Áp phích, tranh tường và tấm billboard rực rỡ xuất hiện tại các bến xe buýt, ga tàu điện ngầm và trên các tòa nhà nổi bật trên khắp Thành phố New York vào mùa xuân năm 2021. Đây là một phần của dự án do Ủy ban Nhân quyền Thành phố ủy quyền có tên “I still believe in our city" (Tôi vẫn tin tưởng thành phố này), và Phingbodhipakkiya là một trong hai nghệ sĩ thuộc Ủy ban.
Phingbodhipakkiya từng là nhà khoa học thần kinh người Mỹ, sinh ra ở Atlanta, lai giữa hai dòng máu Thái Lan và Indonesia. Từ lâu, Phingbodhipakkiya đã có danh tiếng cao trong thế giới nghệ thuật, những khám phá của cô về nữ quyền, khoa học và cộng đồng thường vượt ra ngoài khuôn khổ các phòng trưng bày và phương tiện truyền thông, để xuất hiện tại các cuộc biểu tình và mít tinh, cũng như trên nóc các tòa nhà, đường hầm, cao tốc. Vào tháng 8/2020, cô được trao danh hiệu Nghệ sĩ Công chúng tại thành phố New York thông qua một chương trình liên kết các nghệ sĩ với những tổ chức trong thành phố từ năm 2015.
Cách Phingbodhipakkiya sử dụng nghệ thuật để phản ứng lại trước sự gia tăng thái độ căm ghét chống người châu Á kể từ khi bùng phát đại dịch COVID-19 đã mang lại một lượng khán giả lớn hơn nhiều so với trước: “I Still Believe In This City” đã được một loạt các phương tiện truyền thông lớn đưa tin, bao gồm cả trang bìa của tạp chí Time nổi tiếng, phản ánh một nhận thức mới về sự tức giận và bạo lực đối với người Mỹ gốc Á.
Người dân thành phố New York đi ngang qua ga tàu điện ngầm Atlantic Avenue-Barclays Center có thể chiêm ngưỡng các bức chân dung của người da đen, châu Á và Đảo Thái Bình cùng thời những thông điệp chống lại nạn phân biệt chủng tộc.
Màu sắc của các tác phẩm nghệ thuật đại chúng này truyền đạt sự tích cực và lạc quan, nhưng phần khẩu hiệu, biểu ngữ đi kèm mang đến cho người xem một góc nhìn khác, chứa thông tin về bối cảnh đen tối hơn đã truyền cảm hứng cho những tác phẩm này, chẳng hạn như “This is our home too” (Nơi đây cũng là nhà của chúng tôi), “I am not your scapegoat" (Tôi không phải đối tượng chịu trận của bạn) và "I did not make you sick" (Tôi không hề khiến bạn ốm). Khẩu hiệu thứ ba phản ánh việc nhiều người buộc tội cộng đồng châu Á và gốc Á sống tại New York phải chịu trách nhiệm chính trong việc phát tán COVID-19.
Nghệ sĩ Phingbodhipakkiya nói rằng những nhân vật được miêu tả trong các áp phích và tranh tường đại diện cho “những người kiên cường, đầy hy vọng, khi đối mặt với những cuộc tấn công khủng khiếp chống lại cộng đồng" của họ.
Nghệ thuật và quyền con người
Nghệ thuật như của Amanda là một cách quan trọng để bắt đầu những cuộc trò chuyện khó khăn, giúp kết nối những trải nghiệm sống, để chúng ta có thể tiếp cận và chạm vào các cộng đồng khác nhau.
Ông Derrik León Washington, một nhà nhân học văn hóa
Washington rất tán thưởng triển lãm nghệ thuật của Amanda Phingbodhipakkiya, tin rằng nghệ thuật đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy quyền con người. Theo ông, các tác phẩm nghệ thuật này “nói lên sự thách thức của người Mỹ gốc Á khi đối mặt với bạo lực chống lại người châu Á". Tuy nhiên, đây không chỉ là câu chuyện của New York hay Hoa Kỳ, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cũng đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về sự gia tăng các vụ tấn công tương tự trên toàn thế giới.
Tác phẩm từ “I Still Believe in Our City” bao gồm các đoạn văn tường thuật về những vụ phân biệt chủng tộc, ga tàu ngầm the Atlantic Avenue. Ảnh: Amanda Phingbodhipakkiya. |
Chuỗi tác phẩm cũng khắc họa chân dung của người da đen, đồng thời cũng là lời kêu gọi chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc đế chế hóa.
Khi nhìn vào những gương mặt của người châu Á và người da đen đầy cương quyết, mạnh mẽ, đọc được về những bất công mà họ đã và đang đối diện, bạn sẽ không thể nào không nhìn nhận ra vấn đề.
Các tác phẩm nghệ thuật của tôi luôn làm sáng tỏ những thứ không được nhìn thấy. Tôi đã khám phá mọi thứ từ vũ trụ hiển vi cho đến không gian vũ trụ, cũng như những thứ không thể được nhìn nhận qua con mắt trần tục. Tôi nghĩ rằng những khó khăn trong cộng đồng da màu thường không được nhìn nhận nghiêm túc.
Amanda Phingbodhipakkiya
Bà Carmelyn Malalis, chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Thành phố New York cho biết phân biệt chủng tộc tại thành phố không phải là một hiện tượng mới xuất hiện. “Tất cả chúng ta đều có những câu chuyện từ thời trẻ của mình (về vấn nạn phân biệt chủng tộc), nhưng đúng là năm ngoái đặc biệt tồi tệ do đại dịch xảy ra.”
Bà Malalis chỉ ra rằng mức độ căm ghét nhắm vào người châu Á gia tăng diễn ra trong bối cảnh gia tăng mọi hình thức phân biệt chủng tộc ở New York và rất nhiều thành phố, quốc gia khác.
Trong năm qua, phong trào Black Lives Matter đã đấu tranh vì (sự phân biệt chủng tộc nhắm vào) người da đen, và bây giờ các hình thức thù địch nhằm vào người châu Á, cũng như các hình thức bài ngoại khác đã lan rộng. Đây là một thành phố rất đa dạng, và chúng tôi muốn thấy sự đoàn kết giữa tất cả các cộng đồng khác nhau.
Bà Carmelyn Malalis, chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Thành phố New York
Mong chúng ta biết sức mạnh của chính mình
Cùng lúc với các tác phẩm nghệ thuật “I still believe in our city” đang được trưng bày ở thành phố New York, nghệ sĩ Phingbodhipakkiya cũng cho ra đời một tác phẩm khác, trầm lắng hơn, cũng phối hợp với Ủy ban Nhân quyền NYC, mang tên “May we know our own strength" (Mong chúng ta biết sức mạnh của bản thân). Ý tưởng hình thành sau vụ xả súng hàng loạt vào tháng 3/2021, dẫn đến cái chết của 8 người, 6 trong số đó là phụ nữ gốc Á.
Những người sống sót sau vụ hành hung và các hình thức lạm dụng khác đã gửi câu chuyện của mình một cách ẩn danh, thường là những trải nghiệm cá nhân mang màu sắc tăm tối. Những câu chuyện sẽ được in lên những dải giấy, đồng thời kích hoạt các bóng đèn sợi đốt. Phingbodhipakkiya sau đó đã "dệt" những câu chuyện thành những tác phẩm treo đầy tinh xảo và ngập tràn ánh sáng. Nghệ sĩ đã tạo ra một nơi để người dân New York tụ tập và chia sẻ những tội lỗi, bí mật và đau khổ tiềm ẩn của bản thân. Đây là không gian cho sự tổn thương và chữa lành.
Phingbodhipakkiya hy vọng cuộc triển lãm đã giúp những nạn nhân giải phóng gánh nặng, chuyển đổi nỗi đau và mất mát từ những câu chuyện thành “một con đường mới cho hòa bình", một con đường mới chờ đón họ ở phía trước.
Câu chuyện của những nạn nhân được in trên giấy... |
... và trở thành các tác phẩm nghệ thuật. |