Không chỉ là lực lượng nòng cốt đi đầu trong thời chiến, mà trong thời bình, Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn giữ vai trò xung kích, đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là các tình huống cấp bách, phòng chống thiên tai, cứu nạn, cứu hộ, phòng chống dịch bệnh… Luôn xứng đáng là với tên gọi Quân đội nhân dân – từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu.
Phục vụ trong Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật, Lữ đoàn 205, Binh chủng Thông tin Liên lạc, nữ quân nhân chuyên nghiệp, Trung tá Ninh Thị Nguyệt không chỉ làm việc 8 tiếng mỗi ngày, bất cứ khi nào xảy ra tình huống kỹ thuật chị đều có mặt tại đơn vị. 25 năm trong nghề, số lần phải đến đơn vị ban đêm để khắc phục sự cố tới cả nghìn lần. Nhưng với người nữ chiến sỹ, việc đảm bảo thông tin thông suốt cho sở chỉ huy mới là quan trọng hàng đầu.
Bộ đội biên phòng tuần tra biên giới. (Ảnh: VOV) |
“Tình huống đi ban đêm đối với lính thông tin chuyện đấy là bình thường, đi xử lý sự cố thường xuyên là bình thường. Vì thông tin phải đảm bảo 24/24 phải kịp thời, phải chính xác, không có lý do gì khi có sự cố mình để đến ngày mai, mà bắt buộc phải lên đường, kể cả đêm rét, kể cả mưa tối bằng mọi cách phải lên đường, đấy là nhiệm vụ của người làm kỹ thuật thông tin.”- Trung tá Ninh Thị Nguyệt cho biết.
Đã đứng trong quân ngũ, việc sẵn sàng nhận lệnh lên đường làm nhiệm vụ bất kể nơi đâu, bất kể giờ giấc nào đã trở thành việc làm thường ngày của nghiệp nhà binh. Trong năm nay, nhân dân đã chứng kiến ngày nối ngày, tháng nối thàng bộ đội đón kiều bào về khu cách ly; hàng nghìn người lính ăn núi ngủ rừng, bám chốt ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập. Đã có hàng trăm chiến sỹ phải hoãn cưới hỏi, không thể về tang lễ người thân qua đời, không thể thăm hỏi vợ con, bố mẹ khi đau yếu… Trong mỗi cán bộ, chiến sỹ, tình cảm ruột thịt, nỗi nhớ thương luôn dồn nén, xếp ưu tiên thứ 2, sau nhiệm vụ.
Thiếu tá Nguyễn Văn Mão, đồn biên phòng bản lầu, Bộ đội biên phòng Lào Cai chia sẻ: “Các con thường hay hỏi bố ơi khi nào bố về, con nhớ bố, thì cũng động viên con là bố rất nhớ các con, khi nào hết dịch, bố thực hiện xong nhiệm vụ bố sẽ về thăm các con, các con ở nhà cố gắng học hành và ngoan, nghe lời mẹ.”
Trong khi nhiệm vụ phòng chống dịch chưa dứt, lại tiếp nối thiên tai. 5 cơn bão, lụt gây sạt lở đất liên tiếp diễn ra trong tháng 10 và tháng 11 vừa qua đã cướp đi sinh mạng của hơn 30 chiến sỹ và tướng lĩnh khi thực hiện nhiệm vụ giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai. Mặc dù hiểm nguy, hàng vạn cán bộ chiến sỹ vẫn lên đường vào vùng lũ dữ phối hợp với lực lượng địa phương cứu tính mạng và tài sản của dân, cứu trợ lương thực, thực phẩm, vệ sinh môi trường góp phần ổn định đời sống nhân dân sau lũ… Quân đội đã kịp thời tổ chức sơ tán trên 81.000 người đến nơi trú tránh an toàn, cứu sống hàng chục trường hợp bị thương… Luôn luôn đi đầu, sẵn sàng hy sinh, không ngại hiểm nguy gian khổ là phẩm chất, truyền thống tốt đẹp của quân đội nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ.
Theo GS.TS Đinh Xuân Dũng, nguyên ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương đây còn là sự tự nguyện: “Từ 75 năm qua đã trở thành một thói quen, một nề nếp và cao hơn thành một nhu cầu tình cảm của đối với nhân dân và sự tự nguyện của bộ đội đối với nhân dân. Đó là ở đâu có bom đạn, có bão tố, có lũ lụt, có hạn hán, thiếu thốn đời sống văn hóa, tinh thần, ở đó có bộ đội về sát cánh đồng hành cùng với dân.”
Bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, với người lính cứu, giúp nhân dân trong thiên tai, hoạn nạn cũng là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình. Thực tế công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cho thấy, quân đội luôn là lực lượng nòng cốt, quan trọng, xung kích đi đầu. Luôn đến với dân trong những lúc nguy cấp, về với dân trong những lúc khó khăn, đã càng tăng thêm sự gắn bó quân bền chặt./.