Ngày 20/7, anh đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang khám. Kết quả chụp CT scanner cho thấy, hình ảnh tổn thương đặc hiệu của lao cột sống, gây biến dạng gù nặng, kèm dính liền 2 thân đốt sống.
Để bệnh nhân đi đứng lại được trong tư thế thẳng đứng bình thường, kíp phẫu thuật nắn chỉnh gù vẹo cho bệnh nhân bằng robot phẫu thuật. Đây là lần đầu tiên Bệnh viện Đa khoa Đức Giang sử dụng robot trong phẫu thuật chỉnh gù vẹo cột sống, nâng cao chất lượng điều trị.
Bác sĩ Trần Trung Kiên, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện đa khoa Đức Giang, cho biết ưu điểm của phẫu thuật cột sống có sử dụng robot là có độ chính xác cao trong từng thao tác, cho phép lập trình được toàn bộ các vị trí giải phẫu của cột sống lên màn hình 3D của máy tính, giúp các bác sĩ chủ động lập kế hoạch phẫu thuật chi tiết trước khi tiến hành phẫu thuật. Đồng thời, robot định vị, xác định các vị trí chính xác để thực hiện bắt vít vào cột sống, hướng bắt vít, kích thước và chiều dài của vít, kíp phẫu thuật có thể theo dõi kiểm tra được toàn bô các bước của quá trình phẫu thuật trên màn hình 3D của máy tính.
Đi kèm với robot còn có hệ thống cảnh báo thần kinh giúp giảm thiểu nguy cơ gây tổn thương các bộ phận thần kinh như tủy sống và các dây rễ thần kinh. "Đặc biệt, sử dụng robot trong phẫu thuật tỷ lệ tai biến gần như không có, sự hồi phục của bệnh nhân sẽ nhanh chóng hơn bởi thời gian mổ rút ngắn, nếu bình thường ca mổ kéo dài khoảng 8 tiếng, sử dụng robot chỉ mất 3 tiếng đồng hồ", bác sĩ Kiên cho biết.
Mỗi năm, Bệnh viện Đức Giang phẫu thuật khoảng 10.000 ca, trung bình gần 30 ca một ngày. Riêng khoa Phẫu thuật chỉnh hình tiến hành tới gần 2.000 ca một năm. Tuy nhiên hiện nay chi phí phẫu thuật cột sống có sử dụng robot còn cao, người dân ít có điều kiện tiếp cận với kỹ thuật này.