Nhắc đến Sài Gòn, điều đâu tiên mọi người sẽ nghĩ tới là một thành phố không ngủ, nơi có những tòa nhà chọc trời, luôn nào nhiệt và vội vã. Ngoài những thứ đó, ẩm thực Sài Gòn còn được ví như một nồi lẩu thập cẩm, nơi hội tụ, giao nhau giữa các nền văn hóa từ tất cả các vùng miền trên toàn quốc và các nước khác trên thế giới. Ở Sài Gòn, chỉ cần có tiền và một chút khả năng tìm tòi, gần như ta có thể thưởng thức hết mọi món ăn nổi tiếng từ mọi vùng miền Việt Nam và khắp thế giới.
Còn với ẩm thực Sài Gòn không thể không nhắc đến ẩm thực đường phố, nói cho oai và nghe văn vẻ thì gọi như thế thôi, nhưng gọi theo cách bình dân đó là món ăn “lề đường”. Lạ lắm, không biết những nước khác trên thế giới như thế nào, đối với một số người Việt có những món ăn không thể nào đem vào nhà hàng, vào những nơi sang trọng, vì như thế thì không còn cảm giác ngon nữa, không còn cái gọi là “lề đường” nữa, nếu đã là “lề đường” thì phải ngồi ăn ở lề đường thì mới cảm nhận được cái vị của nó.
Nếu đã là dân Sài Gòn, chắc chắn một điều là không ai không biết đến món “SÀ BÌ CHƯỞNG” thần thánh. Món ăn từ trẻ em cho đến người già đều phải-đã-từng ăn qua ít nhất một lần trong đời. Đối với người Sài Gòn đó là món ăn mà họ có thể ăn hoài, ăn hoài mà không biết ngán và lại rất bình dân, hợp với túi tiền của mọi tầng lớp.
Thịt nướng dậy mùi thơm phức, ăn chung với miếng chả mềm, sợi bì dai dai quyện cùng vị mắm mặn vừa phải. Chỉ cần ngồi xe chạy dọc đường, không cần nhìn, chỉ cần nghe mùi cũng có thể biết được mình đang đi ngang quán “SÀ BÌ CHƯỞNG”.
SÀ BÌ CHƯỞNG thần thánh.
“SÀ BÌ CHƯỞNG” là cách nói vui của người dân Sài Gòn khi nhắc đến món cơm tấm Sườn Bì Chả, một món ăn đặc sản của người miền Nam nói chung hay Sài Gòn nói riêng. Mà cũng lạ một điều, dường như những chủ quán cơm tấm sườn kiểu này đều hay rất thích kích thích vị giác của người đi đường, thịt sườn được nướng trên vỉa hè, quạt thổi ra đường làm tăng vị thèm của người đi đường.
Món ăn vỉa hè yêu thích của mọi lứa tuổi tại Sài Gòn.
Loại gạo sử dụng phải đúng gạo tấm, nấu tấm chín như nấu cơm. Còn sườn ăn với cơm là loại sườn heo được tẩm ướp gia vị chua ngọt, sau đó đem nướng. Tùy thuộc vào cách chế biến và tẩm ướp mà mỗi nơi sẽ cho ra vị riêng của miếng sườn, thêm miếng chả và sợi bì. Nếu là người dân ở nơi khác khi đến Sài Gòn, thử ăn vài quán thì khó có thể nhận ra sự khác biệt vì các quán cơm tấm bình dân ở Sài Gòn hầu như đều có khẩu vị tương tự nhau đến 80%-90%. Bên cạnh đó, món ăn muốn ngon phải có thêm chút mỡ hành, ít miếng dưa leo, cà chua hay đồ chua được làm từ cà rốt, củ cải, dưa leo, dưa muối đôi khi là đu đủ.
Sườn to như bàn tay ấy.
Ở Sài Gòn, cơm tấm bình dân được bán khắp mọi nơi và từ sớm tinh mơ cho đến tối mịt. Đây có thể được gọi là món ăn “thành dân” – Tên gọi nhái theo cách gọi của quốc dân vì đây là đặc trưng của Sài Gòn nên một số người hay nói vui là món ăn “thành dân”.
Hiện nay, vì tính vệ sinh an toàn thực phẩm và muốn giới thiệu nhiều cho tầng lớp cao cấp và du khách, cơm tấm đã có mặt trong những nhà hàng máy lạnh nhưng để thưởng thức món ăn này một cách đúng điệu phải ở một góc đường hay một con hẻm nào đó với mùi sườn nướng tỏa trong khói lửa mờ ảo.
Món ăn dân giã đã được đưa vào những nhà hàng sang trọng.
Đối với người Sài Gòn, không biết từ khi nào, món ăn này đã trở thành một hình ảnh khó mà thay thế được. Nếu có dịp đến Sài Gòn, hãy tìm cho mình một góc nhỏ trong những con hẻm hay vỉa hè, gọi một dĩa cơm tấm “SÀ BÌ CHƯỞNG” và hãy cảm nhận nó như chính là một người Sài Gòn thực thụ.
Keiby Nguyễn