Nguyên cả kỳ nghỉ lễ 30-4, con trai đi nghỉ mát với ông ngoại ở Nha Trang. Bố nhắn bao nhiêu tin không đọc, không trả lời, gọi Zalo không nghe, nhắn ông ngoại nói gọi lại cũng không gọi.
Bây giờ về Hà Nội rồi, còn nốt tối nghỉ cuối cùng, bảo bố đón về cũng không nốt.
Tôi nhờ ông ngoại gọi nó ra nghe máy. Cố gắng kiềm chế không nặng lời, nhưng tôi vẫn không giấu được sự giận dữ.
- Thôi được, con cứ ở đấy. Bố sẽ không đón con nữa.
Tôi gằn giọng, rồi dập máy.
Liền sau đó, con trai tôi nhắn dồn dập qua Zalo. Xin lỗi bố, thề thốt, cho con một cơ hội cuối cùng, bố là người tuyệt vời luôn ở bên con, các thứ...
Tôi không đọc. Và tối ấy, cũng không đón con.
Hôm sau, tôi nhắn bà ngoại đưa con ra phố đi bộ. Nhìn thấy nó thì cũng chẳng còn giận được. Tôi xoa đầu, ôm nó. Úp mặt vào bụng bố, thì thằng bé khóc ngay. Tất nhiên nước mắt luôn là biểu hiện của sự xúc động trong những dịp đoàn viên, dù là người ta vừa trở về sau mấy năm chinh chiến, hay vài ngày tắm biển và chơi điện tử bét nhè.
Tối, hai bố con nằm bắt chân chữ ngũ nói chuyện.
- Nào, bây giờ con nói bố nghe vì sao không liên lạc với bố khi đi chơi?
- *Im lặng, dụi mắt, ườn eo, ừm ừm...*
- Nào đang nói chuyện nghiêm túc đấy. - Con nói lý do sợ bố buồn...
- Thì cứ nói đi.
- Vì con mải chơi ạ.
Đấy là một lý do chính đáng chứ còn gì nữa.
Suốt tuổi thơ của mình, rồi tuổi thiếu niên, thanh niên và thậm chí là trung niên như bây giờ, hầu hết lỗi lầm tôi gây ra đều vì mải chơi. Thế nhưng, khi phải đưa ra một câu trả lời, tôi đã luôn viện dẫn rất nhiều lý do để bao biện. Những lý do hợp lý đến mức, nhiều khi tôi cũng tin nó là thật. Ngày hôm nay, con trai lên 9 của tôi bắt đầu cho tôi nếm trải cảm giác mà mẹ tôi từng nếm nhiều lần, suốt từ khi tôi bắt đầu lớn. Nhưng rõ ràng là nó đã thẳng thắn hơn bố.
- Thôi được rồi. Bố nghĩ đấy là lý do hợp lý đấy. Chúng ta khép lại vụ này ở đây. Nhưng con vẫn còn những lời hứa với bố, và con cố gắng thực hiện đi nhé.
- Vâng.
- Này, con có cần bố giúp gì không? - tôi hỏi nốt, trước khi nó ngủ mất.
- Giúp gì ạ? - giọng cu cậu đã rất khẽ...
- Giúp con thực hiện những lời hứa ấy.
- Bố nghiêm khắc hơn với con một chút là được ạ.
Lần đầu tiên tôi nghe thấy một đứa trẻ “nhờ” người lớn nghiêm khắc hơn với nó. Đấy là kết quả của cách cư xử tôn trọng như những thằng bạn thân thực sự, mà tôi đã thiết lập với ông con từ xưa đến nay. Nhưng tôi quên mất, thằng-bạn-thân ấy của tôi, vẫn chỉ là một đứa bé. Mà với 1 đứa bé, thì kỷ luật và nuông chiều đều cần phải cân bằng như nhau.
Sinh con rồi mới sinh cha, có một thành ngữ Việt Nam như thế. Nhưng tôi ngày càng hiểu ngụ ý của ông cha, quả thực là một người đàn ông chỉ được làm cha sau khi một đứa trẻ ra đời. Và sau đó, thì cả bố lẫn con đều phải học...
----
Thực ra hôm đó con tôi muốn ở lại nhà ông ngoại để đợi cậu từ Đài Loan về, có hứa mua đồ chơi cho. Mà cậu về muộn quá. Đấy cũng là một lý do chính đáng.