“TP.HCM đang trong giai đoạn chuyển mùa, từ ngày 10 đến 15/5, thành phố sẽ chính thức bước vào mùa mưa. Dự báo năm nay lượng mưa ở địa bàn TP.HCM sẽ tăng cao so với những năm trước đây. Do đó tình trạng ngập nước cũng sẽ khó lường hơn.
Ông Nguyễn Kiệt, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, thông tin.
Lắp thêm 35 camera ở điểm nóng
Trước tình trạng này, ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý thoát nước, trung tâm chống ngập TP.HCM, nhìn nhận tình trạng mưa tăng, nhất là những trận mưa lớn xảy ra dồn dập trong thời gian ngắn khiến cho công tác chống ngập gặp không ít khó khăn.
“Để theo dõi các điểm ngập nặng, trung tâm vừa trình Sở Tài chính thành phố xem xét, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu lắp đặt 35 camera theo dõi ngập (kinh phí gần 500 triệu đồng - NV). Nếu thực hiện đúng tiến độ, hệ thống camera nói trên sẽ được lắp đặt, vận hành để phục vụ công tác chống ngập trong mùa mưa năm nay” - ông Long cho hay.
Cụ thể, theo xác định của trung tâm chống ngập, mùa mưa năm nay những khu vực sau có nguy cơ ngập nặng như đường Nguyễn Hữu Cảnh, Huỳnh Tấn Phát, Bàu Cát, quốc lộ 13, An Dương Vương, Gò Dầu, tỉnh lộ 10...
Theo ông Long, các camera sẽ được lắp đặt ở những tuyến đường ngập thường xuyên. Hình ảnh từ hiện trường sẽ được truyền về phòng điều hành của trung tâm để theo dõi và đưa ra phương án ứng phó khi cần thiết.
Hiện Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị thành phố (đơn vị được trung tâm chống ngập thuê bao để duy tu vận hành hệ thống cống thoát nước) cũng đã lắp đặt nhiều camera để phục vụ công tác chống ngập” - ông Long cho biết thêm.
Tận dụng camera giao thông và an ninh
Ông Bùi Văn Trường, Trưởng phòng Quản lý vận hành hệ thống thoát nước mưa của Công ty Thoát nước TP, cho biết hiện công ty cũng đã lắp đặt khoảng 34 camera ở những tuyến đường thường xuyên bị ngập nặng. Nhờ hệ thống camera này nên công tác chống ngập đỡ vất vả hơn.
“Trước đây, khi chưa có camera, công ty phải bố trí nhiều công nhân trực mưa, theo dõi ngập trực tiếp ngoài hiện trường. Khi có camera thì số lượng công nhân trực mưa giảm xuống đáng kể vì anh em ở văn phòng vẫn nắm được diễn biến ngập để điều phối. Những điểm nào ngập nặng và nước thoát chậm thì mình bố trí nhiều anh em công nhân xuống hiện trường để vớt rác và ứng phó sự cố...” - ông Trường chia sẻ.
Theo ông Trường, ngoài hệ thống camera do công ty lắp đặt, đơn vị này cũng đã phối hợp với Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn (thuộc Sở GTVT TP) để chia sẻ hình ảnh từ hệ thống camera giao thông.
“Bên Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn hiện có khoảng 300 camera giao thông. Trong đó có rất nhiều camera được gắn ở những khu vực hay xảy ra ngập. Do đó hình ảnh từ những khu vực này cũng đã được công ty chia sẻ để theo dõi, phục vụ công tác chống ngập” - ông Trường nói.
Ông Đỗ Tấn Long cũng cho biết thêm trung tâm chống ngập cũng đã có văn bản gửi Sở GTVT thành phố đề nghị được chia sẻ hình ảnh từ hệ thống camera giao thông. Sắp tới, đơn vị này sẽ thực hiện chương trình tổng hợp hình ảnh từ hệ thống camera của trung tâm đường hầm sông Sài Gòn lẫn hệ thống camera của Công ty Thoát nước để đưa hình ảnh về trụ sở của trung tâm chống ngập.
“Trong thời gian tới, trung tâm chống ngập sẽ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng để tại trụ sở của trung tâm để có thể tiếp nhận hình ảnh từ hệ thống camera trên địa bàn thành phố, kể cả camera an ninh nhằm theo dõi tất cả điểm ngập để có phương án ứng phó kịp thời” - ông Long bộc bạch.
Lực lượng PCCC ứng cứu nơi nguy hiểm
Những năm qua, trung tâm chống ngập đã phối hợp với lực lượng PCCC của thành phố để ứng cứu khi xảy ra những điểm ngập nghiêm trọng. Năm nay, để tăng cường sự phối hợp này, trung tâm đã lập kế hoạch chi tiết hơn để ký kết với lực lượng PCCC nhằm thực hiện quy chế phối hợp nhịp nhàng hơn. Lực lượng PCCC có nhiều thiết bị chuyên dụng, hiện đại nên họ có thế mạnh ứng cứu được những trường hợp ngập tầng hầm sâu hoặc những khu vực ngập nguy hiểm.
Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý thoát nước, trung tâm chống ngập TP.HCM
Theo Pháp Luật TP.HCM