Đầu tuần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu tại lễ bế mạc Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (NPC).
"Tôi sẽ trung thành thực hiện các nhiệm vụ được hiến pháp giao phó", ông Tập nói với khoảng 3.000 đại biểu tại Bắc Kinh.
Đề cập đến những căng thẳng với Mỹ và các đồng minh, nhà lãnh đạo 69 tuổi kêu gọi "Trung Quốc nên nỗ lực để đạt được sự tự lực và sức mạnh lớn hơn về khoa học và công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi công nghiệp".
Như trong bài phát biểu tái bổ nhiệm vị trí Chủ tịch nước cách đây 5 năm, ông Tập một lần nữa cảnh báo bất kỳ nỗ lực ly khai nào và phản đối sự can thiệp từ bên ngoài trong bối cảnh nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn gặp Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy vào tháng tới.
Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận gần Đài Loan vào năm ngoái, sau chuyến thăm của cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.
Ông Tập cũng cho rằng Trung Quốc cần tăng cường khả năng duy trì an ninh quốc gia, đồng thời ủng hộ việc hiện đại hóa lực lượng vũ trang nước này.
Tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc năm nay, ông Lý Cường - nhân vật thân cận với ông Tập, được bổ nhiệm chính thức vào vị trí Thủ tướng Trung Quốc, chịu trách nhiệm chỉ đạo phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Trong vai trò mới, nhiệm vụ chính của ông Lý sẽ là lèo lái nền kinh tế Trung Quốc. Ông phải đối mặt với một thách thức khó khăn trong việc khôi phục đà tăng trưởng và niềm tin của thị trường sau khi tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc tăng 3% vào năm 2022, mức tăng trưởng chậm nhất trong nhiều thập kỷ, phần lớn là do đại dịch COVID-19 và lĩnh vực bất động sản suy thoái.
Trong một cuộc họp báo, ông Lý Cường đã loại bỏ những lo ngại về đà suy thoái kinh tế khi dân số Trung Quốc giảm dần. Thủ tướng Trung Quốc cho biết nhiệm vụ "không dễ dàng" để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP chính thức trong năm 2023 là khoảng 5%, và để làm được như vậy sẽ cần nỗ lực gấp đôi.
Coi lợi thế kinh tế theo quy mô và nguồn cung nhân lực phong phú của đất nước là những điểm mạnh, tân Thủ tướng Lý Cường đã vạch ra chiến lược của chính phủ.
Những thách thức kinh tế xã hội của Trung Quốc bao gồm tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao và dân số ghi nhận mức giảm lớn nhất vào năm ngoái kể từ năm 1961.
Khoảng 11,5 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học sẽ tìm được việc làm trong năm nay, cao hơn mức kỷ lục 10,8 triệu của năm ngoái. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong độ tuổi từ 18 đến 24 là 16,7% vào cuối năm 2022, so với mức trung bình toàn quốc là 5,5%.
Giống như các quốc gia khác đang đối mặt với những thách thức dân số tương tự, sự sụt giảm dân số sẽ tạo thêm gánh nặng cho những người chăm sóc con cái và cha mẹ già, cũng như làm giảm lợi tức dân số vốn giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ông Lý cũng xua tan những lo ngại về lợi thế cạnh tranh suy yếu của Hong Kong với tư cách là một trung tâm tài chính toàn cầu sau khi Trung Quốc ban hành luật an ninh quốc gia vào năm 2020.
"Tôi tin tưởng với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của tổ quốc, Hong Kong sẽ chỉ củng cố vị trí và vai trò của mình", cựu Bí thư Thành ủy Thượng Hải nói.
Chuyên gia Yue Su, nhà kinh tế thuộc công ty phân tích tài chính Economist Intelligence Unit, cho rằng ông Lý sẽ dành phần lớn thời gian trong nhiệm kỳ này để thúc đẩy nền kinh tế tư nhân và xây dựng chính phủ theo định hướng dịch vụ, cho thấy rằng hai khía cạnh này sẽ là trọng tâm trong nhiệm kỳ.
"Thủ tướng Lý đã đề cập đến kinh nghiệm của ông ở khu vực nông thôn và chính quyền cấp cơ sở, điều đó cũng có nghĩa là mặc dù chưa có kinh nghiệm làm việc ở trung ương, nhưng ông ấy sẽ chú ý hơn đến việc thực thi chính sách và kết nối với chính quyền địa phương", chuyên gia Yue Su chỉ ra.