Những người mù làm nên lịch sử

(Ngày Nay) - Theo ước tính của tổ chức y tế thế giới WHO, hiện đang có khoảng 280 triệu người mắc khuyết tật khiếm thị trên toàn cầu, trong đó khoảng 40 triệu người bị mù và hoàn toàn chìm trong bóng tối. Nhưng bóng tối cũng là nơi những ngọn lửa có thể tỏa sáng rực rỡ nhất... 
Erik Wihenmayer đã chinh phủ đủ 7 đỉnh núi cao nhất của cả 7 châu lục
Erik Wihenmayer đã chinh phủ đủ 7 đỉnh núi cao nhất của cả 7 châu lục

Trong lịch sử, nhiều người mù và khiếm thị đã vượt lên nghịch cảnh và thậm chí còn biến nghịch cảnh thành bệ phóng cho những thành quả rực rỡ nhất của cuộc đời mình.

 Louis Braille - Nhà giải phóng tri thức cho người khiếm thị

Năm lên 3 tuổi, cậu bé người Pháp Louis Braille (1809-1852) bị mù sau khi nghịch ngợm chọc một chiếc dùi vào mắt mình. Về sau, ông đã trở thành nhà sáng chế ra hệ chữ nổi braille, cho phép người mù đọc bằng sờ vào những chấm nổi biểu thị cho các chữ cái. Sáng chế này đã thay đổi cuộc đời của người khiếm thị trên khắp thế giới và vẫn được sử dụng cho đến ngày nay.

Những người mù làm nên lịch sử ảnh 1

Nếu không phải vì tai nạn thủa nhỏ của mình, Louis Braille có thể đã không bao giờ phát minh ra phương pháp đọc này, và người mù có thể đã không có dịp thưởng thức một cuốn tiểu thuyết hay, hoặc có cơ hội tự học tập nghiên cứu qua sách báo.

Helen Adam Keller - Người tìm kiếm liều thuốc cho sự vô cảm

Helen Adams Keller (1880 - 1968) là một nhà văn, nhà giáo và nhà hoạt động xã hội Mỹ nổi tiếng thế giới. Bà cũng là người mù đầu tiên tốt nghiệp đại học.

Những người mù làm nên lịch sử ảnh 2

Khi được 19 tháng tuổi, một trận sốt viêm màng não đã lấy đi của cô bé Helen Keller gần như tất cả các khả năng giao tiếp của một con người: không nhìn thấy ánh sáng, không nghe thấy âm thanh. Cô bé sống trong thế giới câm lặng u tối của mình trong suốt những năm đầu cuộc đời, cho tới khi gặp Anne Sullivan, một cô gia sư 20 tuổi.

Trong suốt gần nửa thế kỷ sau đó, cô Sullivan đã là người thầy, người bạn song hành bên Helen. Cô Sullivan dạy những chữ đầu tiên bằng cách viết lên lòng bàn tay cô bé, trở thành tai và mắt của Helen trong gần hơn 15 năm tới trường và suốt những năm tháng sau đó, cho tới tận khi Sullivan qua đời. Cô gia sư tận tụy đã dành cả cuộc đời làm bệ phóng cho Helen Keller vươn tới sự nghiệp rạng rỡ trong vai trò một diễn giả và một cây bút nổi danh tầm cỡ thế giới.

Helen Keller cũng là nhà hoạt động chính trị xuất sắc đấu tranh cho nữ quyền, quyền công nhân và chủ nghĩa xã hội cũng như các hoạt động tiến bộ khác. Vào năm 1920, Keller đã sáng lập ra Liên minh Tự do công dân Mỹ. Bà cũng là nhà sáng lập của Tổ chức quốc tế Helen Keller, một tổ chức đang chống mù lòa và bảo vệ thị lực cho trẻ em nghèo ở Hoa Kỳ và người nghèo ở 20 quốc gia châu Phi và châu Á.

Helen Keller từng nói rằng: “Chúng ta có thể đã chữa trị được hầu hết mọi bệnh tật; nhưng chúng ta vẫn chưa tìm ra liều thuốc cho căn bệnh tồi tệ nhất: sự vô cảm của con người”. Liều thuốc đó là thứ bà đã tìm kiếm và bào chế không mệt mỏi trong suốt cuộc đời mình.

Harriet Tubman - Điệp viên vì Tự do

Harriet Tubman (1820 - 1913) sống đời nô lệ suốt thời thơ ấu, bị đối xử như động vật cho tới khi trốn thoát khỏi tay chủ nô. Ngày từ nhỏ, bà đã bị động kinh và khiếm thị sau khi bị một vật kim loại dùng để tra tấn nô lệ văng trúng vào đầu.

Những người mù làm nên lịch sử ảnh 3

Sau khi trốn thoát sang Canada, bà đã không ở lại để hưởng thụ tự do mà tìm cách quay trở lại nước Mỹ để tham gia vào một mạng lưới bí mật giải cứu cho hàng trăm nô lệ da đen khác. Trong suốt cuộc Nội chiến Hoa Kỳ sau đó, Harriet đã làm nhiệm một điệp viên của phe Liên bang, góp phần vào cuộc chiến xóa bỏ chế độ nô lệ tàn ác tại đất nước này.

Sau chiến tranh, bà Tubman đi khắp các thành phố bờ Đông để diễn thuyết ủng hộ trao quyền bầu cử cho phụ nữ, dựa trên kinh nghiệm chiến đấu chống lại chủ nghĩa nô lệ. Bà trở thành tiếng nói mạnh mẽ của phong trào này.

Năm 2016, Bộ Tài chính Hoa Kỳ tuyên bố sẽ in hình Harriet Tubman lên tờ tiền 20 đô la, vào đúng vị trị trước đây in chân dung cố tổng thống Andrew Jackson - một chủ nô.

Joseph Plateau - Cha đẻ của điện ảnh

Joseph Plateau (1801-1883) là nhà vật lý người Bỉ. Năm 1836, ông phát minh ra máy hoạt nghiệm, một dụng cụ được cấu tạo từ hai đĩa tròn, một đĩa có trổ các cửa sổ nhỏ để người xem có thể nhìn qua, đĩa kia chứa một chuỗi hình ảnh. Khi hai đĩa được xoay với một tốc độ nhất định, các cửa sổ nhỏ và chuỗi hình ảnh sẽ đồng bộ hóa, tạo ra hiệu ứng hình ảnh động.

Những người mù làm nên lịch sử ảnh 4

Phát kiến này chính là phôi thai đánh dấu sự ra đời của nghệ thuật điện ảnh sau này. Do đam mê tìm hiểu về hiện tượng lưu ảnh trên võng mạc, ông đã tiến hành thí nghiệm nhìn thẳng vào mặt trời mà không chớp mắt trong 25 giây đồng hồ. Điều này khiến ông mất đi thị lực sau đó.

Claude Monet - Thăng hoa đến phút cuối cùng

Claude Monet (1840 - 1926) là họa sĩ lừng danh của Pháp, cha đẻ của trường phái hội họa ấn tượng - trường phái cho phép người nghệ sĩ thể hiện rõ nét nhận thức, xúc cảm của bản thân trước các sự vật, hiện tượng thiên nhiên, đặc biệt là phong cảnh.

Những người mù làm nên lịch sử ảnh 5

Năm 1907, khi ở đỉnh cao của sự nghiệp, Monet bắt đầu mất dần thị lực. Nhưng ông vẫn không ngừng vẽ cho tới khi gần như không còn nhìn thấy gì.

Vào thập kỷ cuối cùng của cuộc đời mình, khi phải chính thức thừa nhận rằng "vẽ đã trở thành việc tra tấn", ông vẫn cố gắng trong vật vã để hoàn thành 22 tuyệt phẩm bích họa hoa súng nước tặng cho một bảo tàng ở Paris.

Esref Armagan -  Họa sĩ không mắt

Esref Armagan (1953 - hiện tại) là một họa sĩ mù lòa gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Ông không chỉ mù bẩm sinh mà còn ra đời trong nghèo khổ.

Những người mù làm nên lịch sử ảnh 6

Suốt thời thơ ấu và trưởng thành, Armagan không được đến trường mà phải mày mò tự học đọc, học viết và học vẽ. Ông tự phát triển một phương pháp vẽ của riêng mình, sử dụng ngòi bút tù để phác thảo đường nét và dùng ngón tay để tô màu cho tác phẩm.

Họa sĩ Armagan là một nhân vật quan trọng trong lịch sử hội họa, cũng như lịch sử tri thức con người. Ông là người đầu tiên chứng minh rằng người mù có thể tự phát triển phương pháp và kỹ năng hội họa ngang bằng với người sáng mắt. Chính bởi năng lực vô tiền khoáng hậu này, ông đã trở thành đối tượng nghiên cứu của một số công trình nghiên cứu tâm lý học tầm cỡ quốc tế.

Andrea Angel Bocelli - Giọng ca thiên thần

Andrea Angel Bocelli (sinh năm 1958) là một giọng ca tenor người Italia, người đã thu âm trên 20 album nhạc pop và nhạc cổ điển cùng với 7 vở opera. Ông đã bán được hơn 65 triệu album trên khắp thế giới.

Những người mù làm nên lịch sử ảnh 7

Từ khi ra đời, Andrea Bocelli đã bị suy giảm thị lực do bệnh thiên đầu thống. Đến năm 12 tuổi, ông bị mù hoàn toàn sau một tai nạn trong một trận đá bóng. Từ nhỏ, Bocelli đã thể hiện một niềm say mê lớn đối với âm nhạc. Năm lên 6, ông bắt đầu học đàn dương cầm, sau đó là sáo, kèn saxophone, kèn trumpet, trombone, đàn hạc, đàn guitar và trống. Bocelli từng song ca với những nghệ sĩ vĩ đại như Pavarotti.

Đối với Bocelli, âm nhạc là đam mê nhưng trên hết, đó là cách đem lại giá trị cho đời. Ông từng nói “Tôi không nghĩ rằng một ca sĩ lựa chọn việc ca hát, mà chính người nghe là người lựa chọn ai sẽ hát bằng cách thể hiện phản ứng của họ”.

Stevie Wonder - Vua Grammy

Stevie Wonder (sinh năm 1950) bị sinh non và phải nằm lồng ấp. Nồng độ khí oxy quá cao trong lồng ấp đã khiến ông bị rối loạn tăng sinh ở võng mạc, dẫn đến mù lòa. Nhưng cuộc sống trong bóng tối đã nuôi dưỡng nhạc cảm thiên bẩm, giúp ông trở thành một nhạc sĩ, ca sĩ, nhà sản xuất âm nhạc huyền thoại, hình tượng nổi bật của âm nhạc đại chúng nửa sau thế kỷ XX.

Những người mù làm nên lịch sử ảnh 8

Stevie Wonder đã có hơn 30 ca khúc trong bảng xếp hạng top ten của Mỹ, giành được 22 giải thưởng Grammy và một Giải thưởng Hàn lâm cho ca khúc hay nhất.

Tạp chí âm nhạc Rolling Stone xếp ông hàng thứ 9 trong số các ca sĩ vĩ đại nhất của mọi thời đại.

Erik Wihenmayer - Tìm ánh sáng nơi nóc nhà thế giới

Erik Wihenmayer (sinh năm 1968) trở thành người mù đầu tiên chinh phục đỉnh núi Everest khi đặt chân lên nóc nhà thế giới vào ngày 25/5/2001. Anh cũng đã chinh phủ đủ 7 đỉnh núi cao nhất của cả 7 châu lục vào tháng Chín năm 2002.

Những người mù làm nên lịch sử ảnh 9

Bên cạnh đam mê leo núi, Wihenmayer còn tham gia hàng loạt các môn thể thao khác như nhào lộn trên không, đạp xe đường trường, chạy marathon, trượt tuyết, leo băng và leo vách đá.

Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.