Chị Đoàn Ngọc Mai, chủ một hiệu bán giày dép tại Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), cho hay gần đây chị đã phải từ chối rất nhiều khách hàng do không tìm được shipper để chuyển hàng.
Càng gần Tết, khách mua hàng lại càng đông trong khi số lượng shipper lại càng hạn chế và khó tìm. Ngày thường, Chị Mai thuê 2 shipper là sinh viên. Tuy nhiên, gần Tết, một bạn về quê sớm, chỉ còn lại một bạn chuyển hàng trong khi đơn hàng lại tăng gấp đôi so với ngày thường khiến chị không kịp trở tay.
Bình thường, với những đoạn đường ngắn dưới 3 km, chị thuê giao hàng với giá 20.000-30.000 đồng. Tuy nhiên, hiện tại, với giá này, không ai chạy nữa. Do đó, chị thường xuyên phải thuê shipper trên mạng Internet nhưng với giá cao hơn khoảng 30-40% ngày thường.
"Shipper thậm chí chỉ nhận đơn hàng trên 30.000 đồng. Khi khó thuê, tôi đành phải gọi điện cho những khách ở gần nói khéo bớt chút thời gian tự qua lấy hàng. Còn những khách ở xa tôi chấp nhận trả thêm tiền so với ngày thường”, chị Mai cho biết thêm.
Cùng cảnh ngộ, anh Hoàng Văn Nam, chủ một cửa hàng bán các loại phụ kiện điện thoại, điện tử cũng than gặp khó với shipper những ngày cận Tết. Bình thường anh trả một đơn hàng hoảng 20.000-40.000 đồng thì giờ tăng lên gấp 1,5 lần. Có những lúc anh chấp nhận trả cao cũng không thể gọi được ai giao hàng.
“Bình thường tôi cứ rao trên mạng là có người gọi điện nhận ngay. Thậm chí có lúc các shipper tranh nhau gọi làm khiến tôi có thể lựa chọn giá cao thấp tùy ý mình. Tuy nhiên hiện tại thì tình thế đảo ngược. Tôi phải chủ động tìm gọi thuê shipper từ các mối quen biết nhưng vẫn còn khó khăn”, anh Nam tâm sự.
Anh Nam cũng cho biết thêm mặc dù giá thuê shipper ngày Tết có cao hơn ngày thường nhưng anh vẫn không dám tăng giá với khách. Anh vẫn bù lỗ khoản chênh lệch 50% so với ngày thường và báo giá với khách chi phí giao hàng vẫn rất phải chăng. Anh sợ khi báo giá giao hàng quá cao khách hàng từ chối làm ảnh hưởng đến doanh thu của cửa hàng.
Chị Hạnh Nhi, một chủ cửa hàng quần áo ở đường Vương Thừa Vũ (quận Thanh Xuân) lại thiếu may mắn hơn. Cửa hàng của chị hoạt động theo mô hình bán online nên shipper đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, địa điểm cửa hàng lại nằm trên con phố thường xuyên xảy ra tắc đường. Chị cũng quen một vài mối shipper nhưng đều bị từ chối vì lý do ngại tắc đường. Khó khăn hơn, chị thường xuyên bị khách hàng gọi điện mắng vì lý do không đến đúng giờ. Thậm chí còn phải từ chối khách hàng do không thuê được shipper.
Đinh Văn Vương, sinh viên Đại học Thương mại đang làm shipper tự do cho biết số lượng nhân viên hiện tại chỉ bằng 70% so với ngày thường do nhiều người về quê ăn Tết sớm. Nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu vận chuyển lại rất cao nên chi phí vận chuyển tăng lên là đương nhiên.
Cũng theo anh Vương, yếu tố tắc đường là thứ làm cho shipper thấy ngán ngẩm nhất. “Nhiều khi khách hàng yêu cầu ship hàng vào những khu vực hay xảy ra tắc đường nhưng chúng em cũng không ai dám nhận vì sợ chôn chân trong đó”.
Triệu Quốc Đạt, làm shipper được khoảng 6 tháng cho biết thu nhập những ngày cận Tết của bạn vào khoảng 700.000-800.000 đồng một ngày. Mức thu nhập này cao hơn khoảng 30-40% so với ngày thường. Nếu tính khoảng 10 ngày cận Tết, Đạt cũng có thể kiếm được khoảng 5 triệu đồng sau khi đã trừ các khoản chi phí xăng xe liên quan.
“Giờ một ngày em chạy không xuể số lượng yêu cầu. Vì vậy em chỉ nhận những đơn hàng trả giá cao và cùng thuộc một cung đường các đơn gần nhau. Em cũng nhất quyết từ chối các đoạn đường tắc, các khu vực xa thành phố để tranh thủ được nhiều đơn nhất một ngày. Giờ mình có quyền từ chối mà”, Đạt vui vẻ tâm sự thêm.
Cũng theo Đạt, công việc vận chuyển thường bắt đầu từ 8h đến khoảng 20h. Nhiều khi shipper này cũng cố chạy vì buổi tối người nhận hàng thường có mặt ở nhà nên giao hàng dễ hơn. Đạt dự định sẽ cố làm đến chiều 30 Tết mới về quê.