Cụ thể, quốc gia này đang bắt tay vào một chiến lược chăm sóc phòng ngừa lớn mang tên Healthier SG, dự kiến sẽ công bố vào tháng 7 tới.
Với chương trình này, người dân "đảo quốc Sư tử" sẽ có điều kiện thường xuyên liên hệ với bác sĩ đa khoa để khám sàng lọc định kỳ phát hiện bệnh sớm. Những người cao tuổi sẽ được chăm sóc theo hình thức nội, ngoại trú tùy theo tình trạng sức khỏe. Ưu tiên tiếp theo của Bộ Y tế Singapore là xây dựng hệ thống dịch vụ chăm sóc cộng đồng, qua đó khuyến khích người dân làm những gì phù hợp với sức khỏe của mình và hỗ trợ quá trình già hóa trong cộng đồng.
Bộ trưởng Ong Ye Kung cho biết việc lập kế hoạch để đối phó với kịch bản dân số già đã được Singapore thực hiện trong nhiều năm thông qua chính sách cải cách Quỹ Tiết kiệm Trung ương, tăng dần tuổi nghỉ hưu và tuổi tái tuyển dụng, theo đó độ tuổi này sẽ lần lượt tăng lên 65 và 70 vào năm 2030, nhằm bảo vệ những người lao động lớn tuổi trước nguy cơ bị sa thải vì vấn đề tuổi tác.
Bên cạnh đó, Singapore cũng lên kế hoạch tạo môi trường sống thân thiện với người cao tuổi. Cụ thể, Ủy ban Nhà ở Singapore đang tái đầu tư, nâng cấp và phát triển các khu dân cư, triển khai các dự án nhà ở mới tại đây để đảm bảo sự hài hòa giữa các thế hệ.
Bộ trưởng Y tế Singapore nhấn mạnh già hóa là sự biến đổi xã hội lớn nhất của Singapore hiện nay. Vì vậy, từ rất sớm, chính phủ đã hoạch định các chính sách cụ thể trong các lĩnh vực quy hoạch đô thị, phát triển kinh tế, hưu trí hay cải cách hệ thống chăm sóc sức khỏe… để chuẩn bị cho một đất nước dân số già.
Theo cách xác định của Liên hợp quốc, một quốc gia được coi là già hóa nếu tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên của quốc gia đó vượt 7%, quốc gia đó sẽ là già nếu tỷ lệ này cao hơn 14% và siêu già khi tỷ lệ này lên tới 21%. Singapore đã trở thành một xã hội già hóa vào năm 2017 và sẽ là quốc gia siêu già vào năm 2026. Đến năm 2030, cứ 4 công dân Singapore thì có 1 người từ 65 tuổi trở lên, tăng từ tỷ lệ 6:1 hiện nay.