Theo thông tin đăng tải trên báo điện tử Vnexpress, chiều 1/6, Tiểu ban Điều trị (Bộ Y tế) cho biết, so với hôm qua, chức năng thận của bệnh nhân đã hồi phục.
Phổi bệnh nhân cải thiện thêm, thông khí phổi tăng và ổn định gấp đôi so với các ngày trước. Tuy nhiên vẫn chưa đạt mức có thể cai ECMO (hệ thống oxy hóa ngoài cơ thể) do cơ hô hấp còn yếu và còn thở nhanh. Lưu lượng máu ECMO hiện là 3,7 lít một phút, đang giảm dần số lít oxy còn 1,5 lít một phút và nồng độ oxy vào máy còn 50%.
Quy trình cai ECMO là giảm dần lưu lượng máu vào máy, sau đó giảm dần số lít oxy và nồng độ oxy vào máy. Thời điểm bệnh nhân nặng nhất, số lít oxy vào máy ECMO là 6 lít một phút với nồng độ oxy 100%.
Khi số lít oxy vào máy giảm còn 0 lít, nếu 24 giờ sau bệnh nhân vẫn ổn định thì sẽ được rút hệ thống ECMO.
Bệnh nhân hiện tỉnh, phản xạ ho mạnh hơn và sức cơ tăng. Hoạt động chi trên đạt 3/5, chi dưới 2/5, cơ hoành phải hoạt động nhưng còn yếu. Bệnh nhân có hội chứng cai thuốc an thần và fentanyl nên hơi bứt rứt và thở nhanh.
Phi công người Anh đã có thể biểu cảm khi các bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Chợ Rẫy hỏi thăm - Ảnh:Tuổi Trẻ |
Đánh giá chung, bệnh nhân còn nặng dù đã giảm được các thông số ECMO. Sức cơ toàn thân còn yếu, đặc biệt yếu các cơ hô hấp và nhiễm trùng phổi với chủng vi khuẩn rất khó điều trị. Các bác sĩ tiếp tục điều trị nhiễm trùng phổi cho anh bằng kháng sinh mới.
Bệnh nhân vẫn truyền liên tục thuốc kháng đông, tập vật lý trị liệu ngày hai lần, đồng thời tăng cường dinh dưỡng bằng cách nuôi ăn qua đường tiêu hóa và tĩnh mạch.
Chiến lược điều trị là tập trung chữa nhiễm trùng phổi và từng bước cai ECMO. Các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức phối hợp với Chợ Rẫy tiếp tục theo dõi tình trạng người bệnh, tìm kiếm nguồn hiến phổi phù hợp để ghép.
Như Vietnamnet đã đưa tin, bệnh nhân 91 nhập viện điều trị tại BV Nhiệt đới TP.HCM từ ngày 18/3, sức khoẻ liên tiếp xấu đi. Từ ngày 5/4, bệnh nhân chuyển sang thở máy và từ 6/4 đến nay phải dùng ECMO hỗ trợ. Từ 22/5, bệnh nhân được chuyển sang BV Chợ Rẫy TP.HCM để tập trung hồi sức tích cực.
Trong suốt hơn 2 tháng qua, bệnh nhân đã rất nhiều lần tiên lượng không thể qua khỏi nhưng các y bác sĩ Việt Nam vẫn kiên trì, hội chẩn liên tục, tìm mọi biện pháp để cứu sống.
Nhiều tờ báo quốc tế cũng khen ngợi nỗ lực phi thường của Việt Nam tìm cách cứu phi công Anh và đến nay chưa có bệnh nhân Covid-19 nào tử vong.