Theo Đông Y, thịt gà có tính ôn ngọt, không độc, bổ dưỡng, lành mạnh phổi. Loại thịt này còn chữa băng huyết, xích bạch đới, lỵ, ung nhọt, là loại thực phẩm bổ âm cho tỳ vị, bổ khí, huyết và thận.
Theo các nhà dinh dưỡng học, ngoài những chất albumin, chất béo, thịt gà còn có các vitamin A, B1, B2, C, E, axit, canxi, photpho, sắt. Đây là loại thực phẩm chất lượng cao, cơ thể con người dễ hấp thu và tiêu hoá.
Ngoài ra, hàm lượng protein và phức hợp của amino axit trong thịt gà có ảnh hưởng tích cực đến não bộ, làm phấn chấn tinh thần, giảm sự lo lắng, stress cũng như có tác dụng cải thiện huyết áp và nhịp tim.
Đặc biệt, thịt gà có tác dụng bồi bổ cao cho người bị bệnh lâu ngày, dạ dày bị phong hàn, suy yếu không hấp thu được thức ăn. Ngoài bổ khí huyết, thịt gà còn giúp trừ phong.
Mặc dù thịt gà rất ngon và bổ dưỡng nhưng nếu chế biến sai cách sẽ làm mất dinh dưỡng trong thịt gà, thậm chí gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe của bạn.
Những điều cần tránh khi chế biến thịt gà:
1. Rửa thịt gà không đúng cách
Theo một kết quả khảo sát trực tuyến do Cơ quan tiêu chuẩn thực phẩm (FSA) thực hiện với 4.500 người trưởng thành tại Anh cho thấy, 44% số người được hỏi có thói quen rửa thịt gà trước khi nấu.
Tuy nhiên ít ai biết, việc làm này có thể khiến vi khuẩn Campylobacter có cơ hội lan rộng ra tay, các bề mặt, quần áo và dụng cụ nhà bếp do nước rửa thịt bắn ra ngoài.
Được biết vi khuẩn Campylobacter là nguyên nhân thường xuyên gây ra các ca ngộ độc thực phẩm ở Anh. Phần lớn các trường hợp là do thịt gia cầm bị nhiễm khuẩn. Các triệu chứng bao gồm: Tiêu chảy, đau bụng, sốt, mệt mỏi.
Những người mắc bệnh sẽ hết trong vài ngày, nhưng có thể loại vi khuẩn này ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài. Vi khuẩn Campylobacter cũng có thể gây chết người, đối tượng có nguy cơ cao nhất là trẻ em dưới năm tuổi và người già.
Để hạn chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ vi khuẩn campylobacter, người tiêu dùng chọn mua thịt gà đã qua sơ chế tại các cơ sở có uy tín. Sau khi mua có thể nấu ngay mà không cần rửa lại, hạn chế tiếp xúc với thịt gà sống.
2. Không bỏ phổi trong thịt gà
Phổi gà rất dễ có các ký sinh trùng sinh sống như giun sán, vi khuẩn kháng nhiệt, ưa nhiệt... nấu chín cũng không thể loại bỏ được chúng. Do đó, cần tuyệt đối không ăn phổi gà.
Những điều kiêng kị khi ăn thịt gà:
1. Không ăn cùng cá chép
Thịt gà vị cam ôn, cá chép vị cam hàn. Ăn chung 2 loại thực phẩm này với nhau sẽ sinh chứng mụn nhọt hoặc phát trường ung.
2. Không ăn cùng tôm
Cả 2 loại thực phẩm đều có tính cam ôn, nếu ăn cùng nhau sẽ dễ động phong, sinh ngứa ngáy khắp người.
3. Không ăn cùng muối vừng và kinh giới
Tính về tính vị, muối vừng vị ngọt có tác dụng dưỡng can, dưỡng huyết khu phong, kinh giới vị cay, tính ấm, tác dụng ngăn không cho phong khí tụ, hạ ứ huyết.
Nếu 2 loại thực phẩm trên ăn cùng thịt gà sẽ sinh chứng chóng mặt, ù tai, run khắp người, cảm giác ngứa ngáy trong não.
4. Không ăn cùng tỏi, rau cải, hành sống
Đông y cho rằng thịt gà với tỏi, rau cải và hành sống kỵ nhau. Tỏi thì đại nhiệt, rau cải và hành sống cam hàn, trong khi đó thịt gà lại vốn cam ôn.
Bởi vậy những thực phẩm này khi phối hợp với nhau sẽ sinh ra hiện tượng hàn nhiệt giao tranh, có thể gây ra những tổn thương khí huyết cho người ăn nếu ăn nhiều.
5. Không ăn cùng thịt chó và gan chó
Thịt chó và gan chó có tính đại nhiệt trong khi thịt gà tính cam ôn. Nếu kết hợp 2 loại với nhau sẽ gặp chứng úng khí mà sinh kiết lỵ. Nếu đã trót ăn cùng nhau mà gặp bệnh trên thì uống nước cam thảo để giải độc.
Quỳnh Mai (T/H)