Bị bệnh đau dạ dày không phải ăn gì cũng được. Cần phải biết cách ăn và có một chế độ ăn thật hợp lý, điều độ, điều trị bệnh đến nơi đến chốn nếu không sẽ tiến triển thành ung thư dạ dày. Vậy người đau dạ dày không nên ăn những gì để không gây hại cho sức khoẻ?
Đồ ăn mặn hoặc nhiều đường: thịt muối, các loại mứt...
Các chất làm ngọt nhân tạo sorbitol trong đồ ăn gây nên những vấn đề tiêu hóa. Chúng được tìm thấy trong các loại nước có ga hoặc một số loại kẹo có tác dụng tạo khí trong dạ dày làm đầy hơi, tiêu chảy. Khi phải tiêu hóa đồ ăn quá mặn, dạ dày cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng gây chứng ợ nóng và trào ngược dạ dày. Thực phẩm mặn được sử dụng lâu dài cũng chính là nguyên nhân làm phát triển ung thư dạ dày đấy!
Đồ uống có cồn
Rượu bia là đồ uống không thể thiếu trong dịp sum vầy đầu năm, thế nhưng người bị đau dạ dày cần đặc biệt chú ý . Rượu có tác động kích thích hệ thống tiêu hóa, làm cho dạ dày tiết ra axit nhiều hơn bình thường. Điều này tác động xấu đến niêm mạc dạ dày gây viêm, đau bụng, nôn mửa thậm chí là chảy máu dạ dày rất nguy hiểm.
Để tốt nhất cho sức khỏe, những người bị đau dạ dày nên tuyệt đối tránh dùng đồ uống có cồn. Nếu cần thiết, bạn nên ăn trước khi uống và tiêu thụ một lượng nhỏ để làm giảm tốc độ hấp thụ chất cồn của cơ thể.
Đồ uống chứa caffein
Những đồ uống thường dùng chứa caffein như trà, cafe,… gây kích thích khiến dạ dày tiết ra nhiều dịch vị. Hiện tượng này gây ra rối loạn tiêu hóa và làm nồng độ axit tăng cao ảnh hưởng xấu đến dạ dày. Trà xanh là một loại đồ uống rất tốt cho sức khỏe, nhưng chúng lại gây ra những cơn đau dạ dày cho người mắc chứng bệnh này. Bạn cũng nên liệt chúng vào danh sách đồ uống không nên dùng nếu đang gặp các vấn đề về tiêu hóa nhé!
Thực phẩm quá mát hoặc lạnh, nóng sôi
Như cua, ốc, hến, hàu, nghêu, sò… Nếu phải ăn cần thêm vài lát gừng tươi để điều hòa. Cũng cần tránh thực phẩm ướp quá lạnh hoặc thức ăn đang nóng sôi; nếu muốn dùng phải để trở về nhiệt độ 25°C – 30°C.
Thực phẩm làm tăng tiết dịch vị
Như chanh, cam, quýt, mơ, ổi, xoài xanh, khế chua, dưa muối các loại, cà chua, giấm ăn… Các loại nước trái cây có acid, nước có gas… Đặc biệt cần lưu ý không nên ăn các loại trái cây có nhiều vitamin C như cam, quýt, bưởi, nho… sau khi ăn hải sản vì không những làm mất đi chất dinh dưỡng mà còn gây khó tiêu vì các loại quả này có chứa axít nên khi tiếp xúc với protein có trong hải sản sẽ hình thành chất lắng đọng, dẫn đến khó tiêu, kích thích đường ruột gây đau bụng, nôn mửa.
Lưu ý khi ăn uống cho người bị đau dạ dày
Ăn uống không vệ sinh
Lây nhiễm trực khuẩn môn vị là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra viêm loét đường ruột. Trong số những người bị viêm loét dạ dày thì tỉ lệ do vi khuẩn này gây ra tới 70 – 90%. Vi khuẩn thường lây truyền qua đồ đựng thực phẩm, bàn chải đánh răng và nụ hôn. Ăn thực phẩm không sạch cũng là một trong những nguyên nhân lây nhiễm vi khuẩn này.
Ăn tối quá no
Theo thống kê cho thấy thì đến hơn 70% dân số không chăm chút bữa sáng mà thay vào đó là dồn cho bữa tối. Vì đặc thù, sáng phải đi làm sớm, không ăn sáng cẩn thận, đi làm cả ngày bữa trưa cũng ăn qua qua, buổi tối có thời gian đi chợ nấu nướng hơn nên sẽ tập trung ăn nhiều vào buổi tối với suy nghĩ ăn bù cho cả ngày hoặc cũng có người quen ăn thêm gì đó trước lúc đi ngủ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ, ngủ không an giấc, dễ tăng cân. Đồng thời còn có thể kích thích niêm mạc dạ dày bài tiết quá nhiều axit hydrochloric, gây bệnh đau dạ dày.
Ăn nhanh
Thức ăn sau khi vào dạ dày sẽ trải qua các giai đoạn “ngâm mềm”, nghiền nát, tiêu hoá. Nếu khi ăn nhai không kỹ, ăn nhanh nuốt vội, thức ăn chưa được nghiền nhỏ thì sẽ tăng thêm gánh nặng cho dạ dày, kéo dài thời gian lưu giữ thức ăn trong dạ dày, dẫn tới tổn thương niêm mạc dạ dày. Ngoài ra, nhai chậm, nhai kỹ có thể tăng tiết dịch tụy, từ đó làm cho dịch mật và axit hydrochloric giảm, rất có lợi cho dạ dày.
Đau dạ dày nên ăn gì?
- Thực phẩm bảo vệ niêm mạc dạ dày như: trứng, các sản phẩm từ sữa (trừ sữa chua), bánh ngọt, mật ong, chè nóng... làm đệm cho niêm mạc dạ dày, giảm kích thích.
- Thực phẩm giúp lành vết loét như: tôm, cá, bắp cải. Tôm, cá rất giàu canxi, protein và đặc biệt chứa nhiều kẽm – các chất cần thiết để lành vết loét. Bắp cải có vitamin U giúp nhanh chóng lành vết loét.
- Thức ăn giảm tiết acid như: cơm, xôi, bánh mỳ, bánh chưng, cháo, khoai luộc, thịt – cá hấp, luộc, om....tránh kích thích dạ dày tiết acid.
- Người đau dạ dày mạn tính thường thiếu vitamin, các khoáng chất do khả năng tiêu hóa và hấp thu kém, cần bổ sung thêm các loại vitamin A, B, D, K, acid folic, canxi, sắt, kẽm, magiê có nhiều trong ngũ cốc, hoa quả , rau củ màu đỏ, xanh đậm.
Ăn đúng cách cho người đau dạ dày
- Đồ ăn thái nhỏ, nấu chín kỹ, mềm làm giảm áp lực hoạt động cho chức năng tiêu hóa ở dạ dày. Luộc, hấp, om thức ăn giúp người đau dạu dày dễ tiêu hóa, hấp thu hơn các món xào, rán.
- Ăn chậm nhai kỹ để gia tăng sự bài tiết của nước bọt giúp trung hòa tính axít trong dạ dày. Tránh ăn một lần quá no khiến dạ dày căng cứng, tiết nhiều acid. Chia các bữa ăn làm nhiều lần trong ngày giúp dạ dày thường xuyên có thức ăn để trung hòa acid.
- Không ăn thức ăn khô, không nên ăn cơm chan canh để tránh nhai không kỹ, làm tăng gánh nặng cho dạ dày.
- Dùng thức ăn ấm trong khoảng 40-50 độ C giúp dễ tiêu hóa, hấp thu. Đồ ăn lạnh hoặc quá nóng làm dạ dày co bóp mạnh hơn.
- Sau ăn không nên lao động, chạy nhảy ngay.
Vân Trang