Những nụ hàm tiếu năm nào…
Điều khiến tôi cảm thấy thích thú xen lẫn chút ít tự hào là trong cuộc đời làm báo của mình đã được dự đủ cả 10 lần Gặp gỡ Việt Nam – những cuộc gặp trải dài hơn 2 thập niên.
Gặp gỡ Việt Nam lần I diễn ra tại Nhà khách Bộ Quốc phòng ở 33A phố Phạm Ngũ Lão, chênh chếch phía sau Nhà hát Lớn vào cuối năm 1993. Trời rét căm căm, gió mùa Đông Bắc tràn về, xao xác những vòm sấu, vòm me trên phố hè Hà Nội…
Dạo đó nước ta chưa thoát khỏi cảnh túng thiếu của thời kỳ bao cấp kéo dài. Việt Nam lại còn bị bao vây, cấm vận. Hà Nội chưa làm gì có nhiều khách sạn năm sao, hào hoa, lộng lẫy như hôm nay. “Khách sạn bao cấp” lắm gián, nhiều muỗi, có cả… chuột cống chạy ngang qua phòng ngủ!
Nhà khách Bộ Quốc phòng là nơi “sang” nhất để có thể đón các vị khách nước ngoài, trong đó có Jack Steinberger – giải Nobel. Sau cuộc gặp, ông gửi thư đề nghị Tổng thống Bill Clinton dỡ bỏ lệnh cấm vận vì Việt Nam đang đổi mới, sẵn sàng làm bạn với Mỹ.
Từ trái sang: nhà vật lý Đàm Thanh Sơn, Lưu Lệ Hằng và Nguyễn Trọng Hiền |
Năm 1993, nước ta và Mỹ chưa lập quan hệ ngoại giao. Muốn đến Hà Nội, J.Steinberger và nhiều nhà vật lý phương Tây khác phải ghé qua Paris hay Bangkok, làm visa tại Đại sứ quán Việt Nam ở đấy.
Nhiều khi là thế vì tình bạn cố “cố tri”, hàng trăm nhà vật lý Mỹ và phương Tây vẫn tới Hà Nội, do nể lời mời của GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội gặp gỡ Việt Nam.
TS Đàm Thanh Sơn và TS Nguyễn Trọng Hiền đều có mặt ngay từ cuộc gặp đầu tiên ấy. Anh Sơn năm đó mới 24 tuổi, quê ở Bắc Ninh; còn anh Hiền 30 tuổi, quê Đã Nẵng. Báo cáo của 2 anh chính là bản luận án tiến sĩ sắp bảo vệ. Anh Sơn trở về nước từ Viện Nghiên cứu Hạt nhân Moskva, giới thiệu với hội nghị một cách nhìn mới đối với cấu trúc hạt nhân nguyên tử.
Anh Hiền làm việc cho NASA, trở về từ Đại học Priceton. Bản báo cáo của anh nêu lên những kết quả mới và lạ, vừa thu được sau chuyến khảo sát dài ngày tại châu Nam Cực. Ta cần phân biệt rạch ròi hai khái niệm: Nam Cực (South Pole) tức là điểm cực Nam trên trục quay của trái đất; còn châu Nam Cực (Antarctica) là lục địa bao la với diện tích 14 triệu km2 (rộng hơn châu Âu) mà 98% bề mặt bị phủ dưới một lớp băng dày, chỗ “mỏng” nhất cũng… 1,9 km! Đó là lục địa lạnh – 100 độ C , không có cư dân bản địa; chỉ tại một, vài nơi “ấm áp” như vịnh Ross, mới thoáng thấy chim cánh cụt bắt cá ăn.
Anh Hiền dẫn đầu một nhóm nghiên cứu của NASA bám trụ tại đấy để thám trắc bức xạ nền vi ba vũ trụ (cosmic microwave background radiation), bởi vì tại lục địa này, không khí rất khô, bức xạ vi ba dễ lan truyền; đêm lại dài tới…6 tháng! Suốt 24 giờ, lúc nào vòm trời cũng đầy sao, tha hồ mà quan sát.
Gặp gỡ Việt Nam lần II diễn ra tại Hội trường Thống Nhất (TP HCM) vào cuối tháng 10 – 1995. Lúc đó, nếu tạt ra Bình Thuận thì có thể quan sát nhật thực toàn phần, cho nên số nhà vật lý tới dự đông hơn: 220 người thuộc 40 quốc tịch.
Hai anh Sơn và Hiền chẳng bỏ lỡ dịp đó. Và, lần ấy, còn có thêm một gương mặt mới: chị Lưu Lệ Hằng (tức Jane Luu). Chị sinh năm 1963 tại Sài Gòn nhưng quê nội, ngoại ở Nam Định, Hải Phòng. Bảo vệ luận án tiến sĩ năm 26 tuổi, chị trở thành phó giáo sư của Đại học Harvard danh tiếng. Đã ngoài 30 nhưng trông chị trẻ và “bụi” như một cô sinh viên năm cuối, áo thun vàng chanh, quần jeans lam thẫm, giày thể thao trắng, tóc cắt ngắn…
Bản báo cáo của Jane Luu cho biết: David Jewitt và chị vừa khám phá mấy chục tiểu hành tinh ở vành đai Kuiper, xa tít phía ngoài Hải Vương Tinh; và một tiểu hành tinh trong số đó được thế giới đặt tên là 5430 Luu, theo họ Lưu của chị.
Hai thập niên sau…
Từ đấy đến nay, hai anh Sơn, Hiền cùng tôi đều đặn dự Gặp gỡ Việt Nam. Anh Hiền và tôi còn đến vùng thung lũng sông Loire ở miền Trung nước Pháp dự Gặp gỡ Blois về vật lý thiên văn, cũng do GS Trần Thanh Vân chủ trì. Rồi anh nhận lời mời hàng năm về nước vào dịp hè, giảng bài cho chương trình vật lý tiên tiến tại Đại học Huế.
Tháng 8 – 2013, chị Hằng cũng đã nhận lời mời của GS Vân về Quy Nhơn (Bình Định) dự lễ khai trương Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành nhưng rất tiếc đến phút chót do việc riêng bất ngờ, chị không về được. Tôi không thể chuyện trò cùng chị, đành trao đổi Email.
Có thể nói, suốt 2 thập niên qua, không một thành công khoa học nào của mấy anh chị ấy mà tôi không theo dõi. Ngày 29 - 4 – 2014, Đàm Thanh Sơn được Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia (National Academy of Sciences/NAS) của Mỹ bầu làm viện sĩ, sau khi có sự phản biện kĩ càng của các nhà vật lý hàng đầu. NAS thành lập năm 1863, vào thời Tổng Thống Abraham Lincoln, hiện có 2.200 viện sĩ. 200 viện sĩ của NAS từng đoạt giải Nobel, thể hiện rõ chất lượng viện sĩ của viện này.
Nhớ lại, đầu năm 2005, P.K.Kovtun, D.T.Son và A.O.Starinets công bố công trình về một mô hình lỗ đen lỏng trong không gian 10 chiều, trên Physical Review các tác giả tiên đoán trạng thái vật chất từng tồn tại trong 10 micro giây đầu tiên của cũ trụ là một chất lỏng gần như lí tưởng có tỉ số độ nhớt với mật độ entropy là một hằng số (về sau gọi là hằng số KSS) chỉ liên quan với các hằng số cơ bản Planck và Boltzmann.
Tiên đoán lý thuyết của nhóm KSS được các trung tâm thực nghiệm lớn ở Mỹ như RHIC và Duke kiểm tra, xác nhận là đúng. Tháng 5-2010, tạp chí Physics today của Hội vật lý Mỹ in 3 bài trong cùng 1 số, ca ngợi công trình của nhóm KSS – một điều hiếm thấy.
Năm 2014, anh Hiền cũng đã gặt hái được thành công lớn. “Tuổi” của vũ trụ hiện là 13,798 tỉ năm. Một lý thuyết, nigh rất “khó tin”, cho rằng vũ trụ của chúng ta sinh ra từ Vụ Nổ Lớn (Big Bang). Một lý thuyết khác, còn “khó tin” hơn, là Thuyết Lam phát (Inflation Theory). Theo thuyết này thì vũ trụ bùng lên từ hư không (nothing) hay chính xác hơn là từ một điểm kỳ dị (singulatity) có kích thước nhỏ hơn hạt nhân nguyên tử, nổ tung với vận tốc lớn hơn vận tốc ánh sáng, trong một khoảnh khắc cực ngắn, chừng một phần… tỉ tỉ tỉ giây! Như vậy, vũ trụ không phải là hằng hữu, từ thuở nào vẫn thế, mà là vô thường, luôn biến động.
Nhóm BICFP2 thuộc Trung tâm Thiên văn Harvard – Smithsonian mà anh Hiền là một thành viên muốn tìm chứng tích cho Thuyết lạm phát, qua quan chắc bức xạ nền ở châu Nam Cực; và họ đã làm việc tại đấy nhiều lần, có lần tới nửa năm.
Sau hơn 20 năm nhọc nhằn quan trắc, tháng 3 – 2014, BICEP2 công bố tại Đại học Harvard một kết quả vang dội đã ghi lại được hình ảnh sóng hấp dẫn như Albert Einstein thiên tài từng tiên đoán, trong khoảnh khắc đầu tiên của vũ trụ, tác động lên bức xạ “hoá thạch”- một khám phá được coi xứng đáng với giải Nobel.
Tôi cũng muốn nhắc tới thành công sáng chói của chị Jane Luu, dù không còn “sốt dẻo” nữa. Ngày 31 – 5 – 2012, tại Oslo (Na Uy), Viện Hàn lâm Khoa học Na Uy cho biết: David Jewitt, Jane Luu và Michael Brown được tặng giải Kavli vì đã khám phá ra vành đai Kuiper, làm rõ hơn lịch sử Hệ Mặt trời. Giải Kavli được coi là “Nobel thiên văn học”, kèm theo số tiền 1 triệu USD.
Trước đó, chiều 29 – 5 – 2012, tại Hồng Kong, Quỹ Shaw cũng thông báo: David Jewitt và Jane Luu được tặng giải Shaw, được coi là “Nobel phương Đông”, cũng kèm theo 1 triệu USD.
Ba nhà vật lý trẻ năm nào – Đàm Thanh Sơn, Nguyễn Trọng Hiền và Lưu Lệ Hằng – đã và đang làm rạng danh cho Hội Gặp gỡ Việt Nam cũng như cho đất Việt yêu dấu ngàn năm.
Theo Báo Lao Động