Cụ thể, công cụ sẽ cho phép Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) quyền truy cập vào thông tin hồ sơ đầy đủ của tài khoản mạng xã hội thuộc các đối tượng tình nghi. Trong đó bao gồm các thông tin như số căn cước (ID), email, địa chỉ IP, số điện thoại và lịch sử truy cập mạng xã hội. Ngoài ra, nó cũng cho phép FBI theo dõi từ khóa và vị trí của mọi người sử dụng mạng xã hội.
Theo bản đề nghị mời thầu (RFP) của FBI, "việc khai thác mạng xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc giúp FBI phát hiện, điều tra và bóc tách các mối đe dọa ngày càng phức tạp đối với các lợi ích quốc gia của Mỹ”.
Theo Engadget, công cụ này cũng có thể sẽ là một phát súng vào nền tự do dân chủ vốn đang là niềm tự hào của người Mỹ, bất chấp việc FBI trấn an rằng, “công cụ này đảm bảo sẽ tuân thủ và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về quyền tự do dân chủ”. Tất nhiên, việc giám sát các phương tiện truyền thông xã hội ít nhiều giúp giảm bớt các mối đe dọa tiềm tàng. Ngoài FBI, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cũng đã đầu tư rất nhiều vào các công cụ giám sát mạng xã hội của riêng họ. Nhưng vấn đề là các công cụ “nhạy cảm” như thế này rất dễ bị những người có quyền lực lạm dụng và qua đó vi phạm quyền tự do dân chủ.
Hiện chính quyền Mỹ được cho là đã có nhiều “vết đen” trong việc giám sát các phương triện truyền thông xã hội. Đầu năm nay, Liên đoàn Tự do dân sự Mỹ (ACLU) đã kiện chính phủ nước này về việc sử dụng công cụ giám sát truyền thông xã hội với người nhập cư, sau khi chính quyền ông Trump đề xuất cho phép các quan chức an ninh nước này “rình mò” các tài khoản mạng xã hội của những người khuyết tật nhận trợ cấp an sinh xã hội.