Theo đó, Nghị quyết số 50/2022/NQ – HĐQT.HBC thông qua việc chấp thuận đơn xin từ nhiệm (ký ngày 12/12/2022) của Ông Lê Viết Hải từ ngày 01/01/2023. Việc từ nhiệm này nhằm đảm bảo tính pháp lý trong việc đề cử Ông Lê Viết Hiếu đảm nhận chức vụ Tổng Giám đốc (theo quy định của Luật Doanh nghiệp số 59/2022/QH14) vào kỳ Đại hội đồng Cổ đông năm 2023 sắp tới và được đồng thuận tuyệt đối (8/8 thành viên). Nghị quyết cũng thông qua việc thành lập Hội đồng Sáng lập Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và Ông Lê Viết Hải giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng Sáng lập. Đồng thời, Hội đồng Quản trị đồng thuận 8/8 thành viên cùng thông qua Nghị quyết số 51/2022/NQ-HĐQT.HBC về việc bổ nhiệm Tiến sĩ Nguyễn Công Phú – Thành viên HĐQT độc lập giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình kể từ ngày 01/01/2023.
Ông Lê Viết Hải chụp hình cùng Ông Nguyễn Công Phú |
Ông Nguyễn Công Phú sinh năm 1951, nguyên quán Quảng Trị nhưng ông sinh tại Quảng Nam, Chiến khu 5. Sau năm 1954 sinh sống tại Huế, tốt nghiệp Kỹ sư Tạo tác – Thủy lợi, Khoá đầu tiên tại Đại học Khoa học – Huế. Năm 1993, ông trúng tuyển học bổng của Chính phủ Pháp để tiếp tục lấy Tiến sĩ về cơ học đất và công trình ngầm - Đại học Khoa học Paris – Trường Cầu đường Paris và trong suốt quá trình công tác đến năm 2021 đảm nhiệm các chức vụ quản lý cấp cao trong Tập đoàn Apave tại nhiều quốc gia trên thế giới. Trong 30 năm sống ở nước ngoài, Tiến sĩ Nguyễn Công Phú đã tham gia thiết kế và quản lý nhiều công trình xây dựng tại hơn 20 nước ở các châu lục. Tại Đại hội đồng Cổ đông năm 2021 của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, Tiến sĩ Nguyễn Công Phú được bầu vào Thành viên HĐQT độc lập, thành viên Ủy ban Kiểm toán. Với bề dày kinh nghiệm hơn 26 năm là người đứng đầu Tập đoàn Apave, ông đã tham gia nhiều công trình tầm vóc quốc gia như Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Hầm Đèo Cả, đóng góp ý kiến cùng với các Bộ ngành Xây dựng, Giao thông, Công nghiệp,… để hoàn chỉnh các thể chế quản trị, quản lý về chất lượng và an toàn các công trình tại Việt Nam. Tiến sĩ Nguyễn Công Phú sẽ là một người quản trị hiệu quả cho chiến lược phát triển thị trường nước ngoài và ngay tại Việt Nam của Tập đoàn trong thời gian tới.
Theo Quy chế Tổ chức và Hoạt động của Hội đồng Sáng lập Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình thì đây là cơ quan tham mưu, tư vấn và phản biện cho Hội đồng Quản trị và Ban Điều hành của Tập đoàn về chiến lược kinh doanh và các quyết sách trong hoạt động quan trọng của Tập đoàn nhằm đảm bảo cho Hòa Bình, một Thương hiệu Quốc gia đang giữ vị trí Số 1 trong ngành xây dựng Việt Nam, tiếp tục phát triển mạnh mẽ đúng với Hoài bão, Sứ mệnh, Triết lý Kinh doanh và các Giá trị Cốt lõi đã xác định trong Tuyên ngôn Giá trị của Tập đoàn. Đồng thời, Hội đồng Sáng lập sẽ tham mưu, tư vấn, phản biện và thông qua các vấn đề quan trọng theo nguyên tắc đồng thuận nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông, đảm bảo sự hài hòa, công bằng và lợi ích của các bên. Cụ thể như: Sửa đổi Điều lệ Công ty; bất kỳ các thay đổi quan trọng nào trong hoạt động kinh doanh của Công ty hoặc bắt đầu một loại hình kinh doanh mới; các hợp đồng mua bán, sáp nhập công ty, các dự án đầu tư trị giá 100 tỷ đồng trở lên; việc cấp bảo lãnh có giá trị trên 20 tỷ đồng; bổ nhiệm, thay thế hoặc thay đổi Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn và các công ty thành viên, công ty liên kết,… Chủ tịch Hội đồng Sáng lập và Chủ tịch Hội đồng Quản trị sẽ cùng nhau thảo luận các giải pháp chung đối với các vấn đề trọng yếu của Tập đoàn cũng như thảo luận để định hướng cho hoạt động của Tập đoàn ngày càng phát triển hơn cũng theo nguyên tắc đồng thuận.
Tinh thần đoàn kết, lao động hăng say của các thành viên đang khoác trên mình màu áo xanh Hòa Bình |
Sự phối hợp giữa Ông Lê Viết Hải trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Sáng lập và Tiến sĩ Nguyễn Công Phú trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị sẽ tập trung sức mạnh và trở thành bệ đỡ hậu thuẫn cho thế hệ trẻ kế thừa của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình phát huy năng lực và đưa Hòa Bình chuyển mình sang giai đoạn mới, phát triển mạnh mẽ và bền vững.