Theo thống kê của BHXH Việt Nam, đến hết tháng 11 năm nay, cả nước có khoảng 15.065 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, đạt 99,6% so với kế hoạch giao. Riêng lĩnh vực BHXH tự nguyện thu hút 533 nghìn người tham gia, đạt 113% kế hoạch giao. Bên cạnh đó, khoảng 13,2 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Con số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) cán mốc 85,29 triệu người, đạt 100,15% kế hoạch giao.
Có thể thấy, với sự quyết tâm mạnh mẽ từ ngành chức năng, địa phương, BHXH các địa phương chính sách BHXH tự nguyện đã đạt được những tín hiệu khả quan. Nhiều sáng kiến, mô hình nhằm truyền thông cho người dân được nhân rộng và lan tỏa thành phong trào mạnh mẽ. Đơn cử như tại Lạng Sơn, BHXH đã phối hợp với Bưu điện từ tỉnh xuống đến huyện, thị xã, thành phố đồng loạt tổ chức lễ ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, tổ chức tuyên truyền theo nhóm đến từng nhà, tư vấn, tuyên truyền từng người. Đặc biệt, BHXH tỉnh đã thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tổ chức ký hợp đồng với Trung tâm Văn hóa - Thể thao của các huyện để tổ chức xe lưu động, tuyên truyền trực tiếp tại các đường phố, xã phường, kể cả vùng nông thôn hẻo lánh để giúp cho người dân hiểu hơn về chính sách, từ đó nâng cao hiệu quả công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.
Đáng chú ý, theo báo cáo của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, tính đến hết tháng 11/2019, đơn vị đã phát triển được gần 260.000 người tham gia BHXH tự nguyện, bằng 117% kế hoạch năm. Dự kiến hết năm 2019, số người tham gia BHXH tự nguyện qua hệ thống Bưu điện sẽ đạt mốc 280.000 người. Để chính sách BHXH tự nguyện đến được với người lao động, Bưu điện Việt Nam đã chú trọng đổi mới hình thức và nội dung tuyên truyền. Nội dung, hình thức tuyên truyền được thiết kế, thực hiện sinh động, dễ hiểu, gần gũi với người dân. Bưu điện tỉnh, thành phố đã tích cực vào cuộc, phối hợp với BHXH địa phương tổ chức hội nghị tuyên truyền đến tận thôn, xóm, bản làng và vận động người dân tham gia ngay tại hội nghị. Trong năm 2019, toàn quốc đã mở trên 15.000 hội nghị, từ đó giúp người dân hiểu rõ hơn về chính sách BHXH tự nguyện và tin tưởng tham gia. Song song với đó, Bưu điện Việt Nam tổ chức các chương trình ra quân, tuyên truyền đường phố đến từng địa chỉ người dân; huy động tối đa nhân lực với phương châm “Đi từng ngõ, gõ của từng nhà”, đồng thời chú trọng tăng cường các hoạt động truyền thông nội bộ và truyền thông công chúng như: phát thanh định kỳ, truyền thông mạng xã hội, băng rôn, khẩu hiệu…
Mặc dù vậy, để đạt được mục tiêu trong Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH đặt ra là đến năm 2021, phấn đấu có khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng, trợ cấp xã hội vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Một trong những nguyên nhân khiến chính sách BHXH tự nguyện không được người dân đón nhận, theo các chuyên gia, do mức hỗ trợ 10% là chưa đủ hấp dẫn người dân tham gia.
“Khác với bảo hiểm thương mại, BHXH tự nguyện là một chính sách an sinh xã hội và để tăng tính hấp dẫn thì rất cần sự hỗ trợ và vai trò “bà đỡ” của Nhà nước. Chúng ta đã có chính sách BHYT toàn dân và theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII cũng hướng tới BHXH toàn dân, vì vậy, việc hỗ trợ, tăng tính hấp dẫn của chính sách này là điều rất quan trọng”- Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu chia sẻ.
Bên cạnh việc tăng mức hỗ trợ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng cần thiết kế lại chính sách BHXH tự nguyện như: Tích hợp thêm chính sách BHYT để khi người dân tham gia BHXH tự nguyện thì có luôn thẻ BHYT, đồng thời bổ sung thêm chế độ thai sản và ốm đau vào chính sách này để tăng tính hấp dẫn. Điều này có thể thực hiện được trên nền tảng tăng mức hỗ trợ của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện. Hiện nay, chúng ta vẫn có những chính sách hỗ trợ cho một số nhóm đối tượng khó khăn khi sinh đẻ hoặc ốm đau thì sự hỗ trợ này cũng có thể chuyển sang việc hỗ trợ tham gia BHXH tự nguyện.
Để tăng tính hấp dẫn, Bộ LĐTB&XH vừa có tờ trình Chính phủ về việc thực hiện thí điểm 3 gói BHXH tự nguyện ngắn hạn và linh hoạt. Thứ nhất là gói BHXH tự nguyện hiện hành bổ sung chế độ thai sản. Đề xuất về gói này được thiết kế trên cơ sở của chính sách BHXH tự nguyện hiện hành (chế độ hưu trí và tử tuất) bổ sung quyền lợi về thai sản khi người lao động (NLĐ) sinh con. NLĐ khi tham gia sẽ được hưởng chế độ nếu đủ điều kiện đóng BHXH tự nguyện từ đủ 12 tháng trở lên và không được nhận BHXH một lần. Thứ hai là gói BHXH tự nguyện hiện hành bổ sung chế độ ốm đau. Gói BHXH tự nguyện này được thiết kế trên cơ sở của chính sách BHXH tự nguyện hiện hành (chế độ hưu trí và tử tuất) bổ sung quyền lợi được hưởng khi NLĐ gặp rủi ro ốm đau (tối đa 30 ngày trong 1 năm) với điều kiện NLĐ đang đóng BHXH tự nguyện và không được nhận BHXH một lần. Thứ ba là gói BHXH tự nguyện hiện hành bổ sung chế độ trợ cấp gia đình, trẻ em. Gói này được thiết kế trên cơ sở của chính sách BHXH tự nguyện hiện hành (chế độ hưu trí và tử tuất) bổ sung quyền lợi được hưởng khi NLĐ tham gia BHXH tự nguyện có con dưới 6 tuổi (được hưởng trợ cấp hằng tháng bằng 350.000 đồng/ con cho đến khi con đủ 6 tuổi) với điều kiện NLĐ đang đóng BHXH tự nguyện và không được nhận BHXH một lần.