Theo đó, giai đoạn trước Tết Nguyên Đán 2021 đến nay, giá đường trong nước tăng từ 500 - 1.500 đồng/kg. Cụ thể, đường RS từ 14.000 đồng/kg tăng lên 15.500 đồng/kg; đường RE từ 16.000 đồng/kg tăng lên 16.500 đồng/kg… Đây là mức giá mà các nhà máy bán sỉ ra bên ngoài. Các đại lý bán lẻ đẩy giá đường lên mức 19.000 - 22.000 đồng/kg, cao kỷ lục từ trước đến nay.
Tại thị trường Việt Nam, giá đường nội địa không chỉ đang chịu ảnh hưởng bởi đà tăng giá của đường trên thế giới mà còn chịu áp lực của diễn biến thời tiết không thuận lợi. Ảnh: Kiều Trang. |
Khảo sát của phóng viên các siêu thị, chợ và tạp hoá. Các loại đường như đường Biên Hoà có giá 22.000đ-25.000đ/kg, đường cát vàng giá từ 26.000đ/kg. Đường tinh luyện vượt giá 25.000đ/kg.
Đại diện chuỗi siêu thị Bách Hoá Xanh tại Quận 1 cho biết: “So với thời điểm này cùng kỳ năm ngoái, giá đường các loại đều đã tăng và không có dấu hiệu cho thấy sẽ ngừng lại. Tuy vậy, thực tế khách hàng mua lẻ cũng ít quan tâm đến giá đã thay đổi”. “Có lẽ, do chủ yếu phục vụ nhu cầu nấu nướng, nên họ không cần nhiều và không phàn nàn về giá cả thay đổi vài nghìn đồng”. Đại diện này cho biết thêm.
Anh Thảo, một tiểu thương bán hàng tạp hoá lâu năm tại chợ Thanh Đa (P.27, Bình Thạnh, TP.HCM), cho biết “Đường trắng đã tăng giá từ cuối tháng 11 năm 2020, và tăng dần cho đến nay, nếu trước đây đường trăng có giá 14.000đ-15.000đ/kg thì bây giờ có giá 20.000đ”.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa lý giải nguyên nhân giá đường leo thang, như sau:
Thứ nhất, mất cân đối cung cầu nội địa
Tại thị trường Việt Nam, giá đường nội địa không chỉ đang chịu ảnh hưởng bởi đà tăng giá của đường trên thế giới mà còn chịu áp lực của diễn biến thời tiết không thuận lợi khiến các vùng nguyên liệu của ngành đường bị ảnh hưởng, dẫn đến tiến độ thu hoạch, chế biến chậm lại. Trong 4 năm qua, tiêu thụ đường bình quân/người của Việt Nam đã tăng thêm khoảng 30-40%. Để đảm bảo nhu cầu ngày một tăng đáng lẽ sản xuất đường cũng phải tăng tương ứng, nhưng thực tế sản lượng đường của Việt Nam lại đang có xu hướng giảm xuống, Việt Nam vẫn thiếu hụt một lượng đường rất lớn.
Thứ hai, khó khăn nguyên liệu mía
Niên vụ 2020-2021, do xảy ra tình trạng thiếu mía nguyên liệu nên giá mía tăng cao. Những ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh Covid-19, thiên tai, hạn hán, lũ lụt… đã ảnh hưởng rất lớn nguyên liệu sản xuất đường.
Thứ ba, giá đường thế giới tăng
Giá đường đang được nâng đỡ bởi kỳ vọng kinh tế toàn cầu phục hồi nhờ vắc-xin Covid-19 và hiện trạng nguồn cung thấp ở Thái Lan và Brazil. Trong niên vụ 2020/2021, sản lượng đường của Thái Lan dự kiến sẽ giảm xuống 70 triệu tấn so với mục tiêu 75 triệu tấn vì tình hình hạn hán và số đồn điền trồng mía suy giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong khi đó, Việt Nam hiện phải nhập một lượng lớn đường để đảm bảo tiêu dùng. Do vậy, khi giá đường thế giới tăng, tất yếu sẽ kéo theo giá đường trong nước tăng lên.
Ngoài ra, một nguyên nhân nữa khá thú vị, theo nghiên cứu của các chuyên gia, hiện tượng người người "điên cuồng" làm bánh trái tại nhà đã dẫn tới việc nhu cầu đường toàn cầu mùa này còn nhiều hơn cả mùa trước, làm cho dự đoán của các nhà kinh doanh đường hàng đầu thế giới trở nên sai hoàn toàn.
Hiện tượng người người "điên cuồng" làm bánh trái tại nhà đã dẫn tới việc nhu cầu đường toàn cầu mùa này còn nhiều hơn cả mùa trước. |
Một yếu tố khác khiến giá đường Việt tăng là việc áp thuế phòng vệ thương mại. Thuế này dự kiến sẽ tạo hàng rào bảo vệ thị trường nội địa và ổn định giá đường đang ở mức thấp vì đường phá giá Thái Lan và đường lậu tăng cường thâm nhập thị trường.
Bộ Công Thương áp dụng biện pháp chống bán phá giá đường
Ngày 9/2/2021, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.
Bộ Công Thương bắt đầu điều tra vụ việc vào ngày 21 tháng 9 năm 2020 trên cơ sở kết quả thẩm định Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp CBPG, CTC của đại diện ngành sản xuất trong nước.
Trải qua gần 5 tháng điều tra theo đúng quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, Luật Quản lý ngoại thương và các quy định liên quan, Bộ Công Thương đã xem xét và đánh giá kỹ lưỡng thiệt hại của ngành sản xuất trong nước, mức độ bán phá giá và mức độ được trợ cấp của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm đường mía của Thái Lan cũng như tính toán tác động đối với các ngành sản xuất hạ nguồn và người tiêu dùng. Kết quả điều tra cho thấy ngành sản xuất đường mía trong nước đã chịu thiệt hại nặng nề trong thời gian vừa qua.
Một loạt các nhà máy đường đã phải đóng cửa, gây tác động nghiêm trọng đến việc làm của người lao động. Theo tính toán, đã có 3.300 người lao động bị mất việc làm và 93.225 hộ nông dân bị ảnh hưởng do khó khăn của ngành sản xuất trong nước. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do đường nhập khẩu được trợ cấp và bán phá giá từ Thái Lan tăng mạnh trong năm 2020, lên tới gần 1,3 triệu tấn, tăng 330,4% so với năm 2019.
Kết quả điều tra cho thấy các sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan, bao gồm đường tinh luyện và đường thô, đã được trợ cấp, bán phá giá ở mức 48,88%. Do đó, mức thuế CBPG, CTC tạm thời với các sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan là 48,88%.
Tuy nhiên, sau khi cân nhắc tác động kinh tế-xã hội theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, nhằm đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của người nông dân, ngành sản xuất, chế biến đường trong nước (gồm cả tạo điều kiện về nguyên liệu cho sản xuất), người tiêu dùng; căn cứ trên thông tin thu thập, tính toán được trong quá trình điều tra, ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các bên liên quan khác, Bộ Công Thương quyết định tạm thời thu thuế CBPG, CTC đối với đường thô có xuất xứ Thái Lan ở mức 33,88%. Mức thuế này sẽ được rà soát thường xuyên để bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng nếu có biểu hiện chuyển mạnh từ nhập khẩu đường tinh luyện, đường trắng sang nhập khẩu đường thô để lẩn tránh thuế CBPG, CTC ở mức cao hơn.
Trong thời gian tới, để đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với các bên liên quan, thẩm tra xác minh số liệu và tổ chức phiên tham vấn công khai để tất cả các bên có cơ hội bày tỏ ý kiến của mình, đồng thời đánh giá tác động toàn diện của vụ việc đến các bên liên quan. Vụ việc dự kiến sẽ kết thúc điều tra vào Quý II năm 2021.