Chiều 7/11, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã trả lời báo chí về việc hoàn trả 20 viên kim cương và 19.910 viên đá nhân tạo cho Công ty Thảo Lực.
Ông Nam cho biết Công ty Thảo Lực có sổ riêng theo dõi việc mua bán kim cương, thể hiện từ ngày 1/6/2013 đến ngày 30/1/2018, công ty bán cho 30 khách hàng số tiền trên 3,3 tỷ đồng.
Ban đầu, ông Lực thừa nhận toàn bộ sổ ghi nhận bán kim cương nhưng sau đó thay đổi lời khai, xác định chỉ bán hàng cho 11 trường hợp, với số tiền hơn 700 triệu đồng. Công an đã xác minh được 8/11 trường hợp. Như vậy, đủ cơ sở xác định Công ty Thảo Lực có mua bán kim cương.
Theo Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, số kim cương bị tạm giữ được cất tại tầng trệt là địa điểm kinh doanh của Công ty Thảo Lực. Ban đầu, ông Lực khai công ty nhận gia công và cung cấp 5 đơn đặt hàng.
Khi công an xác minh, những người ký tên trong đơn đặt hàng đều phủ nhận quan hệ gia công với Công ty Thảo Lực. Sau đó, ông Lực lại thay đổi lời khai là mua kim cương không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Còn 19.910 viên đá nhân tạo bị thu giữ, ông Lực khai mua tại TP.HCM không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Trên cơ sở đó, Công an TP trình UBND TP Cần Thơ ra quyết định xử phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Sau khi quyết định xử phạt hành chính được ban hành, ông Lực có đơn đề nghị xem xét nhận lại tài sản. Lý do ông Lực đưa ra là nguồn gốc tài sản tích lũy nhiều năm, không kinh doanh nên không quan tâm đến hóa đơn, chứng từ. Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã giao cho các cơ quan chức năng xác minh lại sự việc.
Kết quả xác minh cho thấy địa chỉ kinh doanh của Công ty Thảo Lực cũng là chỗ ở của gia đình ông Lực. Ông này có thể để tài sản cá nhân tại địa điểm kinh doanh, không nhất thiết tài sản ấy là hàng hóa kinh doanh. Trong đơn đề nghị và tại buổi làm việc vào ngày 6/11, ông Lực đã trình bày cụ thể việc không kinh doanh số hàng trên.
Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết vận dụng nguyên tắc có lợi cho doanh nghiệp, sau khi xác minh, các cơ quan chức năng đã thống nhất cho rằng đây là tình tiết mới làm thay đổi nội dung của quyết định.
Vì thế, căn cứ khoản 9 Điều 1 Nghị định 97/2017/NĐ-CP, người đã ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính có quyền hủy bỏ một phần quyết định đã ban hành.