Tham dự cuộc họp có các địa phương: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum. Phó Thủ tướng đã nghe báo cáo về tình hình ứng phó với cơn bão số 4 tại các tỉnh, thành nằm trong khu vực ảnh hưởng của bão.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo tiền phương, các tỉnh từ Quảng Trị - Bình Định đã rà soát, sẵn sàng di dời người dân bị ảnh hưởng do bão với tổng số 118.144 hộ/402.746 người. Đến 17 giờ ngày 27/9, đã di dời 81.152 hộ/253.032 người đạt 71%. Việc di dời hoàn thành vào 18 giờ cùng ngày. 10 tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Kon Tum đã cho học sinh nghỉ học từ ngày 27/9. Các tỉnh: Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và thành phố Đà Nẵng đã cho cán bộ, công nhân nghỉ làm từ ngày 27 - 28/9. Hiện, còn 4.787 khách du lịch tại các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định đã nhận được thông tin về bão và cư trú tại các cơ sở du lịch đảm bảo an toàn. Du khách trên các đảo đã di chuyển vào đất liền tránh trú an toàn. Các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc cắt tỉa cành cây, chằng chống, gia cố nhà ở, biển hiệu, công trình, cột tháp cao...
Về tình hình tàu thuyền, hiện không còn tàu cá hoạt động trong khu vực nguy hiểm. Các lực lượng chức năng đã hướng dẫn cho 57.840 tàu/299.678 lao động di chuyển tránh trú bão an toàn. Các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình - Khánh Hòa đã ban hành lệnh cấm biển. Về nuôi trồng thủy sản, từ Thừa Thiên Huế - Bình Định có 20.712 ha và 4.480 lồng. Để chủ động ứng phó với cơn bão số 4, các tỉnh, thành phố đã tổ chức gia cố, di dời người dân trên các lồng bè, chòi canh.
Về giao thông, các cảng hàng không Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Phù Cát, Pleiku tạm dừng khai thác từ 12 giờ ngày 27/9 đến 12 giờ ngày 28/9. Các tỉnh gồm: Thừa thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định tổ chức lực lượng quản lý giao thông trên Quốc lộ 1A từ 18 giờ đến 21 giờ ngày 27/9. Hiện, các đơn vị chức năng đang triển khai công tác ứng trực, duy trì lực lượng tìm kiếm cứu nạn, sẵn sàng với 244.768 cán bộ, chiến sĩ và 2.921 phương tiện; tổ chức bắn pháo hiệu tại 33 điểm ven biển.
Quang cảnh buổi họp. Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN |
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã yêu cầu các địa phương báo cáo một số biện pháp triển khai ứng phó với bão số 4 như: công tác di dời người dân đến nơi an toàn, bố trí chỗ ở tại nơi tiếp nhận; tình hình bảo vệ các công trình trọng điểm, quan trọng ảnh hưởng đến đời sống người dân như trụ sở, đường xá, bệnh viện, hệ thống điện; chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho người dân; triển khai, ứng cứu người dân tại các địa phương bị mưa, bão chia cắt; các phương án ứng trực với sự cố trên biển; biện pháp trước mắt thiết thực đế đối phó với trận bão đang đến gần.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các địa phương cần tận dụng từng chút thời gian trước khi bão đổ bộ để hướng dẫn người dân; không được để bất cứ người dân nào ở trên tàu, thuyền, để thuyền sáng đèn; không để người dân bị tai nạn thương tích, nguy hiểm tính mạng vì ở trên tàu. Lực lượng Biên phòng, chính quyền địa phương rốt ráo kiểm tra tại các địa điểm neo đậu tàu, thuyền. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các phòng trực tuyến mở suốt đêm để kịp thời cập nhật, báo cáo tình hình bão.
Quang cảnh buổi họp. Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN |
Kết luận buổi họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng đây là một cơn bão mạnh, vô cùng phức tạp nên toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương cần thống nhất tập trung cao, triển khai mọi giải pháp giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản, với tinh thần khẩn trương và khẩn trương hơn nữa, tất cả vì tính mạng, tài sản của người dân. Các địa phương cần nghiêm túc, chặt chẽ rà soát lại các khu vực trọng yếu như: vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, các lồng bè nuôi trồng thủy sản; kiên quyết không để bất cứ người dân nào ở lại, trên tàu thuyền, lồng bè, nếu cần thiết thì các lực lượng quân sự phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng lưu ý các ngành chức năng, các tỉnh, thành cần có trách nhiệm trong việc bảo vệ tài sản của người dân. Bên cạnh đó, cần cắt cử lực lượng thường xuyên rà soát tại các vị trí trọng yếu, các công trình quan trọng ảnh hưởng lớn tới sản xuất, kinh doanh và phòng, chống bão như: hồ đập, hệ thống điện, thủy điện, đê biển... Từ đó, có các thông tin, giải pháp kịp thời để ứng phó với cơn bão. Đặc biệt, thực hiện tốt công tác tuyên truyền để người dân quán triệt, không chủ quan sau bão, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất về người và của.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cùng đoàn công tác kiểm tra tình hình khắc phục thiệt hại sau trận lốc xoáy chiều ngày 27/9 tại thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh. Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN |
Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác phòng, chống bão số 4 tại tỉnh Quảng Trị. Tại đây, Phó Thủ tướng đã kiểm tra tình hình khắc phục thiệt hại do lốc xoáy ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh; kiểm tra tình tránh trú bão của tàu, tuyền tại Khu neo đậu tàu thuyền Nam Cửa Việt, huyện Triệu Phong; kiểm tra tại điểm di dân, tránh trú bão ở xã Triệu An, huyện Triệu Phong.