Kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để Việt Nam có thể tận dụng phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh hội nhập. Phát triển kinh tế số Việt Nam cần dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo số, tích hợp kinh tế số vào mọi ngành, mọi lĩnh vực.
Trong khi đó, xã hội số còn là một khái niệm khá mới mẻ. Xã hội số là xã hội tích hợp công nghệ số một cách tự nhiên và mặc định vào mọi mặt đời sống. Người dân có khả năng kết nối, tương tác và thành thạo kỹ năng số để sử dụng các dịch vụ số; từ đó hình thành các mối quan hệ mới trong môi trường số, hình thành thói quen số và văn hóa số.
Trong bối cảnh trên, hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế số, xã hội số.
Theo Tiến sỹ Hà Minh Hiệp, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), vai trò của tiêu chuẩn đo lường chất lượng đối với kinh tế số, xã hội số nhằm giúp xác định các yêu cầu cụ thể, chính xác về chức năng và đảm bảo cho sản phẩm, hệ thống, quy trình hoặc công nghệ vận hành đồng bộ, không xung đột… Cùng với đó, nâng cao hiệu quả, tiện ích trong giao dịch thương mại, truyền tải thông tin, kết nối xã hội hiệu quả; mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho cơ quan, tổ chức, người dân trong bối cảnh chuyển đổi số phát triển mạnh mẽ; quản lý rủi ro bảo mật, an ninh thông tin.
Tiến sỹ Hà Minh Hiệp cho biết, hiện nay hệ thống tiêu chuẩn có 197 tiêu chuẩn quốc gia liên quan đến kinh tế số, xã hội số; trong đó, 31 tiêu chuẩn về thẻ ngân hàng, thẻ định danh (ứng dụng căn cước công dân, giao thông công cộng, thanh toán không dùng tiền mặt…); 3 tiêu chuẩn về dữ liệu lớn; 22 tiêu chuẩn về điện toán đám mây và Internet vạn vật; 39 tiêu chuẩn về an toàn thông tin, mật mã (xác thực số, chữ ký số); 32 tiêu chuẩn về đô thị thông minh, giao thông thông minh; 42 tiêu chuẩn về mã số mã vạch (mã QR) và truy xuất nguồn gốc (ứng dụng trong nông nghiệp số, tiêu dùng số, thương mại số, y tế số,…); 3 tiêu chuẩn về trí tuệ nhân tạo; 3 tiêu chuẩn về sinh trắc học; 22 tiêu chuẩn về sản xuất thông minh, sản xuất bồi đắp, Robotics…
Chia sẻ về đo lường trong kinh tế số, xã hội số, Tiến sỹ Hà Minh Hiệp cho biết, đo lường đóng vai trò quan trọng trong nhiều ngành kinh tế số… cũng như góp phần vào việc xây dựng xã hội số thông qua hệ thống đo thông minh, phương tiện đo thông minh, đo lường mô phỏng…; giúp hệ thống sản xuất thông minh xử lý, tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu sản xuất… giảm thời gian chờ, đảm bảo đáp ứng quy định đo lường như lượng hàng đóng gói sẵn.
Đo lường còn giúp hệ thống nông nghiệp thông minh điều chỉnh phù hợp với cây trồng vật nuôi, đồng thời tiết kiệm năng lượng, thức ăn chăn nuôi, phân bón…; góp phần xây dựng đô thị thông minh, cung cấp các dịch vụ tiện ích cho người tiêu dùng đặc biệt trong tiêu thụ điện.
Về đánh giá sự phù hợp trong kinh tế số, xã hội số, Tiến sỹ Hà Minh Hiệp cho biết, ngành đã và đang tập trung sử dụng thiết bị công nghệ để thực hiện đánh giá từ xa (trực tuyến) trong hoạt động đánh giá sự phù hợp. Biện pháp này được áp dụng rất hiệu quả trong đại dịch COVID-19 vừa qua.
Bên cạnh đó, ngành xây dựng cơ sở dữ liệu về chuyên gia đánh giá, thử nghiệm viên, giám định viên, máy móc thiết bị, cơ sở đào tạo; xây dựng nền tảng số (iSTAMEQ), chia sẻ dữ liệu; sử dụng QR Code để tra cứu thông tin kết quả đánh giá sự phù hợp.
Cũng theo Tiến sỹ Hà Minh Hiệp, thời gian tới, hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng được thúc đẩy thông qua quá trình phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI); Đề án chuyển đối số ngành Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia; trong đó, có nội dung tập trung xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn quốc gia cho phát triển kinh tế số, xã hội số, an ninh thông tin.
Cùng với đó, tăng cường xây dựng, hài hòa tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế; đẩy mạnh hợp tác công tư trong nghiên cứu, ứng dụng, chuẩn hóa các công nghệ mới; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường phối hợp giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với các bộ, ngành liên quan xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về an ninh mạng; đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Các tiêu chuẩn quốc gia này được xây dựng trên cơ sở hoàn toàn tương đương các bộ tiêu chuẩn ISO/IEC, hiện đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới.