Đề án xác định mục tiêu, thu nhập của nông dân khu vực nông thôn đạt 70 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%; lao động qua đào tạo đạt từ 75-80%; lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 55-60%; cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố; người dân tham gia bảo hiểm y tế ở các huyện, thị xã đạt trên 95%. Tỷ lệ thôn, làng được công nhận và giữ danh hiệu thôn, làng văn hóa đạt 65%; gia đình được công nhận giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa đạt từ 86-88%...
Song song với đó, Đề án đặt mục tiêu tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý đạt 100%, chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100% và tỷ lệ cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề có trạm xử lý nước thải đạt 100%. Tổng nguồn vốn dự kiến đầu tư cho khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025 khoảng 92.680 tỷ đồng (tăng khoảng 15% so với giai đoạn 2016-2020).
Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội giao UBND thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các xã, huyện đạt mục tiêu của thành phố theo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025".
Chiều cùng ngày, các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội đã biểu thông qua danh mục các công trình, dự án thu hồi đất năm 2024 trên địa bàn. Theo đó, danh mục được thông qua gồm 2.839 công trình, dự án thu hồi đất năm 2024 với diện tích 12.722,55ha. Danh mục 3 dự án chuyển mục đích đất trồng lúa năm 2024 với diện tích là 3,844ha.
Về kinh phí bố trí để bồi thường, giải phóng mặt bằng, trên cơ sở danh mục dự án được HĐND thành phố thông qua, dự án sử dụng vốn ngân sách đã có trong kế hoạch đầu tư công của thành phố được cân đối trong Nghị quyết về phân bổ dự toán ngân sách thành phố năm 2024 của HĐND thành phố và cơ chế thanh toán linh hoạt trong tổng nguồn vốn giao theo dự toán năm 2024 được duyệt. Các dự án thuộc ngân sách cấp quận, huyện để các quận, huyện bố trí. Các dự án ngoài ngân sách do chủ đầu tư bố trí theo tiến độ đầu tư, đảm bảo bố trí đủ kinh phí phần giải phóng mặt bằng trong năm 2024.
Trước đó, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định việc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn. Đối tượng áp dụng là các hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố giai đoạn 2022-2025, có trong danh sách hộ nghèo, cận nghèo năm 2023 do UBND cấp xã quản lý và là hộ độc lập có thời gian tách hộ tính đến tháng 10/2023 tối thiểu 3 năm.
Thành phố sẽ hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà ở với mức 50 triệu đồng/nhà xây dựng và 30 triệu đồng/nhà sửa chữa. Thành phố ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố để cho hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu vay xây dựng, sửa chữa nhà ở với mức vay tối đa 50 triệu đồng/nhà. Dự kiến tổng kinh phí từ ngân sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở là hơn 94,5 tỷ đồng.