Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank - mã CK: VBB) vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý I với thu nhập lãi thuần đạt 364,2 tỷ đồng, tăng 53,4% so với quý cùng kỳ năm trước. Cùng với đó hoạt động dịch vụ báo lãi tăng 23%, lên 25 tỷ đồng và hoạt động khác lãi 40,9 tỷ đồng, tăng 51,5%.
Trong khi đó, lãi từ hoạt động ngoại hối giảm 22% so với quý I/2021, còn 7,4 tỷ đồng, mảng mua bán chứng khoán đầu tư lãi 55,7 tỷ đồng, giảm 54%. Chi phí hoạt động tăng 4% lên 306,3 tỷ đồng. Chi phí dự phòng là 73,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2021 hoàn nhập 3,3 tỷ đồng.
Kết quả, lãi trước thuế của ngân hàng giảm 9%, xuống còn 113,1 tỷ đồng, tương đương 10,3% kế hoạch năm.
Tính đến thời điểm hết 31/3, tổng tài sản tăng 1,1% so với đầu năm, lên 104.918 tỷ đồng. Trong đó tiền mặt tăng 12% lên 624,5 tỷ đồng, tiền gửi NHNN giảm 8%, còn 4.273 tỷ đồng, tiền gửi và cho vay các TCTD khác tăng 19% lên 17.414,5 tỷ đồng.
Cho vay khách hàng 51.680 tỷ đồng, tăng 2,3% so với cuối năm 2021, dự phòng rủi ro cho vay khách hàng tăng 9% lên 1.000 tỷ đồng. Tổng nợ xấu 2.242,4 tỷ đồng, tăng 21,5%. Nợ có khả năng mất vốn tăng 47,6%, lên 1.360,8 tỷ đồng, chiếm 60% trong cơ cấu nợ xấu. Nhóm nợ dưới tiêu chuẩn tăng 14%, lên 377 tỷ đồng và nhóm nợ nghi ngờ giảm 14,8%, xuống 504,2 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu từ 3,65% đầu năm lên 4,33%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu từ 49,7% giảm xuống còn 44,6%.
Về nguồn vốn, tiền gửi khách hàng là 69.314 tỷ đồng, tăng 3,8%, phát hành giấy tờ có giá tăng hơn 20%, lên 9.185 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tăng 12,5%, lên 809,3 tỷ đồng.
Trước đó, Vietbank cũng đã tổ chức thành công đại hội cổ đông thường niên 2022.
Theo tài liệu họp đại hội đồng cổ đông năm 2022 của Vietbank thì lợi nhuận trước thuế lên kế hoạch ở mức 1.090 tỷ đồng, tăng 71,4%. Tổng tài sản dự kiến 133.000 tỷ đồng, tăng 28,7%.
Huy động từ khách hàng ở mức 102.000 tỷ đồng, tăng 37,1%. Tổng dư nợ cho vay 65.200 tỷ đồng, tăng 15% và tỷ lệ nợ xấu không vượt quá 2%, giảm so với năm trước đó.
Trong năm 2022, Vietbank định hướng tận dụng cơ hội để tăng tốc, đảm bảo hài hòa hai mục tiêu tăng trưởng bền vững và hiệu quả hợp lý, đồng thời tập trung mở rộng thị phần, tăng trưởng quy mô tổng tài sản về số lượng, chất lượng và kiểm soát nợ quá hạn dưới mức 3,5%. Ngân hàng cũng muốn xây dựng và phát triển Vietbank theo định hướng ngân hàng số, từng bước chuyển dịch mô hình kinh doanh theo định hướng bán lẻ, nâng cao tỷ trọng giao dịch ngoại tệ, giảm sử dụng vốn vào các ngành nghề nhiều rủi ro.
Vietbank cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm nay, qua phương thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Ngân hàng dự kiến phát hành 100,3 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 100:21 (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ mua thêm 21 cổ phiếu phát hành thêm), nâng mức vốn điều lệ lên 5.779 tỷ đồng.
Mục đích tăng vốn là nhằm nâng cao năng lực tài chính, năng lực hoạt động và khả năng cạnh tranh của ngân hàng để thực hiện các mục tiêu chiến lược giai đoạn 2021 – 2025. Toàn bộ phần vốn tăng từ phát hành cổ phiếu năm 2022 dự kiến được sử dụng cho mở rộng mạng lưới hoạt động, bảo đảm tuân thủ các tỷ lệ an toàn và sinh lợi cho hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, ngân hàng trình ĐHĐCĐ thông qua việc lựa chọn công ty kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán, soát xét báo cáo tài chính và hệ thống kiểm soát nội bộ cho năm tài chính 2022 và 2023. BKS đã lựa chọn và gửi công văn đến HĐQT ngân hàng và quyết định công ty KPMG thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính và hoạt động hệ thống kiểm soát nội bộ của Vietbank và công ty Vietbank AMC cho năm tài chính 2022.
Ngân hàng cũng trình ĐHĐCĐ tổng mức thù lao và ngân sách hoạt động trong năm 2022 dự kiến là 20 tỷ đồng, bao gồm công tác phí, vé máy bay, các chi phí hội nghị, tiếp khách, quà tặng…
Năm 2021, lợi nhuận trước thuế của Vietbank đạt 636 tỷ đồng, tăng 67,3% so với năm 2020. Tổng tài sản đạt 103.337 tỷ đồng, tăng 13%. Huy động vốn 74.391 tỷ đồng, tăng 7%. Vốn điều lệ 4.776 tỷ. Tổng dư nợ cho vay đạt 56.678 tỷ đồng, tăng 15,5% và tỷ lệ nợ xấu luôn được duy trì ở mức 3%.