Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng Chính phủ nhất quán trong việc ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là các công trình giao thông quan trọng. Trong lĩnh vực hàng không, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư sân bay quốc tế Long Thành, nhưng trước hết, phải khẩn trương có các giải pháp giải quyết ùn tắc “cả trên trời, dưới mặt đất” tại sân bay Tân Sơn Nhất.
“Phải làm thêm đường lăn, nhà ga, sắp xếp lại khu vực sân đỗ, đầu tư thêm các hệ thống giao thông kết nối ra bên ngoài. Về nguồn vốn, phải xác định dùng vốn xã hội là chính, chỉ đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước với các công trình hạ tầng chính như đường lăn, sân đỗ. Các công trình nhà ga, phụ trợ dùng vốn xã hội hóa. Mục tiêu là quý III/2017 phải đưa vào sử dụng một số hạng mục chính, hoàn thành trong năm 2018”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng vốn cho giao thông, đặc biệt là từ nguồn ngân sách sẽ ngày càng khó khăn. Đây là thách thức rất lớn mà ngành GTVT cần phải vượt qua. Do đó, phó Thủ tướng yêu cầu Bộ cần rà soát lại để bổ sung những nội dung còn thiếu, xử lý chồng chéo. Nghiên cứu xây dựng cơ chế đặc thù đối với ngành GTVT trong thực hiện các dự án trọng điểm vừa bảo đảm đúng quy định của pháp luật vừa phù hợp với thực tiễn; xây dựng cơ chế huy động hiệu quả các nguồn lực cho phát triển.
Như Ngày Nay đã thông tin, việc giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Trong khi đó, dự án mở rộng Tân Sơn Nhất khi đất có, chủ trương có song triển khai khá chậm trễ. Các chuyên gia cho rằng, cần có chính sách thông thoáng, minh bạch để huy động nguồn lực xã hội tham gia đầu tư hạ tầng hàng không thay vì đặt gánh nặng này lên vai nhà nước. Trong khi đó, các hãng hàng không cho biết sẵn sàng tham gia đầu tư hạ tầng hàng không, thực hiện các giải pháp để giảm tải cho các sân bay trọng điểm cũng như khai thác hiệu quả các sân bay theo quy hoạch phát triển hàng không giai đoạn 2020 và 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Được biết, theo quy hoạch này, tổng nhu cầu vốn cho các dự án cảng hàng không lên tới 227.800 tỉ đồng, tương đương 14,2 tỉ USD. Trong đó, đầu tư cơ sở vật chất cảng hàng không khoảng 90.000 tỉ đồng (5,6 tỉ USD).