Cô giáo ra bài toán lớp 3 làm đau đầu nhiều tiến sĩ
Đề bài toán lớp 3 được đăng tải trên một trang báo mạng ngày 18/5 đã gây xôn xao dư luận nhiều ngày, thậm chí còn được đăng tải lên báo Anh. Giáo viên ra đề bài toán gây “bão” được xác định là bà Nguyễn Thị Kim Quyên, giáo viên lớp 3A3, đồng thời là khối trưởng khối lớp 3 Trường tiểu học Thăng Long, P.B’Lao, TP Bảo Lộc (Lâm Đồng).
Theo trao đổi của bà Quyên với báo chí, bài toán được bà cho một nhóm học sinh có học lực khá giỏi khoảng 20 em làm thêm vào khoảng một tuần trước (thời điểm bài toán lên báo- PV), trích từ cuốn Phiếu bài tập cuối tuần toán và tiếng Việt lớp 3 của Nhà xuất bản ĐH Sư Phạm.
Bài toán lớp 3 làm nhiều tiến sĩ đau đầu và khiến giáo viên ra đề bất đắc dĩ nổi tiếng.
Liên quan đến vụ việc, Phòng GD-ĐT TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) đã yêu cầu hiệu trưởng và cô giáo Trường tiểu học Thăng Long, P.B’Lao, TP Bảo Lộc tường trình. Qua tường trình của giáo viên, lãnh đạo đơn vị này đã đề xuất xử lý ở mức độ nhắc nhở các cá nhân liên quan về việc đưa bài toán lớp 3 không nằm trong chương trình giảng dạy Bộ GD-ĐT theo quy định lên Sở GD-ĐT Lâm Đồng xem xét.
Trước nhiều ý kiến cho rằng bài toán quá khó với học sinh lớp 3, đưa vào đợt ôn tập liệu có phù hợp?, bà Quyên cho biết lý do đưa bài toán cho học sinh làm là vì học sinh của mình, muốn các em thử sức để kích thích khả năng tư duy, làm quen với nhiều dạng bài tập. Tuy nhiên, bà Quyên cho rằng mình sơ suất khi không nói học sinh của mình gạch chéo bài toán khó. Trong khi đó có một số em mang bài toán về nhà nhờ ba mẹ, người thân giải thử lại quên không nói cô giáo không yêu cầu làm bài toán trên.
Thông tin này tiếp tục thu hút sự quan tâm của bạn đọc với nhiều ý kiến tranh luận trái chiều, trong đó đa số cho rằng giáo viên này không đáng bị kỷ luật bởi bài toán chỉ được cho một số học sinh có học lực trội hẳn và cũng không bắt buộc các em phải làm. Việc làm này cho thấy cô giáo đã rất quan tâm và có trách nhiệm với học sinh, khuyến khích những em có khả năng phát huy cao hơn.
Giảng viên bị kỷ luật vì "chê" trường
Câu chuyện của anh Doãn Minh Đăng, giảng viên Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ với thông tin bị xử lý vì “nói xấu” nhà trường trên Facebook đã thu hút sự quan tâm của dư luận những ngày qua. Vụ việc bắt đầu từ chuyện anh Đăng đi dự hội nghị khoa học ở Hà Nội mà không báo cáo lãnh đạo nhà trường bằng văn bản.
Anh Doãn Minh Đăng, giảng viên Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ. Ảnh: Dân Việt
Cụ thể, vào tháng 3/2015 tại Hà Nội, anh Đăng tham dự một Hội nghị khoa học do Viện Toán học tổ chức nhưng không báo cáo bằng văn bản. Ngày 19/11 trường kỷ luật anh Đăng vì các lỗi tự ý nghỉ việc mà chưa được ban giám hiệu cho phép, tự ý nghỉ học, có hành vi xúc phạm tới lãnh đạo nhà trường. Ngày 21/11 anh Đăng viết trên Facbook về chuyện mình bị đối xử bất công với nhà khoa học; trong đó đưa các trao đổi - thông tin để chứng minh cho điều này. Từ tháng 11, anh Đăng chuyển sang làm công tác thư viện.
Doãn Minh Đăng từng là người chiến thắng trong vòng thi tháng tại cuộc thi Đường lên đỉnh Olympya cách đây 10 năm, được cử đi du học đợt đầu tiên theo đề án Mekong 1000 của TP.Cần Thơ. Sau khi du học tại Hà Lan, anh về công tác tại Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ và giữ chức phó trưởng khoa Điện - Điện tử - Viễn thông và kiêm nhiệm trưởng bộ môn tự động hóa từ giữa năm 2014. Có tên trong quy hoạch phó hiệu trưởng, nhưng anh rút đơn khỏi quy hoach và xin ra khỏi Đảng.
Trao đổi với báo chí, anh Đăng cho biết, anh làm đơn rút khỏi quy hoạch Ban Giám hiệu vì muốn toàn tâm toàn ý cho việc giảng dạy cũng như nghiên cứu khoa học, không cần chức tước. Vị giảng viên này cũng chia sẻ mong mỏi nhà trường thay đổi cách ứng xử với những người được đưa đi đào tạo ở nước ngoài trở về yên tâm công tác.
Những lùm xùm liên quan đến việc anh Đăng bị kỷ luật vì nói xấu trường trên facebook cùng những phát ngôn của anh đã làm nóng lại tranh luận "người tài đi du học nên ở lại hay về nước làm việc". Nhiều cựu quán quân, á quân Đường lên đỉnh Olympia đã lên tiếng với nhiều ý kiến trái chiều.
Cô giáo bị phạt 5 triệu vì “nói xấu” lãnh đạo tỉnh trên facebook
Vụ việc cô giáo bị phạt 5 triệu vì “nói xấu” lãnh đạo tỉnh trên facebook gây xôn xao dư luận nhiều ngày cuối tháng 11.
Cụ thể, Sở Thông tin-Truyền thông tỉnh An Giang đã ra 2 quyết định xử phạt hành chính đối với bà Lê Thị Thùy Trang, Tổ trưởng môn Ngữ văn, trường THPT Long Xuyên, TP Long Xuyên - và ông Huỳnh Nguyễn Huy Phúc (nhân viên Điện lực An Giang) mỗi người 5 triệu đồng. Quyết định xử phạt này được đưa ra sau khi bà Trang dẫn link bài báo về việc “Thanh tra Chính phủ đề nghị kiểm điểm Chủ tịch UBND tỉnh An Giang" chia sẻ trên facebook cá nhân đính kèm bình luận. Ông Phúc là người đã bình luận, tỏ ý đồng thuận với bà Trang. Sau khi làm việc với các cơ quan chức năng, bà Trang đã gỡ bỏ những nội dung này trên trang thông tin cá nhân của mình và mong muốn các ngành chức năng nên xem xét theo hướng giảm nhẹ mức phạt.
Thông tin trên được đăng tải trên nhiều trang báo với các ý kiến từ các luật sư, nhà giáo bày tỏ sự không đồng tình với cách xử lý của Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh An Giang.
Chiều ngày 24/11, Thường vụ tỉnh An Giang đã tổ chức cuộc họp với các ban ngành có liên quan để xử lý dứt điểm vụ việc trên. Cuộc họp thống nhất yêu cầu của sở Thông tin và truyền thông phải rút 2 quyết định xử phạt hành chính mức 5 triệu đồng đối với bà Lê Thị Thùy Trang, giáo viên Trường THPT Long Xuyên và ông Huỳnh Nguyễn Huy Phúc - nhân viên Điện lực An Giang. Các hình thức kỷ luật về mặt Đảng, chính quyền những cán bộ “nói xấu” lãnh đạo tỉnh trên facebook cũng bị rút lại.
Tại buổi họp báo ngày 26/11 do UBND An Giang tổ chức để thông tin việc xử lý vụ việc, ông Trần Thanh Tâm, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết đã xin lỗi cô giáo Trang về việc có quyết định xử phạt hành chính không đúng.
Trong diễn biến khác có liên quan, sau khi cô giáo Trang nhận quyết định xử phạt vì “nói xấu” lãnh đạo tỉnh trên facebook, ngành giáo dục TP Châu Đốc có văn bản cấm giáo viên bình luận, thích (like), chia sẻ (share), đăng nội dung các vấn đề có liên quan đến chế độ, chính sách… lên mạng xã hội. Tuy nhiên, sau khi dư luận phản ứng, UBND TP Châu Đốc cũng đã yêu cầu Phòng GD-ĐT rút bỏ công văn này.
Một trường hợp tương tự cũng xảy ra tại Long An. Đó là trường hợp của cô Dương Hải Âu, giáo viên trường Tiểu học Tân Hiệp (xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa, Long An) cũng bị chính quyền địa phương yêu cầu nhà trường kiểm điểm sau khi có dòng trạng thái chê cầu sập trên trang mạng cá nhân. Tuy nhiên, sau đó ít hôm, địa phương đã rút lại quyết định này.
Hà An