Sáng 4/5, siêu bão Fani đã đổ bộ vào Bangladesh sau khi gây thiệt hại nặng nề tại Ấn Độ.
Tới nay, Fani, một trong những cơn bão mạnh nhất xuất hiện ở vịnh Belgal với cấp độ 4 (cấp cao nhất theo bảng cấp độ bão của Ấn Độ), sức gió gần tâm bão đạt 240km/h, đã làm ít nhất 8 người ở Ấn Độ và 9 người ở Bangladesh, thiệt mạng.
Cảnh sát Bangladesh cho biết 14 ngôi làng gần thị trấn Dacope tại nước này đã bị ngập khi cơn bão mạnh đổ bộ khiến thủy triều dâng cao tràn qua các đập chắn lũ. Trong số các nạn nhân thiệt mạng có nhiều người tử vong do bị sét đánh trong bão. Hơn 400.000 người đã phải sơ tán tới các lều tạm.
Trước đó, tại Ấn Độ, mặc dù đã suy yếu, nhưng cơn bão này vẫn gây mưa to suốt đêm 3/5 và rạng sáng 4/5 tại bang Tây Bengal và thủ phủ Kolkata của bang này, thành phố có 4,5 triệu dân. Hàng trăm nghìn người ở Tây Bengal đã phải sơ tán. Theo chính quyền địa phương, do ảnh hưởng của bão, sân bay thành phố Kolkata đã phải đóng cửa và các hoạt động của ngành đường sắt bị ngừng trệ.
Khu vực bị tàn phá nặng nề nhất là bang Odisha ở miền Đông Ấn Độ. Với sức gió lên tới 200km/h, sau khi tràn vào bang này ngày 3/5, bão đã khiến ít nhất 8 người. Riêng ở thành phố Puri của bang này, hơn 160 người bị thương do bão. Điện, nước và hệ thống liên lạc của bang này đã bị cắt đứt.
Bờ biển phía Đông Ấn Độ thường xuyên phải hứng chịu các cơn bão mạnh. Hồi năm 1999, một cơn bão siêu mạnh tràn vào bang Odisha khiến gần 10.000 người thiệt mạng và gây thiệt hại 4,5 tỷ USD. Trong năm 2017, bão Ockhi đã ảnh hưởng đến 2 bang của Ấn Độ lại khu vực trên là Tamil Nadu và Kerala, khiến gần 250 người thiệt mạng và hơn 600 người mất tích.
Trước khi siêu bão Fani đổ bộ, hơn 1,2 triệu người sống tại các khu vực ven biển Đông Bắc Ấn Độ đã phải sơ tán khẩn cấp. Khoảng 1.000 điểm tránh, trú bão tại các trường học và một số tòa nhà của chính phủ đã được dọn dẹp, đảm bảo nơi tạm trú cho hơn một triệu người trong trường hợp thiên tai khẩn cấp./.