Theo đó, giai đoạn 2019-2021, Hà Nội không có đơn vị cấp huyện nào thuộc diện phải sắp xếp. Đối với cấp xã, Hà Nội có 12 phường, xã thuộc 6 quận, huyện có cả hai tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số đều dưới 50% so với quy định.
Cụ thể, đó là các phường: Hàng Đào, Hàng Bạc thuộc quận Hoàn Kiếm; Nguyễn Du, Bùi Thị Xuân, Ngô Thì Nhậm, Phạm Đình Hổ thuộc quận Hai Bà Trưng; các xã Cẩm Đình, Phương Độ, Vân Hà thuộc huyện Phúc Thọ; xã Thuỵ Phú thuộc huyện Phú Xuyên; xã Kim An thuộc huyện Thanh Oai; xã Mỹ Thành thuộc huyện Mỹ Đức.
Thành phố dự kiến sắp xếp 7 đơn vị hành chính cấp xã trong giai đoạn 2019-2021, đề nghị chưa tiến hành sắp xếp 5 đơn vị hành chính cấp xã trong giai đoạn này.
Cụ thể, quận Hai Bà Trưng sẽ hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số phường Nguyễn Du với phường Bùi Thị Xuân và sáp nhập một phần diện tích tự nhiên, dân số của phường Ngô Thì Nhậm thành một đơn vị hành chính mới lấy tên là phường Nguyễn Du; sáp nhập toàn bộ phần diện tích tự nhiên và dân số còn lại của phường Ngô Thì Nhậm (trừ phần diện tích tự nhiên và dân số từ số nhà 52 đến số nhà 214 phố Huế) vào phường Phạm Đình Hổ (tên đơn vị hành chính sau sắp xếp là phường Phạm Đình Hổ).
Huyện Phúc Thọ sẽ hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số xã Cẩm Bình với diện tích tự nhiên, dân số xã Xuân Phú thành một đơn vị hành chính mới lấy tên là xã Xuân Đình; hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số xã Phương Độ với diện tích tự nhiên, dân số xã Sen Chiểu thành một đơn vị hành chính mới lấy tên là xã Sen Phương. Huyện Phú Xuyên hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số xã Thuỵ Phú với diện tích tự nhiên, dân số xã Văn Nhân thành một đơn vị hành chính mới lấy tên là xã Nam Tiến.
Lý do thực hiện phương án sắp xếp nêu trên vì các đơn vị hành chính được sáp nhập với nhau có địa giới hành chính liền kề, có chung các yếu tố văn hóa, xã hội, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân; bảo đảm sự ổn định về an ninh trật tự và đời sống nhân dân sau khi sắp xếp. Sau sắp xếp, thành phố còn 579 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 5 đơn vị.
5 đơn vị hành chính cấp xã được đề nghị chưa sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021 gồm phường Hàng Đào, Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm), xã Vân Hà (huyện Phúc Thọ), xã Kim An (huyện Thanh Oai); xã Mỹ Thành (huyện Mỹ Đức).
Tờ trình của Ban cán sự đảng UBND thành phố đã nêu rõ lý do từng trường hợp nêu trên, chủ yếu nhằm bảo đảm sự ổn định, hiệu quả công tác quản lý xã hội, do tính chất đặc thù về văn hóa, vị trí địa lý biệt lập của các phường, xã này.
Đến nay, quận Hai Bà Trưng và các huyện Phúc Thọ, Phú Xuyên đã hoàn thiện hồ sơ và thực hiện đầy đủ các quy trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, trong đó, đã lấy ý kiến cử tri với sự tán thành cao và được thông qua tại HĐND cấp xã, cấp huyện.
Theo kế hoạch, sau khi HĐND Thành phố có nghị quyết thông qua việc này, UBND thành phố sẽ hoàn chỉnh hồ sơ, gửi Bộ Nội vụ thẩm định trong tháng 12-2019; trình Chính phủ trong tháng 1/2020 để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 2/2020.
Trong trường hợp được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua vào cuối tháng 2, đầu tháng 3 năm 2020, Ban cán sự đảng UBND thành phố đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo các bước sáp nhập để các đơn vị này tiến hành đại hội đảng bộ cơ sở vào cuối tháng 5, đầu tháng 6/2020.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết quan điểm của thành phố trong việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã là không chạy theo thành tích. Tại các địa phương việc sắp xếp tổ dân phố theo hướng phục vụ thuận tiện nhất cho quản lý, tuyên truyền thì nên sắp xếp.
Ông Chung cho biết, sau khi sắp xếp, toàn bộ chứng minh thư, hộ khẩu, giấy tờ liên quan đến cá nhân tại các đơn vị sắp xếp đều phải đính chính, vì vậy đề nghị Công an thành phố là đơn vị quản lý dữ liệu dân cư trong thời gian tới có kế hoạch hiệu đính lại.