đêm trước. Sau khi lấy thuốc ra phải súc miệng bằng nước mắm, có nơi dùng nước dưa chua để thải hết chất thuốc còn sót lại.
Người nhuộm răng gần như phải ngậm miệng suốt đêm, tránh tối đa miếng thuốc nhuộm rơi bong ra, phải làm như vậy mỗi đêm 2 lần trong 7 đêm. Khoảng thời gian đó người nhuộm răng chỉ được nuốt thức ăn chứ không được nhai. Thông thường các người nhuộm răng được cho ăn bún trộn với mỡ heo và nước mắm để dễ nuốt. Khi thấy răng có màu đỏ già, màu của cánh kiến thì việc nhuộm răng sẽ bước qua giai đoạn 2 là giai đoạn nhuộm đen răng bằng cách phết dung dịch bôi đen lên răng. Thuốc bôi đen là hỗn hợp phèn đen trộn với nhựa cánh kiến, dung dịch này được phết trong 2 ngày. Sau đó phải súc miệng bằng một thứ thuốc gọi là thuốc xỉa nước.
Giai đoạn cuối cùng là cố định bằng nhựa của gáo dừa, chất nhựa này được làm như sau: Lấy sọ hay gáo dừa già, đem phơi khô nhiều nắng, sau đó đem đốt nó trên than hồng rồi để cái sọ dừa đang cháy này lên trên một cái rựa sắt cùn, từ trong sọ dừa đang cháy un khói đó sẽ chảy ra một thứ nhựa đen sền sệt lấy chất đó bôi lên răng, chất nhựa này tạo thành một lớp men trên thân răng. Người ta gọi giai đoạn này là “giết răng”. Khi hoàn tất giai đoạn này người nhuộm răng sẽ có một hàm răng đen bóng như hột mãng cầu.
Nghiêm Hoa (TH)