1. Trong thời gian qua, trước những hạn chế, yếu kém, nhất là việc Việt Nam chưa đạt được một số chỉ tiêu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) so với định hướng đặt ra để năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp, đã có không ít ý kiến trái chiều hướng đến phê phán đường lối CNH, HĐH và việc triển khai CNH, HĐH ở Việt Nam. Các thế lực thù địch, cơ hội cũng tung ra những luận điệu sai lệch, phiến diện về quá trình CNH, HĐH ở nước ta.
Tựu chung lại, dù biểu hiện khá đa dạng, nhưng có thể thấy các ý kiến sai lệch về CNH có ba mức độ: (1) Mức độ nghi ngờ, không tin tưởng vào sự thành công của chính sách CNH do những sai lầm và hậu quả mà nó mang lại; (2) Mức độ thứ hai cho rằng Việt Nam không nên thực hiện CNH, chuyển sang phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa; (3) Mức độ thứ ba, cho rằng Việt Nam không hiểu rõ CNH, thực hiện CNH không rõ mục tiêu và một chính sách CNH sai lầm, chạy theo lợi ích nhóm, đòi khôi phục sở hữu tư nhân về đất đai, không chấp nhận vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước (KTNN).
2. Về mặt lý luận cũng như tiễn phát triển CNH, HĐH đều cho thấy những nhận thức trên là hoàn toàn sai lầm, bịa đặt.
Để tạo niềm tin, sự đồng thuận và tập trung nguồn lực cho CNH, HĐH, cần thiết phải có sự phê phán, đấu tranh với những quan điểm lệch lạc, sai trái, bảo vệ đường lối và những thành quả đã đạt được; đồng thời tạo niềm tin, động lực cho việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện CNH, HĐH trong chặng đường tiếp theo.
Trước hết, phải khẳng định những nghi ngờ về sự thành công của CNH, HĐH ở Việt Nam là thiếu căn cứ, không nắm rõ hoặc cố tình lờ đi những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện CNH, HĐH những thập niên vừa qua.
Không phải chúng ta tiến hành kế hoạch CNH, HĐH mơ hồ như nhận xét của một vài ý kiến. Bản thân đường lối CNH, HĐH không phải dập khuôn hay mô phỏng của một quốc gia cụ thể nào, mà được hình thành và xây dựng nên từ chính đặc thù, điều kiện Việt Nam gắn liền với sự phát triển của thành tựu khoa học và công nghệ thế giới cũng như gắn với chuyển biến trong môi trường kinh doanh khu vực và toàn cầu.
Trong tiến trình CNH, HĐH Việt Nam luôn cập nhật và ngày càng hoàn thiện mục tiêu, nội dung và các giải pháp để thực hiện.
Thực tế cho thấy, mỗi giai đoạn phát triển của nền kinh tế thế giới, vai trò các nguồn lực cho tăng trưởng nói chung, cho quá trình CNH, HĐH nói riêng có sự thay đổi. Sự thay đổi này gắn liền với sự biến đổi của chu kỳ khoa học công nghệ, của chu kỳ tái sản xuất và quá trình hội nhập, toàn cầu hóa. Chính vì thế, CNH, HĐH ở Việt Nam từ dựa chủ yếu vào lao động và đất đai với mục tiêu chuyển từ lao động thủ công sang lao động dựa trên máy móc đã gắn chặt với quá trình HĐH. Trong điều kiện kinh tế tri thức, nhất là sự phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nên nguồn lực, động lực cho tăng trưởng, cho sự bứt phá của nền sản xuất chính là công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cũng vì vậy, Việt Nam đã xác định rõ, quá trình CNH, HĐH gắn với kinh tế tri thức và “Khoa học và công nghệ, giáo dục đào tạo giữ vị trí then chốt, là khâu đột phá trong chính sách công nghiệp quốc gia” (1).
Với điều kiện nước đi sau, chúng ta có thể tận dụng cơ hội đi tắt đón đầu, phát triển rút ngắn và trong giai đoạn đẩy mạnh CNH, HĐH hiện nay cần kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, dựa trên công nghệ hiện đại, công nghệ số tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm...
Thực tiễn CNH trên thế giới cho thấy, không phải cứ CNH là sẽ thành công, đã có những quốc gia thành công và có cả những quốc gia thất bại. Vấn đề là ở xác định đúng đường lối CNH, tránh lệ thuộc bên ngoài. Nội lực là chính, tận dụng ngoại lực, biến ngoại lực thành nội lực. Đây cũng là cách thức mà Việt Nam đã xác định và đang từng bước hiện thực hóa CNH, HĐH. Thiết nghĩ với quan niệm phù hợp với tiến trình phát triển chung của thế giới cũng như điều kiện cụ thể Việt Nam về mục tiêu, nội dung và bước đi của CNH, HĐH, đặc biệt là quyết tâm chính trị, sự đồng lòng của hệ thống chính trị, sự tham gia của các thành phần kinh tế, trong đó kinh tế tư nhân là động lực quan trọng sẽ góp phần tạo nên những kết quả tích cực của quá trình CNH, HĐH nước nhà.
Tuy quá trình CNH, HĐH ở Việt Nam còn không ít hạn chế, song, phải khách quan thấy rằng, quá trình CNH, HĐH của Việt Nam đã có những kết quả tích cực, không thể phủ nhận, góp phần rất quan trọng trong công cuộc xây dựng cơ sở vật chất- kỹ thuật cho xã hội mới cũng như góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Với việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội mà cốt lõi là quá trình CNH, HĐH đã đưa nước ta từ nước nông nghiệp lạc hậu, thiếu đói triền miên, nay trở thành nước có thu nhập bình quân đầu người đạt 3000USD (2019), là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Việc thực hiện quá trình CNH, HĐH rút ngắn đã góp phần nâng cao tốc độ tăng trưởng GDP, bình quân đạt 4,45% giai đoạn 1986 – 1990, 6,99% giai đoạn 1991 – 2000, 7,26%/ giai đoạn 2001 – 2010.
Giai đoạn 2011-2015 tốc độ có giảm còn 5,9% nhưng những năm sau phục hồi rõ nét, cụ thể các năm 2017 đạt 6,81%, năm 2018 đạt 7,08% và khoảng 7,02% năm 2019(2). Cơ cấu các ngành kinh tế đã có sự dịch chuyển tích cực theo hướng CNH,HĐH. Một số ngành công nghiệp như: Điện, điện tử, công nghệ thông tin và viễn thông, chế tạo thiết bị năng lượng, dệt may, da giày, xây dựng…đã có những bước phát triển mạnh mẽ, góp phần tích cực trong giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng năng suất và nâng cao đời sống nhân dân.
Quá trình chuyển dịch cơ cấu trong từng ngành cũng đã gắn nhiều hơn với các yêu cầu về CNH, HĐH. Tỷ trọng công nghiệp trong GDP tăng từ 32,24% năm 2011 lên 33,25% vào năm 2015 và 34,39 năm 2019; tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 19,57% năm 2011 xuống còn 17,0% năm 2015 và còn 13,96% năm 2019; trong khi đó tỷ trọng dịch vụ cũng tăng tương ứng 36,74%, 39,40% và 41,64%. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm từ 48,4% năm 2011 còn 44,3% năm 2015 và 34,7% năm 2019, tỷ trong lao động trong công nghiệp tăng tương ứng: 21,3%, 22,9% và 29,4%, lao động trong dịch vụ cũng tăng: 30,3 %, 32,8% và 35,9 %.
Những kết quả này không chỉ khẳng định về sự chuyển biến kinh tế-xã hội ở Việt Nam, mà còn tạo niềm tin đối với bạn bè quốc tế, vì vậy, chỉ số tín nhiệm về năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 3,5 điểm và 10 bậc theo đánh giá của WEF (Diễn đàn kinh tế thế giới), Việt Nam trở thành quán quân trong cuộc đua cải thiện thứ hạng trong xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019, nằm trong nửa trên của bảng xếp hạng thế giới, vị trí 67 trên 141 nền kinh tế được xếp hạng.
Với những kết quả tích cực trên, cùng những chính sách cụ thể trong phát triển công nghiệp được khẳng định trong Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22-3-2018 của Bộ Chính trị “Về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và những định hướng về CNH, HĐH trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Đại hội XIII, sẽ tạo cơ sở thúc đẩy mạnh mẽ hơn CNH, HĐH trong thời gian tới. Và chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng đến năm 2025, Việt Nam sẽ trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Thứ hai, việc từ bỏ công nghiệp hóa để chuyển sang phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa sẽ là bước đi không phù hợp, bởi sẽ không thể phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp thành công nếu không có nền công nghiệp phát triển, trong đó có công nghiệp chế biến.
Sản xuất hàng hóa nông nghiệp là quá trình sản xuất ra sản phẩm để buôn bán, trao đổi với người khác, với xã hội nhằm mục tiêu lợi nhuận. Sản xuất theo hướng nông nghiệp hàng hóa là đẩy mạnh thâm canh, chuyên môn hóa, sử dụng ngày càng nhiều máy móc, vật tư nông nghiệp, công nghiệp mới (trước thu hoạch và sau thu hoạch), nông nghiệp gắn liền với công nghiệp chế biến và dịch vụ nông nghiệp. Việc áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất hàng hóa sẽ tạo nên năng suất cao, sản phẩm nhiều về lượng và tốt về chất, giá thành hạ, hiệu quả và giá trị kinh tế cao. Do vậy việc quan tâm đầu tư nghiên cứu công nghệ, chú ý áp dụng, cải tiến kỹ thuật, sử dụng máy móc, công nghệ hiện đại trong sản xuất hàng hóa nói chung, trong nền kinh tế nông nghiệp sản xuất hàng hóa nói riêng là yêu cầu bắt buộc.
Muốn chuyển nền sản xuất nông nghiệp tự cấp, tự túc lên sản xuất nông nghiệp hàng hoá, cần có những điều kiện cơ bản (phân công lao động xã hội; thị trường; năng lực tổ chức và quản lý sản xuất, tài chính; tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ…). Song, vấn đề đặt ra là, những yếu tố ấy không tự xuất hiện mà phải có sự phát triển của lực lượng sản xuất. Với sự phát triển của lực lượng sản xuất mới dẫn đến phân công lao động, đến sự xuất hiện của thị trường…Trong sự phát triển của lực lượng sản xuất thì nguồn lực con người và máy móc công cụ đóng vai trò cực kỳ quan trọng.
Như vậy, sẽ không thể phát triển được nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa nếu như không có sự phát triển của công cụ máy móc hiện đại cũng như những con người chế tạo ra và vận hành những máy móc ấy. Nói cách khác, nếu như không thực hiện CNH, trong đó có công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn thì không thể phát triển được nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa.
Ngoài máy móc công cụ, phương thức quản lý hiện đại, phát triển CNH còn mở ra thị trường rộng lớn cho các sản phẩn nông nghiệp, cơ sở cho sự mở rộng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa. Nông nghiệp hàng hóa sẽ khó phát triển khi thiếu đi ngành chế biến nông sản phát triển hiện đại, bên cạnh đó là hàng loạt máy móc và công nghệ hiện đại từ khâu làm giống, gieo trồng, chăn nuôi, đánh bắt, chế biến, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ…
Thực tiễn thế giới cho thấy, những nước có nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa phát triển như Israel, Hà Lan…đều có nền tảng công nghiệp rất phát triển. Hà Lan, từ thế kỷ XVII, ngành công thương nghiệp đã có bước phát triển đỉnh cao so với các quốc gia thời đó, tích lũy tư bản của Hà Lan cao hơn tổng tích lũy tư bản của các nước châu Âu cộng lại, đầu tư ra nước ngoài của Hà Lan khi đó gấp 15 lần so với nước Anh. Ngành vận tải biển Hà Lan khi đó phát triển mạnh mẽ, được ví như “người đánh xe trên biển của thế giới”. Hay như Israel, từ thập kỷ 1960 trở đi, chính phủ đã chú ý đầu tư nghiên cứu và phát triển về công nghệ quốc phòng và điện tử. Từ năm 1970, Israel bắt đầu phát triển về sản phẩm công nghệ trong lĩnh vực dân sự, và đến năm 1980 đã có những hợp đồng hợp tác công nghiệp hóa công nghệ cao. Năm 2010 Israel trở thành thành viên chính thức của OECD. Với những nền tảng công nghiệp phát triển như vậy, họ đã đầu tư, hiện đại hóa nông nghiệp, tạo ra nền nông nghiệp hàng hóa phát triển hàng đầu thế giới. Vậy thử hỏi, Việt Nam liệu có phát triển được nền nông nghiệp hàng hóa khi mà thiếu cơ sở, điều kiện bảo đảm cho chính sự phát triển nông nghiệp?
Cũng chính vì vậy, càng khẳng định tính tất yếu của quá trình CNH, HĐH mà ngày nay chúng ta đang triển khai thực hiện. CNH, HĐH không chỉ tạo cơ sở cho nông nghiệp phát triển, mà CNH, HĐH còn tạo cơ sở vật chất - kỹ thuật của một xã hội mới, XHCN. Là nước có nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu quá độ lên CNXH như Việt Nam, việc xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho CNXH phải thực hiện từ đầu, từ không đến có, từ gốc đến ngọn thông qua CNH, HĐH đất nước. Mỗi bước tiến của quá trình CNH, HĐH là một bước tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật cho CNXH, phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất và góp phần hoàn thiện quan hệ sản xuất XHCN, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Như vậy liệu có thể bỏ qua CNH, HĐH để chuyển sang phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, như một số ý kiến đặt ra? Câu trả lời là không thể.
Thứ ba, phải chăng chính sách CNH, HĐH của Việt Nam mơ hồ, không có mục tiêu, là sai lầm, chạy theo lợi ích nhóm, và cần phải khôi phục sở hữu tư nhân về đất đai, xóa bỏ vai trò chủ đạo của KTNN trong quá trình CNH, HĐH?
Quan điểm này cố tình phủ nhận thành tựu của công cuộc đổi mới nói chung, của những kết quả tích cực mà quá trình CNH, HĐH đưa lại. Họ vin vào những thiếu sót, sai lầm mà chính chúng ta đã nhận thức và điều chỉnh cũng như những vụ việc tham nhũng bị phơi bày, bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc để quy kết cho việc thực hiện một chính sách CNH không rõ mục tiêu, một kế hoạch CNH mơ hồ, đẩy đến khủng hoảng kinh tế - xã hội. Và không có gì lạ khi họ quay lại đòi xóa bỏ sở hữu toàn dân về đất đai, đòi xóa bỏ vai trò chủ đạo của KTNN nhằm nắn chỉnh con đường Việt Nam chệch khỏi quỹ đạo định hướng XHCN.
Đảng ta đã khẳng định tính tất yếu CNH, HĐH trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Điều đó cũng đặt ra yêu cầu với tiến trình CNH, HĐH là cùng với chuyển biến về mặt kinh tế - kỹ thuật phải tạo ra và đồng thời là chuyển biến về mặt kinh tế - xã hội. Thực tiễn phát triển của không ít quốc gia, nếu thiên lệch chú ý đến tăng trưởng, “say” tốc độ tăng GDP, thì mục tiêu dài hạn về phát triển bền vững sẽ đổ vỡ.
Mô hình CNH, HĐH ở Việt Nam đặt ra tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với việc giải quyết các vấn đề xã hội ngay trong mỗi bước phát triển và trong từng chính sách. Các nghị quyết đại hội Đảng qua các nhiệm kỳ đều từng bước bổ sung, hoàn chỉnh và ngày càng làm rõ nội hàm của CNH, HĐH ở Việt Nam; Quyết định số 1043/QĐ-TTg ngày 1-7-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản hướng đến 2020 và tầm nhìn 2030, và ngày 22-3-2018, Bộ chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định rõ mục tiêu của CNH, HĐH đến 2030 và tầm nhìn 2045. Đây là những sản phẩm kết tinh trí tuệ của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu Việt Nam, sự hợp tác của các chuyên gia, các nhà khoa học quốc tế. Vì thế cũng không thể “đại ngôn” cho rằng CNH, HĐH ở Việt Nam là mơ hồ, không có mục tiêu.
Trong quá trình thực hiện CNH, HĐH, các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp thuộc các loại hình kinh tế, kể cả doanh nghiệp nước ngoài nhìn chung đều tuân thủ chính sách, pháp luật nhà nước Việt Nam, giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích. Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp, những cá nhân vì lợi ích riêng đã cấu kết trục lợi. Những hành vi sai trái đều bị xử lý, với quan điểm không có vùng cấm trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, đã và đang từng bước làm trong sạch bộ máy, lành mạnh hóa xã hội, đem lại lợi ích chung cho mọi người. Do vậy, không thể vì một số con người sai trái, một số vụ việc mà quy kết chính sách CNH, HĐH là phục vụ lợi ích nhóm. Họ đã cố tình không hiểu, đánh đồng những thiếu sót, sai lầm trong thực hiện CNH, HĐH với mục tiêu và nội dung đường lối CNH, HĐH.
Cũng không vì những vụ việc làm sai của một số cá nhân hay tổ chức liên quan đến thu hồi đất đai, giải phóng mặt bằng cho các công trình, dự án trong quá trình thực hiện CNH, HĐH mà quy kết nguồn gốc là do thực hiện sở hữu toàn dân về đất đai, rồi yêu cầu phải tư nhân hóa đất đai, đòi xóa bỏ Điều 53 trong Hiến pháp quy định về chế độ sở hữu toàn dân về đất đai. Chúng ta biết rằng, quyền tư hữu nhỏ về ruộng đất về mặt lịch sử đã bị vượt qua, còn quyền tư hữu lớn TBCN về ruộng đất cũng đang bộc lộ mâu thuẫn với một nền nông nghiệp hợp lý hóa, phát triển bền vững. Quốc hữu hóa ruộng đất là một tất yếu đặt ra trong tiến trình phát triển nông nghiệp thế giới. Bởi vậy, ở nước ta hiện nay nếu thực hiện trao quyền sở hữu ruộng đất cho hộ nông dân xét trên một phương diện, là bước thụt lùi về lịch sử. Hơn nữa, với mục tiêu xây dựng xã hội trong đó “Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân”, thì nhân dân phải là chủ sở hữu đối với đất đai. Đất đai là thành quả của sự nghiệp giữ nước và dựng nước lâu dài của cả dân tộc, không thể để cho một số người nào đó có quyền độc sở hữu. Đất đai của quốc gia, dân tộc phải thuộc sở hữu chung của toàn dân và được sử dụng phục vụ cho mục đích chung của toàn dân tộc, của nhân dân. Sở hữu toàn dân tạo điều kiện để những người lao động có điều kiện tiếp cận đất đai tự do, tạo ra cơ chế để người lao động có quyền hưởng lợi ích từ đất đai một cách có lợi hơn, công bằng hơn và bình đẳng hơn. Với chế độ sở hữu toàn dân nhấn mạnh quyền của người dân trong sử dụng quyền của mình để cùng nhau giải quyết các vấn đề bất đồng trong sử dụng và phân chia lợi ích từ đất. Nếu thực hiện tư nhân hóa về đất đai thì nhân danh quyền chủ sở hữu, bộ phận nhỏ dân cư sẽ chiếm đoạt bất bình đẳng lợi ích từ đất đai.
Tuy nhiên, trong thực tế vận hành của sở hữu toàn dân về đất đai ở nước ta thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế và tiêu cực. Nhưng điều này không phải do bản chất chế độ sở hữu toàn dân như một số ý kiến quy kết, mà chủ yếu do chưa xác định rõ nội dung kinh tế của các quyền và cơ cấu chủ thể sử dụng cũng như cơ chế vận hành phù hợp với sở hữu toàn dân về đất đai. Thực tiễn trên thế giới cho thấy, ngoài Việt Nam, Trung Quốc, Cu Ba, còn có một số nước áp dụng chế độ công hữu về đất đai bằng pháp luật như các nước Anh, Canada, Australia, New Zealand, Hồng Kông, Xingapore, Israel…Như vậy không phải vì CNH, HĐH ở Việt Nam mà thực hiện sở hữu toàn dân về đất đai, mà hình thức sở hữu này xuất phát từ yêu cầu, logic phát triển gắn với đặc điểm của các quốc gia (chứ không riêng với Việt Nam) đồng thời gắn liền với bản chất của chế độ xã hội hướng tới lợi ích toàn dân.
Tương tự vậy, cũng do một số tiêu cực, hạn chế trong hoạt động của các DNNN và hành vi trục lợi của một số cán bộ công chức quản lý “suy thoái, biến chất”, xuất hiện những ý kiến đòi xóa bỏ vai trò chủ đạo của KTNN. Thực tế kinh nghiệm thế giới cho thấy, trong quá trình CNH, nhà nước cũng như DNNN có vai trò vô cũng quan trọng. Nhà nước không chỉ thực hiện vai trò quản lý, xây dựng hệ thống thể chế phù hợp, khuyến khích các thành phần kinh tế, khơi dậy các nguồn lực, mà còn trực tiếp đầu tư kinh doanh mang tính dẫn dắt và đầu tư vào lĩnh vực mà doanh nghiệp tư nhân chưa muốn đầu tư để tạo môi trường thuận lợi chung cho hoạt động kinh doanh của xã hội. Sự phát triển của các nền kinh tế thế giới chứng minh rằng, nếu thiếu vai trò KTNN, nền kinh tế sẽ vận hành thiếu hiệu quả, nói cách khác sự tham gia của nhà nước vào phát triển kinh tế là một yêu cầu tất yếu. Đối với các nước đang phát triển trong quá trình vận động đi lên văn minh hiện đại, thực hiện CNH thì càng đòi hỏi vai trò lớn hơn của KTNN.
Kinh tế nhà nước không chỉ là DNNN, mà còn bao gồm bộ phận phi doanh nghiệp (như các tài sản thuộc sở hữu nhà nước, đất đai, rừng, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên...). KTNN giữ vai trò chủ đạo không có nghĩa là các DNNN sẽ giữ vị trí chủ đạo trong quá trình CNH, HĐH, hay chi phối trong các ngành, lĩnh vực kinh tế chủ chốt của nền kinh tế. Vai trò chủ đạo KTNN được hiểu theo nghĩa: KTNN là lực lượng vật chất giúp nhà nước định hướng XHCN nền kinh tế quốc dân; là sức mạnh để nhà nước thông qua các cơ chế chính sách điều tiết nền kinh tế; là nguồn lực để nhà nước đầu tư tạo môi trường phát triển chung cho nền kinh tế, chứ không phải chỉ cho riêng DNNN; KTNN giữ vai trò chủ đạo không có nghĩa là phân biệt, đối xử hay hạn chế các thành phần kinh tế khác, mà, ngược lại, khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài nhà nước (tư nhân, có vốn đầu tư nước ngoài…) có tác động tích cực đến sự phát triển của KTNN, để KTNN thực hiện tốt hơn vai trò chủ đạo của mình.
Với sự phân tích trên cho thấy, việc xác định sở hữu toàn dân về đất đai cùng với khẳng định vai trò chủ đạo của KTNN trong quá trình thực hiện CNH, HĐH – nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam là phù hợp, tạo điều kiện cho huy động và dẫn dắt, sử dụng các nguồn lực tập trung cho thực hiện CNH, HĐH, chứ không như các ý kiến tuyên truyền sai lệch là nhằm phục vụ lợi ích nhóm. Bằng hình thức ngụy biện này, về thực chất là họ muốn tư nhân hóa và xóa bỏ hình thức kinh tế dựa trên sở hữu nhà nước, để xây dựng nền kinh tế dựa trên chế độ tư hữu, thực chất là phủ định con đường xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN chuyển sang phát triển kinh tế thị trường TBCN.
PGS.TS. Vũ Văn Hà
Đại học Đại Nam