Quan hệ Việt Nam và Indonesia không ngừng được củng cố trong 65 năm

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - 65 năm qua, quan hệ Việt Nam-Indonesia không ngừng được củng cố và lớn mạnh và chính quan hệ tốt đẹp giữa này đã và đang đóng góp tích cực đối với hòa bình, thịnh vượng của khu vực và thế giới.
Quan hệ Việt Nam và Indonesia không ngừng được củng cố trong 65 năm ảnh 1

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào sáng 23/8/2017, chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tới Indonesia. (Ảnh: TTXVN)

Cách đây 65 năm, Indonesia là nước đầu tiên ở Đông Nam Á mà Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.

65 năm qua, quan hệ Việt Nam và Indonesia không ngừng được củng cố và lớn mạnh. Và chính quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Indonesia đã và đang đóng góp tích cực cho sự phát triển của mỗi nước nói riêng và đối với hòa bình, thịnh vượng của khu vực và thế giới nói chung.

Quan hệ chính trị ngày càng gắn kết, đạt mức độ tin cậy cao

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Soekarno chính là người đặt nền móng đầu tiên cho quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Indonesia với tư cách là những quốc gia độc lập. Ngay sau năm 1945, Bác Hồ với tư cách là Chủ tịch nước kiêm Bộ trưởng Ngoại giao đã ủng hộ mạnh mẽ các sáng kiến hợp tác Liên Á và hợp tác Á-Phi của Indonesia, Ấn Độ để tập hợp lực lượng cùng đoàn kết chống chủ nghĩa thực dân cũ.

Tháng 4/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử đoàn cấp cao của Việt Nam dự Hội nghị Bandung ở Indonesia, nhân dịp đó hai bên trao đổi về việc thiết lập quan hệ ngoại giao.

Ngày 31/12/1955, Indonesia trở thành nước đầu tiên ở Đông Nam Á mà Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Tình hữu nghị thân thiết giữa hai vị Lãnh tụ và sự gần gũi về lịch sử, văn hóa và tư tưởng tự cường dân tộc đưa hai nước gắn bó với nhau. Trên cơ sở đó, mối quan hệ giữa Việt Nam và Indonesia ngày càng được củng cố và lớn mạnh.

Năm 2003, trong chuyến thăm của Tổng thống Indonesia Megawati đến Việt Nam, hai bên đã ký Hiệp định quan hệ Đối tác toàn diện. Đây là thay đổi lớn, mở đường cho hợp tác và quan hệ hai nước phát triển trên nhiều lĩnh vực.

Đến tháng 6/2013, hai bên đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược và Việt Nam trở thành đối tác chiến lược duy nhất của Indonesia tại Đông Nam Á. Kể từ đó, quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển toàn diện hơn, sâu rộng hơn, cả song phương và đa phương.

Để triển khai quan hệ hợp tác chiến lược hiệu quả, hai nước đã ký Kế hoạch hành động giai đoạn 2014-2018, sau đó được gia hạn bằng Kế hoạch hành động giai đoạn 2019-2023.

Quan hệ Việt Nam và Indonesia không ngừng được củng cố trong 65 năm ảnh 2
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đón tiếp Tổng thống Indonesia Joko Widodo trong chuyến thăm Việt Nam, thàng 9/2018. (Nguồn: TTXVN)

Trong các lĩnh vực hợp tác, quan hệ chính trị được đánh giá là lĩnh vực nổi trội nhất. Theo đó, quan hệ chính trị ngày càng gắn kết, đạt mức độ tin cậy cao, tần suất trao đổi và tiếp xúc cấp cao và các cấp gia tăng.

Gần đây nhất phải kể đến: chuyến thăm chính thức Indonesia của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 8/2017) - chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tới Indonesia và chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Indonesia Joko Widodo (tháng 9/2018) - chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của ông Joko Widodo kể từ khi nhậm chức vào năm 2014.

Từ đầu năm 2020, trước tình hình phức tạp của đại dịch COVID-19, lãnh đạo hai nước đã chủ động trao đổi kinh nghiệm ứng phó đại dịch và các biện pháp thúc đẩy trao đổi thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống cho người dân giai đoạn hậu đại dịch.

Việt Nam và Indonesia cũng chia sẻ nhiều lợi ích trong việc thúc đẩy liên kết khu vực và hội nhập quốc tế. Việt Nam và Indonesia đã có những đóng góp tích cực cho tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN đoàn kết và phát triển, phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề an ninh khu vực, thúc đẩy quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thể hiện vai trò chủ đạo của ASEAN trong duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và trên thế giới.

Việt Nam và Indonesia cũng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như ASEAN, Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM)... Đặc biệt, năm 2020, Việt Nam và Indonesia cùng là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Hợp tác trên nhiều lĩnh vực đều có bước tiến lớn

Hợp tác kinh tế giữa hai nước trong những năm qua đã có bước phát triển nhảy vọt, với kim ngạch thương mại song phương tăng từ 3,3 tỷ USD năm 2010 lên 9,1 tỷ USD năm 2019. Trong 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của thương mại song phương Việt Nam-Indonesia luôn đạt mức 12%/ năm.

Theo kế hoạch hành động 2019-2023, hai nước đặt mục tiêu thương mại 10 tỷ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã khiến mục tiêu này bị ảnh hưởng.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính đến tháng hết tháng 11 vừa qua, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 7,34 tỷ USD; trong đó, Việt Nam nhập khẩu 4,8 tỷ USD, xuất khẩu 2,5 tỷ USD.

Indonesia cũng là một trong những nước đầu tiên trong khối ASEAN đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Lũy kế đến ngày 20/12 vừa qua, Indonesia có 98 dự án đầu tư có hiệu lực tại Việt Nam với trị giá 608 triệu USD, đứng thứ 5 trong ASEAN và thứ 28/139 quốc gia và vũng lãnh thổ đầu từ vào Việt Nam.

Bên cạnh các hợp tác về chính trị và kinh tế, văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân cũng là một trong những trụ cột quan trọng trong mối quan hệ giữa Indonesia và Việt Nam, góp phần thúc đẩy sự hiểu biết giữa người dân hai nước, trở thành chất xúc tác tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khác.

Hiện nay cộng đồng người Việt Nam tại Indonesia có khoảng 300 người sống tại các thành phố lớn như Jakarta, Bandung, Bali, Yogyakarta. Trong khi đó, cộng đồng người Indonesia tại Việt Nam có khoảng 900 người sống chủ yếu tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Hiện nay, hai hãng hàng không Vietnam Airlines và VietJet Air đã có những chuyến bay thẳng giữa hai nước, giúp thúc đẩy giao thương và hợp tác song phương thuận lợi hơn. Năm 2019, lượng khách du lịch Indonesia tới Việt Nam tăng 21,3% đạt 108.000 người. Trong khi đó, có 80.000 khách du lịch Việt Nam đã tới Indonesia.

Đánh giá về mối quan hệ hiện tại giữa hai nước, Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Ibnu Hadi cho biết mặc dù trong thời COVID-19, các chuyến bay bị đình chỉ, song bằng nhiều hình thức trực tuyến, mối quan hệ song phương vẫn được duy trì trong tất cả các lĩnh vực giáo dục, kinh tế, xã hội...

Đại sứ Ibnu Hadi nhấn mạnh đại dịch COVID-19 là thách thức nhưng cũng là cơ hội để hai nước tăng cường hợp tác, đặc biệt trong việc phòng, chống đại dịch toàn cầu. Việt Nam là quốc gia thành công trong phòng, chống COVID-19 và đã dẫn dắt khu vực ASEAN vượt qua khủng hoảng trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020.

Triển vọng hợp tác giữa Indonesia và Việt Nam trong tương lai là rất khả quan khi hiện nay, Indonesia là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á còn Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đứng thứ 2 Đông Nam Á về tăng trưởng kinh tế kỹ thuật số.

Đồng thời, chính sự phát triển của quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Indonesia sẽ góp phần thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN, trở thành chất xúc tác cho đoàn kết và thống nhất trong ASEAN, góp phần duy trì trì hòa bình, ổn định, xây dựng sự thịnh vượng cho khu vực và trên thế giới.

Theo TTXVN
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.