44% nam giới Việt uống rượu, bia ở ngưỡng “nguy hại”
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, tại Việt Nam, sản lượng rượu, bia và đồ uống có cồn khác được sản xuất gia tăng nhanh qua các năm trong khi thế giới đang giảm dần. Năm 2015, Việt Nam sản xuất 3.4 tỷ lít bia, 70 triệu lít rượu công nghiệp và khoảng 250 triệu lít rượu thủ công.
Việc sản xuất gia tăng đồng nghĩa với tỷ lệ sử dụng rượu, bia gia tăng. Kết quả điều tra quốc gia về yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm cho thấy: 80,3% nam giới trong độ tuổi 25-64 sử dụng rượu bia trong 30 ngày qua (tăng gần 11% so với năm 2010) và 11,2% nữ giới cũng trong độ tuổi đó sử dụng rượu bia (tăng gấp 2 lần so với năm 2010).
Bình quân mỗi người Việt Nam tiêu thụ khoảng 6,6 lít cồn/người/năm, tỷ lệ nam giới và thanh thiếu niên sử dụng rượu, bia đều ở mức cao. Tiêu thụ bình quân đầu người cao, tình trạng uống rượu bia ở mức nguy hại đang phổ biến ở người trưởng thành Việt Nam. Năm 2015, có tới gần một nửa nam giới (44%) uống rượu bia ở Việt Nam uống ở mức nguy hại, tăng gần gấp đôi so với năm 2010.
Điều đáng nói là vẫn còn có sự nhầm lẫn khi cho rằng, người uống bia ít nguy hại hơn người uống rượu nhẹ và rượu mạnh. Tác hại của rượu bia không phụ thuộc vào loại hình đồ uống, phụ thuộc vào tổng khối lượng ethanol và hình thức uống. Theo đó, 330ml bia hơi với độ cồn 4%, nghĩa là có 10 gram cồn. Số lượng cồn này cũng tương tự uống 1 ly rượu vang 13,5 độ, tương tự khi ta uống 1 chén rượu mạnh (30ml). Như vậy, không có ngoại lệ nào quy định về tiếp thụ rượu bia trên các loại hình đồ uống”, TS Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam nhấn mạnh.
Sử dụng rượu, bia gây hơn 30 loại bệnh không lây nhiễm
Theo TS Kidong Park, việc sử dụng rượu, bia không phù hơp gây ảnh hưởng đến sức khỏe và xã hội cho cá nhân người uống cũng như những người xung quanh và cộng đồng. Sử dụng rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của hơn 30 loại bệnh không lây nhiễm và là nguyên nhân của gần 200 loại bệnh tật khác nhau.
Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng của các bệnh không lây nhiễm. WHO ước tính năm 2016, Việt Nam ghi nhận 549.000 trường hợp tử vong do mọi nguyên nhân, trong đó tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm 77% (đứng đầu là tim mạch, ung thư, đái tháo đường-mà rượu bia là 1 trong 4 yếu tố nguy cơ chủ yếu của các bệnh này).
Nghiên cứu về gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2016 chỉ ra rằng, có tới 12% trường hợp tử vong tại Việt Nam liên quan tới sử dụng rượu bia. Rượu bia là yếu tố nguy cơ cao thứ 2 trong 10 yếu tổ nguy cơ gây tàn tật và tử vong; đồng thời cũng là nguyên nhân chính dẫn đến thương tích, tai nạn giao thông, rối loạn tâm thần và hành vi…
TS Kidong Park dẫn chứng, rượu bia gây ra đột quỵ, suy tim, các bệnh lý tăng huyết áp và phình động mạch chủ, tổn thương gan, xơ gan dẫn đến viêm gan, viêm tuỵ cấp, mãn tính… Rượu bia còn gây ra những bệnh tật đường miệng, ung thư thanh quản, thực quản, tuyến mật trong gan, ung thư vú ở phụ nữ.
“Bên cạnh đó, sử dụng rượu bia còn làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông cho người lái xe, do cơ thể phản ứng chậm, do sự phối hợp các hoạt động bị hạn chết, tầm nhìn ảnh hưởng. Việc sử dụng rượu bia gây nhiều hệ luỵ hung hăng, bạo lực, an toàn xã hội dẫn đến tội phạm”, TS Kidong Park nhấn mạnh.
Nghiên cứu của Dự án Gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2016 cho thấy, rượu bia là nguyên nhân chính làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới từ 15-19 tuổi tại Việt Nam. Tổng số vụ tai nạn giao thông liên quan tới rượu bia chiếm 31,4% ở nam và 19,6% ở nữ. Kết quả điều tra pháp y của Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Việt Đức trên 100 người tử vong do tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia cũng cho thấy, 97% là nam giới và 82% nạn nhân có nồng độ cồn trong máu ở ngưỡng 50mg/100ml máu. Đặc biệt, đa số các vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia là nghiêm trọng, 68% nạn nhân có thời gian sống dưới 30 phút sau khi tai nạn xảy ra.
Cần quản lý rượu bia theo nguyên tắc quản lý chất gây nghiện
Ông Nguyễn Việt Hưng, quyền Điều phối viên Liên minh phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam nhấn mạnh: Rượu bia, đồ uống có cồn là chất gây nghiện, gây ngộ độc cấp và mạn tính cần phải thực hiện theo nguyên tắc “khoa học quản lý chất gây nghiện đối với đời sống con người”.
Theo ông Nguyễn Việt Hưng, các biện pháp hiệu quả nhất để phòng chống tác hại rượu bia theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới gồm tăng thuế và giá; kiểm soát quảng cáo-khuyến mại-tài trợ, hạn chế tính sẵn có của rượu bia.
Luật cần có điều khoản quy định cụ thể đảm bảo tránh sự tiếp cận của trẻ vị thành niên và giới trẻ trong giới hạn độ tuổi quy định. Thiết lập mốc tuổi giới hạn tiếp xúc với đồ uống có cồn thực sự cụ thể: Dưới 2,5% độ cồn thì cho tự do; từ 2.5% độ cồn phải đủ 18 tuổi; từ 3% độ cồn phải đủ 21 tuổi; từ 15% độ cồn trở lên phải đủ 23 tuổi.
Mức độ cồn có trong sản phẩm rượu bia là tiêu chí định danh nguy cơ gây ngộ độc cấp tính, đánh giá mức độ nghiện và tác hại bệnh tật lâu dài của người tiêu dùng, là cơ sở để thiết kế các biện pháp quản lý thị trường quảng cáo, tiếp thị và đánh thuế cho mục tiêu phòng chống tác hại rượu bia và đồ uống có cồn khác, ông Nguyễn Việt Hưng nêu rõ.