Cụ thể, nội dung thanh tra chủ yếu gồm việc tiếp nhận, chuyển giao quyền đại diện nhà nước của SCIC; thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đầu tư kinh doanh vốn; bán cổ phần tại một số doanh nghiệp; quản lý tài chính, mua sắm, đầu tư, xây dựng, cơ bản...
Thanh tra Chính phủ cũng đã chỉ ra rõ những sai phạm của SCIC trong nội dung thanh tra.
Sai phạm về tiếp nhận bàn giao doanh nghiệp
SCIC được giao thực hiện việc tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các bộ, ngành, địa phương. Dù chuyển giao với số lượng lớn nhưng đơn vị lại thực hiện một số nội dung công việc như một cấp quản lý nhà nước. Chính điều này dẫn đến khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, nhất là vị trí, vai trò trong quá trình làm việc với các bộ ngành, địa phương.
SCIC cũng chưa đầy đủ, thiếu chính xác trong rà soát, xây dựng danh mục các DNNN.
Hội đồng thành viên SCIC không có văn bản phê duyệt kế hoạch tiếp nhận doanh nghiệp hàng năm. Đơn vị này đã tiếp nhận Vietracimex mà không có quyết định của Thủ tướng, không thuộc đối tượng chuyển giao theo quy định của pháp luật.
Nhiều vi phạm của SCIC liên quan tổng hợp, báo cáo, tiếp nhận tại các doanh nghiệp như Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Việt Nam, CTCP Dịch vụ và Đầu tư phát triển Việt Ninh từ tỉnh Ninh Thuận... không đúng quy định.
Giai đoạn 2008 -2013, SCIC chuyển giao lại quyền đại diện vốn nhà nước về bộ, địa phương quản lý tổng số 30 doanh nghiệp nhưng chỉ có CTCP hàng không Jetstar Pacific Airlines là có văn bản của Thủ tướng.
Còn lại 29 doanh nghiệp, việc chuyển giao phải thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng là “trước mắt tạm thời chưa tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm nhiệm vụ công ích gắn với thực hiện chính sách xã hội, với ngân sách địa phương”. Tuy nhiên qua kiểm tra tài liệu do SCIC cung cấp thì việc phân biệt doanh nghiệp nói trên lại không rõ ràng.
Sai phạm trong việc cử người đại diện
Về việc cử người đại diện vốn SCIC tại các doanh nghiệp vẫn còn tồn tại nhiều sai sót dẫn đến việc nhiều cán bộ đại diện không thực hiện đúng vai trò trách nhiệm. Đáng chú ý là đơn vị này đã ban hành Quy chế người đại diện vốn theo hướng mở rộng độ tuổi. Điều này dẫn đến sự khác biệt trong quy định đối với người đại diện vốn nhà nước tại các doanh nghiệp trong việc cử người đại diện đã quá tuổi nghỉ hưu.
Theo kết luận thanh tra, đến ngày 30/9/2015, còn 21 người đại diện của SCIC quá tuổi nghỉ hưu, khiến việc điều hành quản trị doanh nghiệp có vốn SCIC nắm giữ còn để xảy ra sai phạm.
Nhiều sai sót liên quan đến kinh doanh vốn của SCIC tại các doanh nghiệp cũng xuất hiện trong kết luật của Thanh tra Chính phủ. Ảnh minh họa: SC. |
Trên cơ sở đó, kết luận thanh tra nêu rõ: “Một số người đại diện vốn chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, để doanh nghiệp vi phạm các quy định về đấu thầu trong quá trình thực hiện dự án đầu tư; thực hiện đầu tư dự án trước khi Đại hội cổ đông thông qua, không thẩm định hiệu quả của phương án đầu tư, thực hiện các dự án đầu tư không hiệu quả, quản lý dự án đầu tư không tốt dẫn đến khó thu hồi vốn đầu tư”.
Việc ủy quyền người đại diện chủ sở hữu vốn của SCIC tại doanh nghiệp còn chưa thực hiện đầy đủ. Thậm chí có trường hợp từ khi tiếp nhận đến thời điểm kiểm tra SCIC không có văn bản ủy quyền, có trường hợp tiếp nhận được một thời gian dài mới ban hành văn bản ủy quyền người đại diện.
Ngoài ra, có trường hợp đại hội cổ đông nhiệm kỳ sau 1 năm SCIC mới ban hành văn bản ủy quyền người đại diện tại doanh nghiệp; Người đại diện vốn của SCIC tại doanh nghiệp 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ nhưng SCIC không xem xét để thực hiện việc chấm dứt ủy quyền.
Về trách nhiệm của người đại diện vốn SCIC tại doanh nghiệp, Thanh tra chỉ rõ vẫn còn tình trạng người đại diện chưa thực hiện báo cáo đầy đủ, định kỳ theo quy định; phê duyệt đầu tư không báo cáo SCIC trước khi đưa ra xin ý kiến đại hội cổ đông.
Công tác quản lý tài chính tại một số công ty do người đại diện vốn SCIC tham gia quản lý điều hành để xảy ra nhiều sai phạm, khuyết điểm với tổng số tiền sai phạm lên tới hơn 183 tỷ đồng; xác định giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần nhưng không đúng giá trị khu đất và tài sản (Vinaconex)… Một số doanh nghiệp do SCIC tiếp nhận đã không tổ chức ĐHĐCĐ; không đăng ký là công ty đại chúng, để kiêm nhiệm chủ tịch với tổng giám đốc…
Sai sót trong thẩm định đầu tư
Một số khoản đầu tư kinh doanh vốn của SCIC cũng chưa rõ ràng về hiệu quả. Việc đơn vị này thêm vốn đầu tư vào một số doanh nghiệp chưa được thẩm định kỹ dẫn đến thiệt hại không nhỏ về nguồn vốn.
Kết luận thanh tra chỉ rõ khoản đầu tư vào CTCP Giao thông Hà Nội không có trong kế hoạch đầu tư, không thực hiện các bước thẩm định… dù công ty này liên tục gặp khó khăn. Hay khoản đầu tư tăng vốn điều lệ cho Vinaconex với giá trị đầu tư thêm của SCIC 1.602 tỷ đồng theo quyền mua của cổ đông hiện hữu. Về thực chất khoản đầu tư này chỉ để giúp Vinaconex tái cơ cấu về tài chính trả nợ trái phiếu đến hạn do khoản lỗ gần 2.000 tỷ tại dự án Xi măng Cẩm Phả.
Về việc bán vốn đầu tư của SCIC tại một số doanh nghiệp, SCIC đã loại trừ khoản lợi nhuận từ chuyển nhượng bất động sản năm 2011 ra khỏi kết quả kinh doanh trong 3 năm 2010-2012 tại CTCP Du lịch TP.HCM, tại CTCP Sứ Hải Dương.
Ngoài ra, tại CTCP Du lịch TP.HCM, SCIC cũng không xác định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm gần nhất với thời điểm bán cổ phần. SCIC còn bán vốn đầu tư khi doanh nghiệp còn nợ quỹ hỗ trợ sản xuất và phát triển doanh nghiệp hoặc chưa có cam kết trả nợ quỹ.
Trong việc quản lý, sử dụng quỹ hỗ trợ, sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, đến ngày 31/12/2014, có tỉnh, thành phố chưa có báo cáo quyết toán và chuyển số tiền còn lại của quỹ hỗ trợ sản xuất và phát triển doanh nghiệp tại SCIC.
Cuối cùng, về công tác quản lý tài chính, mua sắm và đầu tư xây dựng cơ bản, tổng số tiền sai quy định trong công tác quản lý tài chính đã lên tới 1.000 tỷ đồng tại các đơn vị. Công tác đầu tư, mua sắm tài sản của SCIC cũng có nhiều sai phạm trong việc lập hồ sơ hoàn công, quyết toán, nghiệm thu, thanh quyết toán với số tiền gần 400 triệu đồng.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị SCIC cần phải tăng cường công tác giám sát người đại diện, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của người đại diện nhằm phát hiện các thiếu sót, yếu kém để có biện pháp ngăn chặn.