Không chỉ những sinh viên mới tốt nghiệp đang chật vật tìm kiếm việc làm, nhiều người lao động trên 30 tuổi tại Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với nguy cơ bị sa thải và đấu tranh để tìm việc làm mới.
“Chúng tôi chỉ tìm kiếm những người sinh sau năm 1990 và không thể tuyển dụng cho anh vào thời điểm này”, Zhao, một người 35 tuổi sống ở Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, thuật lại lời của một nhân viên tuyển dụng.
Từng làm việc cho một số nhà sản xuất ô tô và các bộ phận liên quan, Zhao quyết định nghỉ việc vào mùa xuân năm ngoái để tìm kiếm mức lương cao hơn, nhưng hóa ra đây là một sai lầm.
Ngay cả khi ngành công nghiệp ô tô được hưởng lợi từ thị trường xe điện đang phát triển nhanh chóng, Zhao cho biết anh “không nhận được bất kỳ phản hồi nào" về hồ sơ ứng tuyển của mình.
Trong một cuộc khảo sát vào tháng 4 năm 2023 của công ty nhân sự Zhaopin, 85% người lao động cho biết có hoặc có thể có rào cản trong việc tìm kiếm hoặc giữ việc làm ở độ tuổi ngoài 35.
Những người làm trong ngành công nghệ, tài chính và ô tô đặc biệt lo lắng về cột mốc 35. Ở ngưỡng tuổi này, họ thường xuyên có xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho gia đình. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cũng không dư dả để chi thêm tiền cho nhân viên.
Các công ty Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc cải thiện thu nhập do đà phục hồi kinh tế yếu kém khiến chi phí lao động bị cắt giảm.
Chủ doanh nghiệp không chỉ cắt giảm việc tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp, mà nhiều nơi còn sa thải nhân viên ở độ tuổi 30 và 40 và thay thế họ bằng những người ở độ tuổi 20 với mức lương thấp hơn.
“Đối với những công việc không đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, chẳng hạn như công việc thiết kế đơn giản, tốt hơn nên thuê những người trẻ được trả lương thấp hơn và có thể làm việc ngoài giờ suốt đêm”, quản lý tại một nhà sản xuất đồ nội thất ở Thượng Hải cho biết.
Tình trạng mất an ninh việc làm lan rộng ở những người ở độ tuổi 30 và 40 đang làm giảm sút tâm lý hộ gia đình.
Theo Cục Thống kê Trung Quốc, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng không có dấu hiệu cải thiện sau khi sụt giảm đáng kể vào tháng 4 năm 2022, khi nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái do đại dịch COVID-19.
Tại chùa Phật Ngọc ở trung tâm Thượng Hải, những lời cầu nguyện liên quan đến việc làm nổi bật bên cạnh những lời cầu mong về sức khỏe và thành công trong học tập trên những tấm thiệp cầu nguyện màu đỏ treo trên cây.
“Con cầu nguyện sẽ có thể giữ được hợp đồng lao động của mình”, một người viết lời khấn.
“Những người bị sa thải đã khiến kế hoạch cuộc đời của họ bị xáo trộn”, Ding, nhân viên tại một công ty phát triển game ở Thượng Hải, cho biết. “Ngay cả những người đã tránh khỏi đợt sa thải cũng bị buộc phải làm việc ngoài giờ nhiều hơn và lo sợ về đợt sa thải tiếp theo".