Các nguồn tin cho biết, cuộc gặp sắp tới giữa ông Tập và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong hội nghị thượng đỉnh APEC vào tháng 11 đã nằm trong nội dung các cuộc đàm phán giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tại Malta hồi đầu tháng này.
Theo thông tin từ cả hai bên sau cuộc gặp, cả hai vị quan chức đã có cuộc hội đàm “thẳng thắn, thực chất và mang tính xây dựng” trong hơn 12 giờ.
Tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra vì Trung Quốc không thể đạt được một số cam kết nhất định của Mỹ trước thềm hội nghị APEC. Chính quyền Bắc Kinh coi các động thái của Mỹ đối với Đài Loan và việc bắn hạ khinh khí cầu của Trung Quốc là những hành vi mang tính khiêu khích, đồng thời yêu cầu Mỹ tránh những hành động như vậy trước hội nghị thượng đỉnh.
Dù vậy, chính quyền Biden không thể đảm bảo các yêu cầu của Bắc Kinh do lưỡng viện Mỹ vẫn đang hết sức dè chừng Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống đang đến gần.
Mối quan hệ lung lay giữa hai cường quốc đã bắt đầu ổn định sau một năm đầy biến động về các vấn đề từ kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn, cho đến vụ bắn hạ khinh khí cầu của Trung Quốc trên vùng trời nước Mỹ.
Bốn quan chức cấp cao của chính quyền Biden đã đến thăm Trung Quốc trong năm nay, nhưng một cuộc gặp tiềm năng giữa hai nhà lãnh đạo đã trở nên bất khả thi hơn sau khi ông Tập không tới Ấn Độ tham dự hội nghị thượng đỉnh G20.
Trong phát biểu công khai đầu tiên về vấn đề này hôm thứ Ba, Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết Trung Quốc đang “liên lạc với tất cả các bên” về việc ông Tập tham dự diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương.
Ông Vương cho biết Trung Quốc sẽ có "công bố chính thức vào thời điểm thích hợp".
Tuy nhiên, trong khi Trung Quốc sẵn sàng đáp ứng “kỳ vọng quốc tế để đóng vai trò mang tính xây dựng cho sự thành công của APEC năm nay”, ông Vương cho biết Trung Quốc kỳ vọng Mỹsẽ “nhận thức được trách nhiệm của nước chủ nhà”.
Ông Vương nói rằng Mỹ nên thể hiện “sự cởi mở, công bằng, toàn diện và trách nhiệm để tạo điều kiện tốt hơn cho một hội nghị thượng đỉnh thành công”.
Nhưng theo các nguồn tin, phía Washington cũng miễn cưỡng đưa ra những cam kết như vậy vì Bắc Kinh không hào hứng nối lại quan hệ với Mỹ, ngay cả sau khi 4 quan chức cấp nội các Mỹ được cử tới Trung Quốc để đàm phán.
Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, đặc phái viên về khí hậu John Kerry và Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo đã đến thăm Trung Quốc vào mùa hè vừa qua. Quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc tới Washington trong hè qua là Bộ trưởng Thương mại Vương Văn Đào.
Hai nước đã nối lại các cuộc đàm phán trong các lĩnh vực như kiểm soát vũ khí và trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh hợp tác cần có sự chấp thuận của cấp cao nhất.
Sự vắng mặt của ông Tập tại Hội nghị thượng đỉnh G20, thay vào đó là Thủ tướng Lý Cường, trong khi Phó Chủ tịch Hàn Chính, người tham dự các sự kiện mang tính biểu tượng, được cử đến Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York thay vì Ngoại trưởng, khiến các cuộc gặp bên lề giữa hai nhà lãnh đạo ngày càng trở nên bất định.
“Trung Quốc là một quốc gia có trách nhiệm và không bao giờ vắng mặt tại một diễn đàn đa phương mà nước này là thành viên”, ông Vương nói với các phóng viên hôm thứ Ba.
Nhận xét công khai của ông Vương được đưa ra hơn một tuần sau cuộc hội đàm với cố vấn Jake Sullivan, khi cả hai cũng thảo luận các vấn đề bao gồm sự bất bình của Trung Quốc đối với vấn đề Đài Loan và khiếu nại của Mỹ về lập trường của Trung Quốc đối với cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.