Đây là sự kiện thể thao lớn nhất mà Campuchia lần đầu đăng cai tổ chức. Cho đến nay, mọi khâu tổ chức cho kỳ đại hội SEA Games 32 đã được nước chủ nhà Campuchia hoàn tất. SEA Games 32 hứa hẹn sẽ mang đến cho khán giả Campuchia cũng như bạn bè quốc tế những hình ảnh đẹp về văn hóa của đất nước và con người Campuchia, lan tỏa tinh thần: "Thể thao - Sống trong hòa bình".
- Thời gian tổ chức: SEA Games 32 diễn ra từ ngày 5 đến 17/5 tại Campuchia. Lễ khai mạc sẽ diễn ra vào 18 giờ ngày 5/5 (giờ Việt Nam) tại sân vận động Morodok Techo. Đây là sân vận động có sức chứa 60.000 chỗ ngồi, với khoản kinh phí xây dựng lên đến 160 triệu USD. Lễ bế mạc sẽ tổ chức vào ngày 17/5 cũng tại sân vận động Morodok Techo (thủ đô Phnom Penh).
Môn cờ ốc (ouk chaktrang), cricket và bóng đá nam (với trận đấu loại ở bảng A giữa đội tuyển U22 Campuchia và đội tuyển U22 Timor Leste) là những môn thi đấu khởi tranh sớm nhất, từ ngày 29/4.
Trong khi đó, Đại hội Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 12 (ASEAN Para Games 12) sẽ diễn ra từ ngày 3 đến 9/6/2023, với 13 bộ môn thi đấu.
- Địa điểm tổ chức: Thủ đô Phnom Penh (sân vận động quốc gia Morodok Techo, sân vận động quốc gia Olympic và Trung tâm Hội nghị và triển lãm quốc tế Chroy Changvar) và 4 tỉnh của Campuchia gồm: Siem Reap, Preah Sihanouk, Kampot và Kep.
- Số lượng môn và nội dung thi đấu: 37 bộ môn với 586 nội dung (trong đó có Teqball là môn trình diễn và không tranh huy chương). Tại SEA Games 32, nước chủ nhà đã quyết định gạch tên một số môn thi đấu Olympic như bắn súng, đấu kiếm, bắn cung, rowing, canoeing. Thay vào đó, Campuchia đưa những môn thi đấu địa phương như Kun Bokator, võ Khmer,… vào chương trình thi đấu để quảng bá văn hoá truyền thống. Ban tổ chức đã chuẩn bị 5.151 huy chương các loại để trao cho các vận động viên đạt thành tích cao ở các nội dung của từng môn thể thao tại SEA Games 32.
- 11 quốc gia tham dự gồm: Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, Timor Leste và Việt Nam.
- Số lượng vận động viên: SEA Games 32 sẽ đón số lượng vận động viên, huấn luyện viên và nhân viên các đoàn lên tới hơn 12.400 người, trong đó đoàn Việt Nam có 1.003 thành viên do Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Đặng Hà Việt làm Trưởng đoàn. Đoàn gồm có 30 cán bộ, 31 bác sĩ, 38 lãnh đội, 10 chuyên gia, 189 huấn luyện viên và 702 vận động viên. Đây là số lượng thành viên đông nhất từ trước tới nay của đoàn Việt Nam khi dự kỳ đại hội ở nước ngoài
- Logo của SEA Games 32: Logo SEA Games 32 bao gồm hình ảnh cách điệu của Angkor Wat - di tích được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) xếp hạng di sản thế giới; biểu tượng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 4 con rồng Neak (tiếng Pali là Naga, có nghĩa là thanh khiết) quấn đuôi vào nhau.
- Linh vật của SEA Games 32: Linh vật của kỳ SEA Games 32 là hai chú thỏ trắng đại diện cho 2 giới tính, lần lượt là Borey (Thỏ đực) và Romdoul (Thỏ cái) trong trang phục võ thuật truyền thống Bokator. Borey trong văn hóa tín ngưỡng Campuchia tượng trưng cho sự gắn kết, còn Romdoul đại diện cho quốc hoa, cũng là vẻ đẹp của “Xứ sở Chùa Tháp”. Romdoul thường được ví von như những cô gái Khmer vui vẻ, dí dỏm, nhưng không kém phần thanh tao, duyên dáng. Trong văn hóa Khmer, thỏ trắng, vừa là biểu tượng tôn giáo vừa là biểu tượng tượng trưng cho công lý, hạnh phúc và may mắn đại diện cho tố chất thông minh, lanh lợi và mưu trí cùng khả năng thích nghi, ứng phó vượt qua hoàn cảnh.
Còn Bokator là một môn võ thuật cổ xưa của người Khmer, đại diện cho sự thông minh, nhanh nhẹn và chính trực, cũng là tôn chỉ trong lần đại hội này của Campuchia.
- Khẩu hiệu (Slogan): "Sports - Live in peace" (Thể thao - Sống trong hòa bình) là khẩu hiệu chính thức được nước chủ nhà lựa chọn cho kỳ đại hội lần đầu tổ chức, nhằm chuyển tải thông điệp thể thao sống trong hòa bình.
- Bài hát của SEA Games 32: Bài hát chính thức của SEA Games 32 mang tên "Cambodian Pride" (Niềm tự hào Campuchia). Với độ dài 4 phút 17 giây, MV của ca khúc "Cambodian Pride" có sự quy tụ của rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng ở Campuchia, như Preap Sovath, Khemarak Sereymun, Khem và Ton Chanseyma, thể hiện những điệu múa truyền thống và giai điệu đậm chất Campuchia. Thông qua MV này, chủ nhà Campuchia đã giới thiệu tới khán giả Đông Nam Á những địa điểm nổi tiếng của đất nước và những môn thể thao của giải đấu, trong đó nổi bật là môn võ truyền thống của Campuchia mang tên Kun Khmer.
Kể từ khi được phát hành vào ngày 10/4, bài hát đã nhanh chóng gây "sốt" trên YouTube. Chỉ 10 ngày sau khi phát hành, MV của ca khúc này đã đạt hơn 50 triệu lượt xem trên YouTube. Trong lịch sử, chưa bài hát chính thức nào của SEA Games đạt được số lượt xem nhiều như vậy trên YouTube.
Con số này vượt xa những bài hát chính thức của các kỳ SEA Games trước như "Unbreakable" (SEA Games 28 với 1,1 triệu lượt xem), "We win as one" (SEA Games 30 với 424.000 lượt xem), "Let’s shine" (SEA Games 31 với 430.000 lượt xem).
- Những điểm nhấn tại SEA Games 32:
SEA Games 32 là sự kiện thể thao lịch sử sau 64 năm chờ đợi của người dân Campuchia. Chính bởi vậy, Campuchia đã và đang nỗ lực để tạo nên một kỳ SEA Games ấn tượng trong lần đầu tiên đảm nhận cương vị chủ nhà. Quốc gia Đông Nam Á này đã quyết định miễn phí vé vào xem toàn bộ các môn thi đấu, miễn phí ăn, ở, đi lại với 11 đoàn thể thao cũng như miễn phí dịch vụ y tế và cấp cứu tại kỳ đại hội thể thao lần này.
Để phục vụ cho việc đưa tin về SEA Games 32, Ban tổ chức nước chủ nhà của SEA Games 32 cũng đã tổ chức lễ khai trương, đưa vào vận hành Trung tâm báo chí vào ngày 29/4, dưới sự chủ trì của ông Khieu Kanharith - Bộ trưởng Bộ Thông tin Campuchia. Hiện đã có hơn 2.000 phóng viên thuộc ASEAN và Timor Leste đăng ký tác nghiệp tại SEA Games 32 và ASEAN Para Games 12.
Một điểm nhấn khác nữa là việc nước chủ nhà Campuchia hứa hẹn sẽ tạo nên một lễ khai mạc SEA Games vô cùng hoành tráng, vượt tầm Đông Nam Á và có thể sánh với những tiêu chuẩn Olympic. Trong lễ khai mạc và bế mạc SEA Games 32, khoảng 1.000 nghệ sĩ, 2.000 vận động viên và binh sĩ Campuchia sẽ cùng nhau biểu diễn một tiết mục hoành tráng dưới sự điều phối của Bộ Văn hóa và Nghệ thuật Campuchia.
Để chuẩn bị cho lễ khai mạc SEA Games 32, Ban tổ chức đã chuẩn bị kịch bản của chương trình từ cách đây hơn 1 năm. Một số thành viên tham dự lễ khai mạc đã tập luyện từ tháng 6/2022. Các màn trình diễn trong tối 5/5 hứa hẹn sẽ mang đậm văn hóa Campuchia. Theo truyền thông Campuchia, trong đêm khai mạc, 3 ca khúc mang tên “Welcome Cambodia” (tạm dịch: Chào mừng đến với Campuchia), “This is our time” (Thời đại của chúng ta) và “Cambodia is our home” (Campuchia là nhà của chúng tôi) sẽ được biểu diễn.
Bên cạnh đó còn có khoảng 5.000 tình nguyện viên đăng ký tham gia SEA Games 32 cũng như 2.000 tình nguyện viên tham gia ASEAN Para Games 12, tất cả đều được Hội Liên hiệp Thanh niên Campuchia (UYFC) tuyển chọn và đào tạo.
Tổng Thư ký Ban tổ chức SEA Games 32 (CAMSOC) Vath Chamroeun nhấn mạnh: Bên cạnh lễ khai mạc và bế mạc hứa hẹn đầy ấn tượng, Ban tổ chức tin tưởng nước chủ nhà Campuchia sẽ đảm bảo tốt khâu kỹ thuật và các địa điểm thi đấu để các vận động viên có thể tham gia tranh tài suôn sẻ.