Tham dự Phiên thảo luận có 04 Tổng thống và Thủ tướng, 02 Phó Thủ tướng, 05 cấp Bộ/Thứ trưởng và các báo cáo viên gồm Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki.
Trong phát biểu, các báo cáo viên và Lãnh đạo các nước đánh giá cao quan hệ hợp tác chiến lược LHQ-AU, đề cao đóng góp của AU trong việc thúc đẩy hòa bình, an ninh và phát triển tại châu Phi; cho rằng hai bên cần tiếp tục tăng cường hợp tác trong ứng phó với các thách thức toàn cầu, ngăn ngừa và giải quyết xung đột ở khu vực; khẳng định khuôn khổ hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực cần được tiếp tục duy trì và củng cố trên cơ sở phù hợp với Chương VIII của Hiến chương LHQ.
Các ý kiến đều đánh giá cao những thành tựu quan trọng đạt được thông qua hợp tác LHQ-AU trong thời gian qua, góp phần tích cực vào các tiến trình chính trị - hòa bình, kinh tế - xã hội tại nhiều quốc gia như Trung Phi, Nam Sudan và Sudan; tuy nhiên cũng chia sẻ quan ngại trước những diễn biến phức tạp tại nhiều nước khác trong khu vực như ở Libya, Yemen, Somalia, khu vực Sahel hay Hồ Chad...; mong muốn AU và LHQ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để ứng phó với các thách thức toàn cầu và giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của xung đột.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá cao những nỗ lực của Châu Phi cũng như vai trò của AU và các tổ chức tiểu khu vực trong việc thúc đẩy hội nhập khu vực, phát triển kinh tế - xã hội trong những năm vừa qua. Bên cạnh đó, những thách thức như khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, nguồn nước, đại dịch COVID-19, Ebola... đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường hòa bình, ổn định ở nhiều nước trong khu vực và thậm chí dẫn đến nguy cơ làm trầm trọng hơn các cuộc xung đột, bất ổn hiện nay.
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận. - Ảnh: VGP/Hải Minh |
Phó Thủ tướng khẳng định quan hệ hợp tác giữa LHQ và AU là khuôn khổ quan trọng trong việc triển khai các sáng kiến an ninh, hòa bình ở khu vực, thông qua việc tận dụng sự hỗ trợ và chuyên môn của quốc tế, cũng như vai trò của cơ chế khu vực như AU, qua đó góp phần ngăn ngừa và giải quyết các cuộc xung đột ở Châu Phi. Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng chia sẻ một số đề xuất nhằm tăng cường hợp tác LHQ – AU, trong đó có ủng hộ việc tăng cường vai trò điều phối của AU trong giải quyết các xung đột ở khu vực; nâng cao quan hệ hợp tác chiến lược giữa AU và LHQ; mở rộng hợp tác liên khu vực, chẳng hạn như nghiên cứu các cơ hội hợp tác giữa ASEAN và AU trong chia sẻ kinh nghiệm về ứng phó các thách thức toàn cầu và hiện thực hóa các mục tiêu khu vực.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước châu Phi luôn đồng hành cùng công cuộc đấu tranh giành độc lập, tái thiết và phát triển đất nước của Việt Nam; cho biết lực lượng gìn giữ hòa bình đầu tiên của Việt Nam tham gia cũng là tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi. Phó Thủ tướng khẳng định hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực luôn là một trong các ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong nhiệm kỳ HĐBA lần này, được thể hiện rõ qua sáng kiến tổ chức cuộc họp lần đầu tiên về hợp tác ASEAN-LHQ khi Việt Nam là Chủ tịch HĐBA tháng 01/2020; đồng thời Việt Nam sẽ luôn sẵn sàng đóng góp tích cực vào tiến trình hợp tác nhằm thúc đẩy quan hệ ASEAN và AU trong thời gian tới vì lợi ích chung của hai khu vực châu Á và châu Phi.
Liên minh Châu Phi (AU) được thành lập vào năm 2002, hiện có 55 quốc gia thành viên là các quốc gia châu Phi với dân số là 1,3 tỷ người, chiếm 3% GDP thế giới. Kể từ khi thành lập, AU luôn hợp tác chặt chẽ với LHQ trên nhiều vấn đề, từ hòa bình an ninh cho đến phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo... AU cũng là quan sát viên tại Đại hội đồng Liên hợp quốc. Vào tháng 12/2018, HĐBA đã lần đầu tiên tổ chức thảo luận mở về hợp tác giữa LHQ và AU, tập trung về khía cạnh tăng cường tài chính cho các hoạt động gìn giữ hòa bình tại Châu Phi.