Mới 6 giờ sáng, các công nhân nhà máy bia Hà Nội - Quảng Bình bắt đầu nhóm lò hơi để pha chế nguyên liệu nấu bia. Tiếng ồn động cơ vang rền. Hai ống khói nhà máy xả bụi đen nghi ngút.
Ông Nguyễn Văn Hiệu ở Tiểu khu 13, phường Bắc Lý, TP Đồng Hới, Quảng Bình cho biết, gần 10 năm qua, hàng trăm hộ dân nơi đây ám ảnh với khói thải nhà máy.
Bụi từ nhà máy bay vào nhà dân, bám vào áo quần, xoong nồi và vật dụng sinh hoạt. Bà con lo ngại bụi đen thấm vào nguồn nước có thể gây bệnh nguy hiểm.
Để tránh khói bụi, ban ngày người dân phải đóng kín cửa. Các giếng nước sinh hoạt cũng dùng vải bạt bịt kín.
Bà Nguyễn Thị Thoái, ở phường Bắc Lý, TP Đồng Hới bức xúc khi không khí ô nhiễm, nhiều trẻ nhỏ mắc các bệnh liên quan đến đường đường hô hấp.
Gần 10 năm qua, hàng trăm hộ dân ở TP Đồng Hới ám ảnh ống khói nhà máy bia xả thải |
"Khói bụi bốc lên đen kịt, áo quần phơi cũng không được, có khi ngồi trong màn ăn cơm, mọi vật dụng trong nhà đều bị bám bụi đen hết cả", bà Thoái cho hay.
Vì không chịu nổi môi trường sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng, một số hộ dân đã bán nhà cửa, ruộng vườn bỏ nơi đi khác.
Người dân địa phương đã nhiều lần phản ánh tình trạng ô nhiễm tại các cuộc tiếp xúc cử tri, đối thoại với lãnh đạo Nhà máy bia và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Nhà máy bia Hà Nội - Quảng Bình từng bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính. Tháng 6 vừa qua, bể chứa nước thải nhà máy gặp sự cố khiến nước thải tràn ra bờ kênh, làm chết lúa của nông dân.
4 tháng sau đó, ống khói nhà máy bị rơi chóp sắt khiến lượng khói bụi tăng đột ngột, nhà máy bị phạt 15 triệu đồng.
Trước đây, Nhà máy bia Hà Nội - Quảng Bình là Nhà máy bia rượu Quảng Bình, được chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước sang Công ty Cổ phần từ năm 2003 theo Quyết định của UBND tỉnh Quảng Bình.
Năm 2004, Bộ Công nghiệp đồng ý cho Nhà máy này trở thành công ty con của Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội.
Ông Phan Xuân Hào, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình cho biết, trước phản ứng gay gắt của người dân, chính quyền địa phương cũng tính đến phương án di dời nhà máy ra xa khu dân cư.
Tuy nhiên, nguồn kinh phí để triển khai, hỗ trợ di dời rất lớn nên chưa thể thực hiện.
Theo ông Phan Xuân Hào, lãnh đạo Nhà máy bia đã có kế hoạch đổi mới công nghệ, quy trình vận hành trong thời gian tới.
"Chúng tôi yêu cầu nhà máy điều chỉnh lại nguyên liệu phù hợp, điều chỉnh quy trình vận hành, trước khi chuẩn bị nhóm lò phải bơm toàn bộ nước dập khói. Soạn lại quy trình vận hành hệ thống lò hơi, tăng cường vệ sinh công nghiệp. Nếu vi phạm cứ lặp lại thì sẽ xử lý nghiêm và có những biện pháp cứng rắn hơn đối với nhà máy", ông Hào cho biết thêm.