Đề nghị khởi tố hàng loạt lãnh đạo BVĐK tỉnh Hòa Bình
Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) - Công an tỉnh Hoà Bình ra kết luận điều tra bổ sung lần ba vụ án “Vô ý làm chết người”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, liên quan sự cố tai biến y khoa ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình làm 9 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tử vong.
Theo đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình đề nghị truy tố thêm 4 bị can gồm: Trương Quý Dương - nguyên Giám đốc bệnh viện; Hoàng Đình Khiếu - nguyên Phó giám đốc bệnh viện; Trần Văn Thắng - nguyên Trưởng phòng Vật tư và Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc Cty CPDP Thiên Sơn cùng tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Công an Hoà Bình cho rằng, với vai trò Phó giám đốc bệnh viện phụ trách Phòng Vật tư - thiết bị y tế, ông Hoàng Đình Khiếu đã vi phạm quy chế quản lý bệnh viện. Ông Khiếu thiếu kiểm tra đôn đốc việc thực hiện trách nhiệm được giao đối với lãnh đạo, cán bộ phòng vật tư trong việc giám sát sửa chữa thiết bị lọc nước RO2; không sát sao trong kiểm tra, giám sát việc bàn giao hệ thống lọc nước RO2 sau sửa chữa cho Phòng vật tư thiết bị y tế và Đơn nguyên thận nhân tạo.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, nơi xảy ra sự cố chạy thận nhân tạo khiến 9 người chết. Ảnh: Minh Đức |
Với vai trò là Trưởng khoa Hồi sức tích cực, ông Khiếu đã buông lỏng quản lý để cho đơn nguyên lọc máu sử dụng hệ thống lọc nước RO2 sau sửa chữa một cách tuỳ tiện khi chưa được nghiệm thu, bàn giao.
Ông Khiếu biết rõ kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO2 nhưng không phối hợp với Trưởng phòng vật tư để kiểm tra đã được sửa chữa, sử dụng an toàn chưa.
Ông Khiếu cũng được xác định không kiểm tra an toàn sử dụng để biết đồng hồ đo độ dẫn diện nước RO có sai số lớn sẽ không báo cáo chính xác nước RO đảm bảo an toàn cho sử dụng. Không phát hiện, ngăn chặn mà để cho Đơn nguyên lọc máu đưa hệ thông lọc nước RO2 chưa có căn cứ xác định đảm bảo an toàn vào sử dụng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Theo cơ quan điều tra, sau khi xảy ra sự cố ngày 29/5/2017, trong cuộc họp giao ban khoa ông Hoàng Đình Khiếu yêu cầu mọi người hoàn thiện sổ sách sau đó giao Đinh Tiến Công ghi thêm vào sổ giao ban về việc phân công Hoàng Công Lương phụ trách đơn nguyên thận. Cả ông Khiếu và ông Công khai hoàn thiện hồ sơ sổ sách theo thủ tục hành chính để giao nộp cơ quan điều tra, không vì mục đích làm hại ai, không tư lợi cá nhân.
Ngoài ra, cơ quan điều tra xác định còn một số văn bản giấy tờ có dấu hiệu được khắc phục sau sự cố.
Bán hợp đồng bảo dưỡng lọc nước RO
Cơ quan điều tra xác định, ông Trương Quý Dương – Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình đã ký ban hành quyết định 175 thành lập Đơn nguyên lọc máu thuộc khoa Hồ sức tích cực khi không có quy định cụ thể và đưa vào hoạt động khi chưa đủ điều kiện đảm bảo an toàn. Kết luận cũng xác định, trong quá trình hoạt động, đơn nguyên lọc máu thuộc Khoa Hồi sức tích cực không được bố trí đâtỳ đủ nhân lực cần thiết cho hoạt động chạy lọc thẩm đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Từ năm 2015-2017 không có quyết định giao phụ trách đơn nguyên lọc máu cho cá nhân cụ thể dẫn đến việc buông lỏng hoạt động điều hành: không có kỹ sư, kỹ thuật viên mà cũng không giao cho người có trình độ chuyên môn thực hiện trách nhiệm “kiểm tra chất lượng nước, chất lượng dịch lọc trước, trong và sau khi lọc máu”. Cơ quan điều tra – Công an tỉnh Hòa Bình còn xác định, ông Dương có hàng loạt vi phạm như:Quản lý sử dụng có hiệu quả các thiết bị y tế và tài sản khác trong bệnh viện; vi phạm giám đốc có trách nhiệm kiểm tra mọi hoạt động của bệnh viện.
Trong kết luận điều tra bổ sung, Cơ quan CSĐT xác định ông Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc Cty CPDP Thiên Sơn ký hợp đồng 315 với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình nhưng không triển khai mà "bán" lại cho Cty Trâm Anh của Bùi Mạnh Quốc.
Công ty Thiên Sơn cũng không thỏa thuận với Quốc để anh ta phải có trách nhiệm trong việc kiểm tra, báo giá, sửa chữa hệ thống lọc nước RO2.
Cơ quan điều tra khám xét trụ sở Cty CPDP Thiên Sơn tại Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Hoàn |
Ông Tuấn bị cáo buộc để mặc cho Quốc tự thực hiện tất cả các khâu như khảo sát, báo giá, sửa chữa... Ông Tuấn vì thế không biết được Quốc mua và sử dụng vật liệu như thế nào, có đảm bảo chất lượng hay không.
Cơ quan cho rằng hành vi của ông Tuấn dẫn đến việc Quốc tự ý sử dụng hoá chất HF, HCL để sục rửa màng lọc dẫn đến tồn dư một lượng hoá chất lớn gấp nhiều lần mức cho phép, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Ông Tuấn bị đề nghị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo điều 285 bộ luật hình sự 2015.