Ông chủ Trường Hải auto và ước mơ phổ cập ô tô tới người dân

“Tôi xuất thân là một kỹ sư cơ khí, làm nên Trường Hải từ hai bàn tay trắng. Tôi là con người của kỹ thuật, nên có rất nhiều việc phải làm. Chỉ biết làm để có kết quả tốt nhất”. Đó chính là tâm nguyện của doanh nhân Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn Ô tô Trường Hải.
Ông chủ Trường Hải auto và ước mơ phổ cập ô tô tới người dân

Năm 2002, khi làn sóng mở xưởng lắp ráp ô tô được nhiều doanh nghiệp trong nước lao vào với kiểu "khó đến đâu, vá đến đó", miễn sao nhanh ra thành phẩm để thu tiền, thì buổi thuyết trình bài bản về Khu công nghiệp Ô tô Chu Lai, quy mô ban đầu cỡ 50 ha, mà ông Trần Bá Dương và ban lãnh đạo tỉnh Quảng Nam mang ra Hà Nội gây bất ngờ lớn với những người quan tâm.

Nhiều người nghe xong vẫn chưa thể thôi nghĩ rằng "làm xe tải, xe bus đâu cần đầu tư lớn vậy", nhất là khi nhiều liên doanh ô tô vào Việt Nam trước đó vẫn cứ viện lý do thị trường chưa đủ lớn để đầu tư cơ bản, chỉ nhanh chóng bán xe, nhanh chóng thu tiền.
Ông chủ Trường Hải auto và ước mơ phổ cập ô tô tới người dân - anh 1

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn Ô tô Trường Hải.

Đam mê không ngừng nghỉ

Chưa bao giờ ông kể về mối lương duyên gắn đời mình với nghiệp làm ô tô. Nhưng với những người thân quen, hình ảnh anh kỹ sư cơ khí tốt nghiệp Đại học Bách khoa rồi xin vào làm ở nhà máy đại tu ô tô, chăm chỉ cần cù để được học nghề từ những người thợ cả là bước khởi đầu của ông với ô tô.
Những phát minh thiết thực như máy chạy rà động cơ và các loại đồ gá để gia công sơ-mi, pít-tông… giúp cho người thợ đỡ nhọc nhằn hơn, đã giúp Trần Bá Dương thuyết phục được những thợ lành nghề tin vào tấm bằng kỹ sư của mình. "Anh thợ sửa xe có bằng đại học" đã khiến không ít đồng nghiệp ngày ấy phải nể trọng. Bằng cờ-lê, mỏ-lết và kiến thức của mình, ông đã kéo được ùn ùn việc làm về cho tổ sửa xe lưu động, giúp thu nhập tăng, đời sống anh em được nâng cao.
Bao thăng trầm với nghiệp sửa xe, rồi kinh doanh xe cũ chỉ càng làm cháy bỏng thêm khát vọng tới ngày có một công ty riêng để sản xuất ra được chiếc ô tô mới trong Trần Bá Dương. Cùng với công cuộc đổi mới, đất nước mở cửa, năm 1997, ông đã dồn tất cả nguồn lực của gia đình, bà con nội ngoại để lập công ty ô tô Trường Hải.
Xưởng lắp ráp xe tải hạng nhẹ mang thương hiệu KIA của công ty ngay khi ra đời luôn kín đơn hàng, làm không ngơi nghỉ, bởi sự tín nhiệm của người dùng về sản phẩm, về ông chủ hiểu nghề, biết việc.
Không dừng lại đấy, cuối năm 2002, khát vọng lập hẳn một khu công nghiệp cho ô tô đã được Trần Bá Dương gieo lên miền cát trắng Chu Lai - Quảng Nam, khi nơi đây cựa mình đón nhận những đổi thay về chính sách để tạo ra sự phát triển mới. Khu liên hợp sản xuất ô tô Chu Lai - Trường Hải cùng khát vọng làm ô tô bài bản chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10/2003, đánh dấu bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp làm ô tô của ông Dương.
Với kinh nghiệm có được từ thực tế, Trần Bá Dương đã chọn cái gì đơn giản, dễ thì làm trước, cái khó để lùi lại sau. Làm xe du lịch chở người đòi hỏi đầu tư lớn về công nghệ, rồi còn phụ thuộc yếu tố thị trường, nên xe tải và xe bus đã được Trần Bá Dương chọn là điểm khởi đầu trong con đường sản xuất chiếc ô tô tại Việt Nam.
Bắt đầu từ công đoạn lắp ráp những dòng xe đã có sự tín nhiệm của người tiêu dùng, Trường Hải đã tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất, đồng thời kêu gọi các nhà sản xuất linh phụ tùng khác cùng tới Chu Lai để sản xuất, nâng tỷ lệ nội địa hóa, góp phần giảm bớt ngoại tệ phải bỏ ra để nhập khẩu xe phục vụ tiêu dùng của các “thượng đế”.
Sau hơn 10 năm, với tổng vốn bỏ ra gần 9.000 tỷ đồng, Trường Hải đã xây dựng được một Khu phức hợp cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải trên diện tích gần 600 ha, với hơn 20 nhà máy và công ty, trong đó có 4 nhà máy lắp ráp ô tô, 8 nhà máy sản xuất linh kiện, phụ tùng. Ngoài ra, còn có các đơn vị hỗ trợ, như trường cao đẳng nghề, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), các công ty xây dựng, đầu tư hạ tầng khu công nghiệp và hệ thống giao nhận vận chuyển, bao gồm cả vận tải biển và vận tải đường bộ.
Các sản phẩm của Thaco đã đem lại những giá trị nhất định trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Có những sản phẩm ô tô của Trường Hải đã làm thay đổi thói quen của hành khách, như xe bus giường nằm Thaco Mobihome. Với tỷ lệ nội địa hóa gần 50%, cao nhất Việt Nam hiện nay, Thaco Mobihome chiếm đến 95% thị phần, một kỷ lục chưa từng có ở Việt Nam với bất kỳ sản phẩm nào.
Vững chân với xe tải, xe bus, Trường Hải rất nhanh chóng tạo ra một hiện tượng mới trong ngành công nghiệp ô tô Việt Nam khi được 3 nhãn hiệu ô tô du lịch quốc tế cộng tác đồng thời là Kia, Mazda, Peugoet. Có đối tác Việt Nam hiểu nghề, biết việc nên các nhãn hiệu xe du lịch đã nhanh chóng chiếm được thứ hạng cao trong bán hàng. Hiện Kia đã nằm trong top 3 nhãn hiệu xe du lịch có doanh số cao nhất Việt Nam, còn Mazda đã ở vị trí số 5.
Sự ổn định trong việc giữ vững thị phần của Trường Hải tại Việt Nam còn là nhờ vào nền tảng cơ sở hạ tầng vững chắc, với hệ thống phân phối gồm 80 showroom trải dài trên toàn quốc, đi kèm với các xưởng dịch vụ phụ tùng, tạo sự thuận tiện cho khách hàng trong việc bảo dưỡng xe định kỳ.
Hơn nữa, chính chiến lược kinh doanh linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế của từng giai đoạn đã đưa Trường Hải từ một công ty nhỏ ngày nào trở thành tập đoàn sản xuất, lắp ráp ô tô hàng đầu Việt Nam. Trường Hải cũng là công ty duy nhất có đầy đủ chủng loại ô tô, từ xe tải, bus, đến xe du lịch, đáp ứng mọi nhu cầu của người sử dụng.
Mỗi năm, Trường Hải nộp ngân sách nhà nước gần 4.000 tỷ đồng và đang phấn đấu đạt mục tiêu có doanh thu hợp nhất 1 tỷ USD trong năm 2014.

Để đóng góp nhiều hơn...

Được hỏi về kinh nghiệm làm ô tô, ông Dương cho hay: “Trong điều kiện sản lượng thấp, kinh nghiệm mới, chúng tôi bắt đầu từ những sản phẩm đơn giản, theo phương châm chuyên biệt để hiệu quả và kết hợp để tạo lợi thế. Khi sản lượng đủ lớn, chúng tôi mới chuyển sang xây dựng các nhà máy chuyên biệt với sự hợp tác, chuyển giao công nghệ có hiệu quả của các đối tác trong và ngoài nước”.

Mặt khác, công nghiệp hỗ trợ đã được Trường Hải phát triển theo cách kết hợp đầy đủ các yếu tố, từ đào tạo công nhân và cán bộ kỹ thuật qua trường cao đẳng nghề, dịch vụ cơ điện, logistics, cảng biển, đầu tư xây dựng… thành một chuỗi giá trị trong một khu phức hợp hỗ trợ cho nhau trong mối liên kết chặt chẽ, xuyên suốt và chủ động sáng tạo. Để tiếp tục thực hiện ước mơ lớn của đời mình, những siêu thị ô tô đã được xây dựng tại Cần Thơ, Gò Dầu (Tây Ninh), rồi Trạm dừng chân Thaco - Bình Phước..., nối dài ước mơ "phổ cập" ô tô tới người dân. Đây cũng chính là hướng phát triển mới để Trần Bá Dương đưa Trường Hải từng bước thực hiện chiến lược phát triển thành tập đoàn đa ngành nghề mang tầm khu vực ASEAN.
Sau 17 năm hình thành và phát triển, từ tổ sửa xe lưu động ban đầu rồi đến xưởng lắp ráp ở Biên Hòa - Đồng Nai và dừng chân ở Chu Lai, Trường Hải tới nay đã có một đội ngũ lao động lớn mạnh với khoảng 7.500 người, mức lương bình quân gần 7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, Trần Bá Dương chưa dừng lại ở đó, mà vẫn đang viết tiếp ước mơ của mình bằng “bài toán” khó hơn là sản xuất động cơ. Đây là dự án có thời gian hoàn vốn lâu nhất, vì vậy không phải là dự án tạo ra lợi nhuận, mà là dự án chiến lược cho những chiếc xe sản xuất tại Việt Nam, nhằm nâng tỷ lệ nội địa hóa lên trên 40% và sẵn sàng tham gia thị trường phi thuế quan trong Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) vào năm 2018.
Không chỉ nỗ lực tạo ra một ngành công nghiệp mới tại Việt Nam, mở thêm cơ hội việc làm cho người lao động, những năm qua Trường Hải đã chi 50 tỷ đồng cho công tác xã hội và mới đây nhất là tặng cho Trường Sa chiếc xuồng CQ trị giá 3,5 tỷ đồng.
Được xã hội và chính quyền ghi nhận, nhưng Trần Bá Dương không gọi những việc làm này là hoạt động từ thiện, mà quan niệm “đóng góp cho cộng đồng là trách nhiệm của doanh nhân và không thể có một doanh nhân tốt nếu doanh nhân đó không phải là công dân có tình yêu với Tổ quốc mình”.

Theo Báo đầu tư

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.