Theo phản ánh của người dân thôn Tân Thạnh (xã Ân Tường Tây, huyện Hoài Ân), trước đây, khoảng cách từ bờ sông Kim Sơn đến ĐT638B rộng gần 10m. Nhưng vài năm trở lại đây, tình trạng sạt lở bờ sông Kim Sơn diễn ra phức tạp nên đến nay, có đoạn đường chỉ còn cách lòng sông gần 1m.
Ông Trần Văn Toàn (38 tuổi, thôn Tân Thạnh) cho biết: “Cứ mỗi mùa mưa lũ, lại có từ 1 - 2m đất trôi tụt theo dòng nước khiến chúng tôi hết sức lo lắng. Cần phải có một tuyến đê chắn chạy dọc theo tuyến đường để tránh tình trạng xâm thực xảy ra tiếp tục”.
Việc sạt lở bờ sông cũng cuốn trôi nhiều cây cối, hoa màu của bà con ở thôn Mỹ Đức, xã Ân Mỹ. Bà Võ Thị Phích (51 tuổi, trú thôn Mỹ Đức, xã Ân Mỹ) lo lắng: “Việc xâm thực sông Kim Sơn nhiều năm qua đã cuốn trôi không biết bao nhiêu cây cối của gia đình chúng tôi. Có nhiều đoạn hiện đã tiến sát lòng đường. Chúng tôi lo sợ, chỉ qua 1 trận mưa lớn nữa thôi là tuyến đường này cũng sẽ trôi theo dòng nước”.
Theo khảo sát của Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân (Bình Định), trên địa bàn huyện Hoài Ân có hơn 20 điểm sạt lở bờ sông. Trong đó, có 7 điểm sạt lở nghiêm trọng, nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến đất sản xuất của người dân và đường giao thông. Trong đó, điểm sạt lở tại sông Kim Sơn (xã Ân Tường Tây) là nghiêm trọng nhất bởi nó nằm sát ĐT638B, một tuyến đường huyết mạch trên địa bàn.
“Nhiều năm qua, chúng tôi cũng đã kiến nghị và xin chủ trương tận dụng nguồn vốn để khắc phục diện sạt lở theo hướng gia cố, xây dựng một bờ kè chạy dọc các điểm sạt lở đó. Năm nay, nguy cơ sạt lở tuyến đường này là rất lớn bởi nhiều đoạn chỉ còn cách lòng sông chừng hơn 1m, mùa mưa lũ lại đến gần. Điều này khiến chính quyền địa phương và người dân nơi đây rất lo lắng”, ông Võ Duy Tín, Phó phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân (Bình Định) cho hay.
Sạt lở xâm thực mạnh, nguy cơ 'cắt đường' tỉnh lộ Bình Định
Điểm sạt lở tại sông Kim Sơn là nghiêm trọng nhất bởi nó nằm sát ĐT638B, một tuyến đường huyết mạch trên địa bàn.
Nhiều đoạn, lòng sông chỉ còn cách ĐT638B gần 1m |
Theo Báo Giao Thông